24/06/2015 15:36 GMT+7

Nghe ca khúc do GS Trần Văn Khê trình bày, tuyển chọn

Q.N.
Q.N.

TTO - Tuổi Trẻ Online giới thiệu một số ca khúc trích trong bộ hai đĩa cổ nhạc, tân nhạc do GS Trần Văn Khê tuyển chọn và đang trong quá trình sản xuất, phát hành bởi Phương Nam Phim (PNF).

GS Trần Văn Khê thời trung niên (phải). Ảnh tư liệu.

Nhà sản xuất PNF cho biết GS Trần Văn Khê đã tuyển chọn từ kho tư liệu đồ sộ của ông để làm bộ đĩa đôi. Tiếc là bộ đĩa này đang trong quá trình chuẩn bị cho khâu phát hành thì giáo sư qua đời.

Việc thực hiện bộ đĩa do chính GS Trần Văn Khê đề nghị PNF thực hiện giúp ông vào cuối năm 2014. Điều đặc biệt nhất là GS.Trần Văn Khê cũng chính là người tham gia trình diễn, khi là người hát, khi là ngưới đàn cùng nhạc sư Vĩnh Bảo, Cố Nghệ sĩ Trần Văn Trạch, GSTS Trần Quang Hải, Trần Thị Thủy Ngọc (hai con của ông), nghệ sĩ Hải Phượng và một số học trò của ông.

Với bộ đĩa này, GS Trần Văn Khê Ông mong muốn kể lại một câu chuyện nho nhỏ về âm nhạc và thơ ca rất thú vị của một thời.

Đĩa 1 là album Cổ nhạc - Chân phương hoa lá gồm những bài nhạc cổ truyền. Với đĩa này, GS Trần Văn Khê viết:

“Thông thường mọi người biết đến tôi với công việc là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam thiên về lý thuyết nhiều hơn chứ không phải là một nghệ nhân có thể biểu diễn các nhạc khí dân tộc.

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và làm việc của mình, tôi đã từng cùng một số nghệ nhân – nghệ sĩ thực hiện những dĩa hát về nhạc truyền thống mà trong đó tôi cũng góp mặt bằng cách biểu diễn trên nhiều nhạc khí khác nhau.

Không chỉ biểu diễn đơn thuần nhạc cổ truyền, mà đồng thời tôi cũng đã nghĩ ra những cách làm mới để cho các bộ môn âm nhạc truyền thống được thêm phần phong phú và dồi dào. Tuy là cách làm mới nhưng những sự thể nghiệm đó luôn luôn vẫn còn giữ bản sắc dân tộc và không rơi vào lối nhạc ngoại lai".

Đĩa gồm bảy bài cổ nhạc mà GS Trần Văn Khê rất yêu thích, thường lấy làm ví dụ trong các bài nói chuyện, giảng dạy của ông: Lưu thuỷ đoản - Bình bán vắn - Kim tiền (Đờn tranh Vĩnh Bảo, Đờn Tỳ Bà Trần Văn Khê), Phú lục chấn (Đờn tranh Vĩnh Bảo, Đờn Kìm Trần Văn Khê), Tây Thi (Đờn Sến Vĩnh Bảo, Đờn Gáo Trần Văn Khê), Ngũ đối hạ (Đờn tranh Hải Phượng, Đờn Cò Trần Văn Khê), Nam Xuân (Trần Văn Khê ca, Trần Thị Thủy Ngọc phụ họa Tranh), Ngẫu hứng theo điệu Chầu Văn (Đờn Kìm Trần Văn Khê, nhịp sinh tiền Trần Quang Hải, gõ song lang Trần Thị Thủy Ngọc), Nhớ nàng (Trần Văn Khê ngâm thơ và đàn tranh, gõ song lang Trần Thị Thủy Ngọc).

>> Nghe bài Tây Thi

>> Nghe bài Ngẫu hứng theo điệu Chầu Văn

>> Nghe bài Nhớ nàng

GS Trần Văn Khê (trái)

Đĩa 2 là album Tân nhạc - Mơ mòng khi xưa gồm những bài hát tân nhạc, trong đó có những bài do chính GS Trần Văn Khê sáng tác.

Giáo sư Trần Văn Khê đã viết cho đĩa này: “Năm 1950, anh Lê Văn Tư - giám đốc hãng dĩa Oria tại Việt Nam có ý muốn giới thiệu một số bài ca tân nhạc do những nhạc sĩ nổi tiếng đương thời sáng tác. Thuở đó người ca sĩ chỉ được 1 hay 2, 3 cây đờn ghi-ta phụ hoạ chứ chưa bao giờ có được một dĩa hát do một dàn nhạc phụ hoạ.

Anh lại có ý muốn ghi âm các nghệ sĩ và in thành dĩa tại Pháp để có được kỹ thuật hoàn hảo hơn những dĩa hát xuất bản tại Việt Nam. Khi gặp tôi anh Lê Văn Tư đề nghị tôi thâu thanh các bài hát tân nhạc. Hãng ORIA đề nghị một số bài đồng thời gởi bản ký âm có nhạc và lời cho tôi chọn. Tôi thấy thích nên bằng lòng lo việc phối khí và tìm dàn nhạc phụ họa. 

Người lo việc phối khí cho dĩa nhạc này là Ông Ghestem. Ông là chỉ huy dàn nhạc tại rạp Gaîté lyrique, nhưng ông có một số bạn thân đàn trong dàn nhạc Opéra, đàn hay, biết ý của ông nên khi thâu thanh cho dĩa Oria ông thường gọi các nhạc công ấy họp thành một dàn nhạc nhẹ, mỗi người biết đàn hay thổi hai ba nhạc cụ khác nhau, nhờ vậy mà chỉ có 7 hay 8 nhạc công, mà đủ màu sắc âm thanh: các loại kèn saxo ténor, saxo soprano; clarinette, hautbois, trompette sáo ngang, violon, lục huyền cầm Tây ban nha v.v.. 

Hãng dĩa lựa trước nhứt những bài hát của Lê Thương, Võ Đức Thu, Nguyễn Hữu Ba là những nhạc sĩ đang sống tại Sài Gòn, tôi cũng có đề nghị một số bài của Lưu Hữu Phước và Phạm Duy. Nhưng anh Phước lúc đó đang ở miền Bắc, nên những bài tôi đề nghị không được chấp thuận như Bạch Đằng giang, Chi Lăng, Người xưa đâu tá.

Chủ hãng dĩa Oria chỉ chấp nhận bài Hờn sông Gianh. Phạm Duy cũng ở trong chiến khu Việt Bắc. Nhưng mấy bài Nhớ người thương binh, Sông Lô, Chiến sĩ vô danh được ban Giám đốc dĩa hát đồng ý cho thâu thanh và việc phổ biến, phát hành do bên Việt Nam lo.

Tôi còn giữ dĩa riêng của tôi là dĩa không có bán trên thị trường, vì mỗi khi thâu thanh xong, trước khi ra dĩa bán, anh Lê Quang Tư cho tôi một dĩa in đặc biệt chỉ ghi tên bài hát và LQT (Lê Quang Tư) số… Các dĩa ấy tôi cất vào một hộp riêng toàn dĩa 78 vòng Oria. Nhưng con trai tôi là Trần Quang Hải đã ghi dĩa hát lại trên một băng cối và đã chuyển thành 2 CD để giữ lại lâu tiếng đàn giọng ca của thời 1950-1951 lúc tôi còn là một bần sĩ hát thuê với bí danh là Hải Minh”.

Đĩa gồm 9 bài: Chiến sĩ vô danh (Phạm Duy), Tiếng thùy dương (Lê Thương), Hờn sông Gianh (Lưu Hữu Phước), Bông hoa rừng (Lê Thương), Thanh niên (Thẩm Oánh), Lồng vàng và chim xanh (Trần Văn Khê), Lịch sử loài người (Lê Thương), Biển sau giông tố (Lê Thương), Nàng nhạc (Thơ Nguyễn văn Cổn, nhạc Trần Văn Khê).

>> Nghe ca khúc Chiến sĩ vô danh

>> Nghe ca khúc Tiếng thùy dương

>> Nghe ca khúc Nàng nhạc

GS Trần Văn Khê (phải)
GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy
GS Trần Văn Khê chơi đàn
GS Trần Văn Khê chơi đàn cùng đồng nghiệp

  

Q.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp