Ông Nguyễn Đăng Dương, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Nghệ An, trả lời các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Nghệ An sáng 23-6 - Ảnh: Hồ Văn |
"Ngày 20-4, tỉnh Nghệ An có văn bản gửi ba bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ xin xuất cấp gạo miễn phí cứu trợ bà con trong vụ giáp hạt 2015. Đến ngày 22-5, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xuất cấp 1.566 tấn gạo cứu đói cho Nghệ An. Chậm cả tháng trời, gạo giáp hạt chuyển về tới nơi thì cũng vừa lúc phần lớn bà con đã gặt xong, không còn lo... giáp hạt".
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết như trên tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Nghệ An ngày 23-6. Việc chậm trễ này, theo tỉnh Nghệ An, là do quá trình tiếp nhận, thẩm tra, xử lý của ba bộ.
Phóng viên Tuổi Trẻ chất vấn: việc phân bổ số gạo cứu đói trên đến nay thực hiện ra sao và UBND tỉnh Nghệ An có giải pháp nào ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh trong quá trình phân bổ gạo cứu đói (năm 2014, tại huyện Thanh Chương đã xảy ra việc cấp phát sai đối tượng, phát cho dân rồi thu lại để mua loa đài, báo chí đã phản ánh và những cá nhân liên quan đã bị xử lý kỷ luật - PV).
Ông Nguyễn Đăng Dương cho hay 1.566 tấn gạo cứu đói tỉnh đã phân bổ ngay về 13 huyện thị, đến tận tay 32.000 hộ dân thuộc diện khó khăn, thiếu đói. "Cộng cả số gạo cấp phát đợt Tết Ất Mùi (3.900 tấn), tổng cộng là hơn 5.400 tấn, chúng tôi chưa phát hiện có vấn đề gì sai phạm. Ngay ngày 24-6, tỉnh sẽ lập đoàn thanh tra đi xuống các địa phương kiểm tra việc phân bổ số gạo này", ông Dương tiết lộ.
"Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Nghệ An, sáu tháng đầu năm 2015, kinh tế tỉnh Nghệ An có dấu hiệu tăng khá, nhưng vì sao số gạo cứu đói tỉnh xin xuất cấp miễn phí từ Trung ương lại có chiều hướng không giảm, thậm chí luôn là tỉnh đừng đầu về xin cứu trợ cả năm 2014 và năm nay?", bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhắc ông Nguyễn Đăng Dương trả lời vào câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Dương giải trình: "Năm 2014, chúng tôi không xin cấp gạo giáp hạt, chỉ xin cứu đói dịp Tết Giáp Ngọ 4.300 tấn. Năm nay xin hai đợt, tổng cộng hơn 5.400 tấn, là vì năm nay thời tiết khắc nghiệt, dân đói, chúng tôi xin gạo giải quyết cứu đói cho dân, nhất là bà con ở các huyện miền núi...".
"Ngày 17-6, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã công bố tình trạng thiên tai hạn hán trên địa bàn tỉnh (Nghệ An là tỉnh thứ hai sau Ninh Thuận công bố tình trạng thiên tai - PV), tình trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh, liệu có xuất hiện việc đề nghị Trung ương cứu trợ đợt ba?", vẫn báo Tuổi Trẻ hỏi.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An", đáp: Thời tiết diễn biến cực đoan nên công tác phòng chống hạn gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, các hồ chứa mực nước xuống thấp, nhiều hồ khô cạn, dưới mực nước chết, các trạm bơm không hoạt động được... Hết tuần rồi, Nghệ An có 7.000 ha đất nông nghiệp không gieo cấy được. "Tỉnh có xin Trung ương cứu trợ gạo nữa hay không, phụ thuộc vào kết quả của mùa vụ này", ông Lập nói.
Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: Hồ Văn |
Theo chinhphu.vn, vụ giáp hạt năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp gạo cứu trợ không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia cho 17 tỉnh, gồm Quảng Ngãi (1.371 tấn), Ninh Bình (265 tấn), Hà Nam (1.284 tấn), Kon Tum (279 tấn), Quảng Trị (668 tấn), Lai Châu (847 tấn), Ninh Thuận (523 tấn), Quảng Bình (1.219 tấn), Gia Lai (475 tấn), Tuyên Quang (350 tấn), Thanh Hóa (707 tấn), Phú Yên (236 tấn), Yên Bái (403 tấn), Lào Cai (132 tấn), Quảng Nam (1.500 tấn), Cao Bằng (750 tấn) và Nghệ An (1.566 tấn). Trước đó, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp gạo không thu tiền cho 17 tỉnh (Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định, Quản Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa). Đáng lưu ý, trong cả hai đợt cứu trợ năm 2015, không có tên tỉnh Hà Tĩnh, là tỉnh láng giềng và có điều kiện khí hậu - thời tiết tương đương tỉnh Nghệ An. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận