11/02/2022 10:18 GMT+7

Nghề bảo mẫu cần chính danh

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Trăm việc có tên và không tên đổ lên đầu bảo mẫu nhưng nghề này vẫn chưa được quy định vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục. Và hệ quả là việc thì nhiều nhưng lương thấp, đời sống bảo mẫu bấp bênh, sự nghiệp mịt mù...

Nghề bảo mẫu cần chính danh - Ảnh 1.

Cô bảo mẫu một trường tiểu học ở TP.HCM lấy thức ăn cho học sinh ăn trưa - Ảnh: H.HG.

Tâm sự với Tuổi Trẻ, cô N., bảo mẫu một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, cho biết công việc của bảo mẫu không vất vả nhưng chiếm nhiều thời gian trong ngày. Áp lực nhất không phải từ nhà trường mà từ phía phụ huynh.

Ngày dài

Một ngày của cô N. bắt đầu từ lúc 6h05 sáng với việc quét dọn phòng học, lau bàn ghế, bảng đen, rửa ly uống nước... cho học sinh. Xong việc, cô quay ra đón học sinh để 7h25 cho các em xếp hàng đi vào lớp.

Khi học sinh bước vào tiết học văn hóa thì các cô bảo mẫu xuống bếp phụ việc với nhân viên cấp dưỡng để chuẩn bị bữa ăn trưa, ăn xế cho trẻ. 10h30 mỗi ngày, các cô sẽ nhận cơm và thức ăn từ bếp bán trú, mang về lớp mình rồi chuẩn bị chén, bát... cho trẻ ăn trưa.

"Nhiệm vụ chính của bảo mẫu là quản lý giờ ăn, giờ ngủ và trả học sinh tận tay phụ huynh, nên nhiều bữa học sinh ra về lúc 16h30 nhưng 18h mình mới ra khỏi cổng trường do phụ huynh bận việc, đón con trễ" - cô N. cho biết.

Không những thế, cô M., bảo mẫu một trường tiểu học nổi tiếng ở quận 7, còn kể: "Tôi đã làm bảo mẫu nhiều năm ở lớp 1 và nhận thấy nó không khác gì so với bảo mẫu ở trường mầm non. Tình trạng các bé đi vệ sinh trong quần, ói trong lớp... thường xuyên xảy ra, nhất là đầu năm học. Do vậy, năm nào tôi cũng tự mua 4 bộ đồng phục để dành cho những trường hợp như trên. 

Chưa kể nhiều em biếng ăn, phụ huynh thì gửi gắm "Cô cho bé uống sữa thêm", "Cô giúp bé ăn hết suất"... Có em, phụ huynh không thể cho con ăn sáng ở nhà đành mang lên gửi với lời nhắn cô cho bé ăn sáng vào giờ ra chơi giúp mẹ".

Ngay cả giờ ngủ cũng không phải chuyện đơn giản. Ở TP.HCM rất ít trường tiểu học có phòng ăn và phòng ngủ riêng mà thường kết hợp 3 trong 1: phòng học cũng là phòng ăn và phòng ngủ. Do đó, công việc của bảo mẫu còn phải là xếp bàn ghế để làm chỗ ngủ và kê bàn ghế ra để học sinh học lại vào buổi chiều. 

"Mệt mỏi nhất là nhiều học sinh khó ngủ và không có thói quen ngủ trưa. Các em không ngủ nhưng không chịu nằm yên mà "tám" với bạn hoặc trêu chọc bạn nằm bên cạnh khiến tôi phải qua nằm kế bên con mới im" - cô Ng., bảo mẫu ở quận Gò Vấp, cho hay.

Nhiều người cứ nghĩ bảo mẫu chỉ có mỗi việc cho học sinh ăn, ngủ là xong. Trên thực tế, các cô làm rất nhiều việc. Các thành phố lớn cần có chế độ đặc thù dành cho bảo mẫu và có sự chính danh, chứ như bây giờ chúng tôi rất khó giữ chân bảo mẫu.

Ông Võ Minh Thành (hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM)

Và mức lương bèo bọt

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện đa số các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM trả lương bảo mẫu ở mức 4,5 triệu đồng/tháng. Một số ít trường muốn nâng cao thu nhập cho bảo mẫu nên bố trí cho các cô phụ trách 2 lớp và hưởng lương trên số học sinh thì lương ở mức từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. 

"Do bảo mẫu không có định biên trong trường tiểu học nên nhà trường sẽ trích từ khoản thu phục vụ bán trú để trả lương cho lực lượng này. Vì tính chất công việc và cũng vì mức thu nhập chính thức quá thấp nên phụ huynh thường tặng, biếu thêm các cô hằng tháng hoặc vào các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, thu nhập này rất bấp bênh và thuộc dạng "tùy hỷ" nên cũng rất ngậm ngùi" - hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở quận 1 thông tin.

Thu nhập phụ thuộc vào khoản thu phục vụ bán trú nên khi nhà trường tiểu học không mở lớp bán trú đồng nghĩa với việc không có nguồn để trả lương. Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, những tháng dịch bệnh căng thẳng, trường không mở cửa và cũng không có nguồn thu, nhiều trường tiểu học kêu gọi phụ huynh, giáo viên trong trường đóng góp để hỗ trợ lực lượng bảo mẫu. 

Có trường chi được 500.000 đồng/tháng/người, có trường chi được 1 triệu đồng/tháng/người, nói chung chỉ là tượng trưng mang tính chất động viên. Thực tế có trường không chi được đồng nào vì không có nguồn. Đó là lý do khiến nhiều bảo mẫu nghỉ, bỏ việc và hiện các trường tiểu học đang rất khó tuyển bảo mẫu mới.

Vị cán bộ trên chia sẻ thêm: "Ở những trường nổi tiếng, đa số phụ huynh khá giả thì khoản thu nhập ngoài lương của các cô bảo mẫu cũng đỡ. Nhưng song song với nó là áp lực vì các bé con nhà khá giả nhiều em là con cưng, khó ăn, khó ngủ, có bé còn bị tăng động nhẹ nên chăm sóc rất mệt mỏi. 

Trẻ tiểu học thì vốn hiếu động nên khó tránh khỏi những tình huống trêu chọc nhau, giỡn với nhau gây ra tình trạng trầy xước chân tay hoặc té ngã sứt đầu, chảy máu. Gặp những trường hợp như vậy, các cô bảo mẫu rất khổ khi đối mặt với phụ huynh".

Cần được đào tạo chính quy

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ rất coi trọng vai trò của người bảo mẫu trong trường tiểu học. Ví dụ ở Anh, Đức, họ gọi lực lượng này là giáo viên phụ tá - người có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục học sinh trong sinh hoạt, ăn, ngủ, vệ sinh... Tôi đã từng trực tiếp xem giáo viên phụ tá ở Đức dạy học sinh lớp 1 cách đánh răng và ước ao ở Việt Nam lực lượng bảo mẫu cũng được đào tạo và có quyền lợi chính quy như thế.

Khi được đào tạo đàng hoàng, đồng thời có mức thu nhập chính danh, người bảo mẫu sẽ có kiến thức và kỹ năng để giáo dục học sinh, giúp các em hình thành nhân cách tốt. Trên thực tế, cách hành xử của bảo mẫu ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nhân cách trẻ. Bởi thời gian trẻ ở trường bán trú dài hơn ở nhà. Với cách làm như hiện nay ở nhà trường tiểu học, bảo mẫu đôi khi bị xem như người giúp việc trong trường tiểu học, với những em cá tính là các cô rất khó khăn.

Từ hồi còn làm việc trong ngành GD-ĐT đến bây giờ, tôi vẫn tha thiết mong muốn bảo mẫu phải được đào tạo chính quy và chính danh trong nhà trường tiểu học.

ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Công việc cần nhưng không có quy định

ngay hoi bao mau 1(Read-Only)

Nhận thấy vai trò quan trọng của người bảo mẫu, những năm gần đây Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM đã tổ chức “Ngày hội bảo mẫu” nhằm tôn vinh lực lượng này. Trong ảnh: các cô bảo mẫu trường tiểu học tại ngày hội - Ảnh: H.HG.

Cho tới thời điểm này, bảo mẫu (người làm công việc cấp dưỡng, phục vụ việc chăm sóc trẻ) vẫn không được quy định vị trí việc làm trong cơ sở mầm non công lập theo thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-03-2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Tương tự, những nhân viên phục vụ, nấu ăn, chăm sóc bán trú được một số nơi gọi chung là bảo mẫu trong trường tiểu học cũng không có trong quy định vị trí việc làm.

Thực tế, việc tuyển dụng bảo mẫu trong cơ sở mầm non, tiểu học hiện nay do người đứng đầu cơ sở mầm non trực tiếp ký hợp đồng lao động sau khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu, mức tiền lương, căn cứ vào quy định tại nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

Đối với trường thuộc loại hình tư thục, chế độ làm việc, tiền lương của người phục vụ, chăm sóc trẻ, cấp dưỡng hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục mầm non và phụ huynh.

Chính vì thế mức lương đối với bảo mẫu không ổn định, bấp bênh. Một số cơ sở giáo dục chất lượng cao trả cho bảo mẫu 8 - 10 triệu đồng/tháng, nhưng phổ biến nhiều trường chỉ trả 3 - 4 triệu đồng/tháng. Điều kiện tuyển dụng cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Vì không có định danh nghề nghiệp nên cũng không có quy định nào về điều kiện để tuyển dụng, không có nơi đào tạo bài bản nghề bảo mẫu.

Do nhu cầu thực tế nên một số cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ nghề bảo mẫu. Nhưng những chứng chỉ như thế này chỉ nhằm tăng điểm cộng cho người lao động khi đi xin việc, không có quy định nào trong việc tuyển bảo mẫu công nhận các chứng chỉ ngắn hạn như vậy.

Trên thực tế có nơi tuyển bảo mẫu, cô nuôi chỉ dựa trên các điều kiện: tốt nghiệp THPT, có sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, có thể có kinh nghiệm làm việc trong môi trường tương tự. Cũng có nơi yêu cầu cao hơn thì cần người đăng ký tuyển có chứng chỉ ngắn hạn.

Trước các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến cử tri đều đề cập đến việc giải quyết vướng mắc pháp lý để cho bảo mẫu, cô nuôi một định danh nghề nghiệp, từ đó mới có thể mở ra nguồn tuyển qua đào tạo, quản lý chất lượng lao động, giải quyết khó khăn mà nhiều cơ sở giáo dục đang gặp. Nhưng trả lời của Bộ GD-ĐT vẫn là "không có quy định".

Theo ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), công việc chăm sóc, trông giữ trẻ ở các trường mầm non cũng là trách nhiệm của giáo viên mầm non. Có nghĩa giáo viên mầm non không chỉ dạy chương trình mầm mon mà có trách nhiệm chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn, giúp đỡ trẻ vệ sinh cá nhân...

"Các trường tùy theo nhu cầu thực tế có thể hợp đồng với một số người làm công việc nấu ăn, dọn dẹp, tạp vụ", ông Minh nói. Tương tự, ở bậc tiểu học, việc thuê người phục vụ bữa ăn bán trú, trông nom giờ nghỉ trưa của trẻ cũng chỉ theo hình thức hợp đồng vụ việc. Việc thuê người lệ thuộc vào kinh phí từ nguồn thu bán trú.

VĨNH HÀ

Bảo mẫu - người chăm sóc những chồi non Bảo mẫu - người chăm sóc những chồi non

TTO - Sáng 12-11, sân Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM rực rỡ với những tà áo dài nhiều màu của gần 400 cô bảo mẫu đến từ các trường tiểu học trên địa bàn quận.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp