23/01/2022 09:06 GMT+7

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ

THIÊN ĐIỂU - H.THẢO
THIÊN ĐIỂU - H.THẢO

TTO - Treo cờ Tổ quốc, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ - Ảnh 1.

Bạn trẻ vui xuân trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Những ngày này, chuẩn bị đón Tết, nhiều người cũng chăm chút cho lá cờ, nơi treo cờ để thêm phần trang trọng nhưng ấm áp ngày xuân. Và những câu chuyện về lá cờ: lễ thượng cờ, lá cờ nơi địa đầu Tổ quốc càng có ý nghĩa cho việc treo cờ đón xuân.

Tự hào khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng

Thường lệ hằng năm, nhiều con hẻm tại phường 9 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại được trang hoàng bắt mắt với sắc đỏ rực rỡ của cờ đỏ sao vàng. Chia sẻ về câu chuyện này, đại diện Hội cựu chiến binh phường nói rằng vào các ngày lễ lớn như dịp lễ Tết, mọi gia đình đều được các thành viên trong Hội cựu chiến binh đến vận động treo cờ Tổ quốc. 

Và bây giờ, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, việc treo cờ cũng sẽ được thực hiện đồng loạt tại từng ngõ hẻm, khu phố. "Chỉ một số người dân vì cuộc sống mưu sinh quên treo và khi nhắc nhở mọi người đều ủng hộ rất nhiệt tình" - đại diện này chia sẻ.

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ - Ảnh 2.

Đường Bác Ái (TP Thủ Đức, TP.HCM) rực sắc cờ đỏ sao vàng hai bên đường trong những ngày cận Tết - Ảnh: HOÀNG AN

Trong những ngày này, chị Lê Thị Minh Thư - bí thư Đoàn thanh niên phường 9 (quận Tân Bình) - chia sẻ không riêng gì dịp Tết, vào các đợt cao điểm bầu cử, Quốc khánh, việc treo cờ đều được duy trì ở các khu phố, con hẻm. Việc ủng hộ, đồng lòng của người dân trước hành động này là rất lớn. Khi một con hẻm được trang hoàng bằng sắc đỏ của cờ Tổ quốc, chị Thư nói rằng "cảm thấy rất tự hào". 

"Hình ảnh đó hướng mọi người đến một điều rất thiêng liêng, rất chung nên mang ý nghĩa lớn" - chị Thư nói.

Phố "nhuộm đỏ" sắc cờ

Phố Hàng Bông với những cửa hàng bán cờ san sát quanh năm nhuộm đỏ cả một con phố, đặc biệt là những dịp lễ lớn hay những kỳ bóng đá sôi nổi của đội tuyển Việt Nam, từ lâu đã trở thành một con phố kỳ thú của Hà Nội.

Theo nhà báo - nhà khảo cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, phố Hàng Bông trước đây bán cốt áo bông, chăn bông, làm dịch vụ bật bông (làm sạch ruột chăn bông, áo bông cũ). Sau năm 1954, các sản phẩm may mặc đều do các hợp tác xã sản xuất, Nhà nước phân phối, phố không còn cảnh nhộn nhịp bán mua. 

Nhưng từ những năm 1990, kinh tế tư nhân được phép phát triển, con phố này dần trở lại nhộn nhịp, một số hộ bắt đầu trở lại với nghề truyền thống là kinh doanh các sản phẩm may mặc, một số hộ chuyên bán quốc kỳ Việt Nam và các nước.

Đặc biệt, các cửa hàng bán cờ này trở nên nhộn nhịp hơn thêm theo sự đi lên của... bóng đá Việt Nam. Người ta đổ về đây lấy cờ để bán.

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ - Ảnh 3.

Bán cờ ở phố Hàng Bông - Ảnh: T.ĐIỂU

Việc kinh doanh mặt hàng đặc biệt này phát triển mạnh khiến hộ gia đình bà Bình từ hơn chục năm trước đã bỏ kinh doanh hàng ăn để chuyển sang bán cờ. Và gia đình bà không phải là trường hợp duy nhất "chuyển nghề". 

Không chỉ bán cờ Việt Nam mà phố này bán đủ quốc kỳ của các nước nên khách hàng của phố này không chỉ người Việt Nam mà khá đông người nước ngoài. Thậm chí, người nước ngoài đến đây không chỉ mua cờ của nước mình mà phần nhiều hơn là khách du lịch mua cờ Việt Nam và các sản phẩm thời trang như áo thun, nón... in hình cờ đỏ sao vàng.

Hiện nay, các cửa hàng trên phố Hàng Bông có để biển "in thêu may" nhưng đa số chỉ nhận đơn hàng rồi giao các xưởng may ở làng may thêu Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) thực hiện.

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ - Ảnh 4.

Người dân hẻm 611 Điện Biện Phủ, quận 3, TP.HCM treo cờ Tổ quốc mỗi độ xuân về - Ảnh: TỰ TRUNG

3 thế hệ may cờ Tổ quốc

Ghé thăm xưởng sản xuất của anh Nguyễn Quang Phục ở làng Từ Vân, huyện Thường Tín những ngày giáp Tết, dù dịch COVID-19 ở Hà Nội đang diễn ra khá căng thẳng, không khí sản xuất khẩn trương vẫn không giảm so với các năm trước. Dù số người đến xưởng làm việc ít hơn nhưng sản lượng vẫn rất lớn, vì nhiều người mang hàng về nhà làm mới kịp cung ứng các đơn hàng tới tấp khắp cả nước đặt trang trí đón Tết, mừng Đảng, mừng xuân.

Vừa may lá cờ Tổ quốc kích thước lớn, anh Phục vừa hồi tưởng kể chuyện về cha mình, người bao năm may cờ Tổ quốc từ thời còn làm trong các hợp tác xã. Là con trai cả trong nhà, anh Phục phụ cha may cờ, theo cha đi bỏ mối hàng khắp nơi và gần 30 năm trước thì tiếp nối nghề cha và không ngừng mở mang thêm. Hiện xưởng của anh ngoài 5-6 công nhân đứng máy ở xưởng, bao gồm cả anh và hai con còn có vài chục phụ nữ trong làng nhận hàng về may.

Anh Phục nói nghề này ngồi nhiều, đau lưng nhưng anh say mê làm quanh năm, chỉ nghỉ vài ba ngày Tết. Thậm chí càng vào những dịp lễ Tết anh lại càng bận bịu hơn, mải mê làm bằng mấy lần công nhân bình thường. Quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng anh Phục đam mê kỳ lạ với công việc này. Anh nói nghề này không giúp anh "ăn nên làm ra", chỉ "lấy công làm lãi" nhưng niềm tự hào đặc biệt của công việc may những lá cờ Tổ quốc thật đẹp và chuẩn mực níu chân anh mãi.

Ngày xuân đỏ thắm màu cờ - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Quang Phục may cờ Tổ quốc - Ảnh: T.ĐIỂU

Anh Phục chia sẻ còn chút buồn khi nhiều người làm nghề tìm mọi cách để cạnh tranh về giá cả nên quốc kỳ ở nhiều nơi không được sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng cũng như chuẩn mực về kích thước như quy định. Anh Phục cũng phục vụ nhu cầu thị trường nhưng không bao giờ từ bỏ nguyên tắc "giữ lấy nét riêng" của mình. 

Anh nói những là cờ từ xưởng sản xuất của anh đều "có nét", vì nó là tình yêu đã đi cùng anh từ tấm bé, là tình yêu dành cho người cha luôn tự hào về công việc may cờ Tổ quốc và vì cả tình yêu cho những đứa con anh cũng đang say mê nối nghiệp gia đình.

Là người may những lá cờ lớn rộng 54m2 treo trên cột cờ Lũng Cú nhưng anh Phục chưa bao giờ được đứng trước lá cờ ấy tung bay trên đỉnh non thiêng nơi địa đầu Tổ quốc. Anh còn bận làm thêm hàng triệu triệu lá quốc kỳ sẽ theo chân người Việt đi muôn phương. Niềm vui của anh gửi cả vào những lá cờ ấy đến với mọi người. 

Sinh vào đúng năm đất nước thống nhất, không biết có phải vì thế mà người đàn ông thôn quê mộc mạc này yêu hơn công việc đặc biệt của mình. Nhìn vào từng đường kim mũi chỉ, từng thao tác điều khiển máy cắt laser của anh để may lên những lá cờ Tổ quốc, người ta đều có thể thấy sự tận tâm đặc biệt của anh Phục.

* Để lá cờ luôn là biểu tượng đẹp nhất của Tổ quốc

Bên cạnh những câu chuyện đẹp về quốc kỳ, đâu đó vẫn còn có những hình ảnh chưa đẹp về lá cờ. Một phần cũng do người dân chưa chú ý hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể để treo cờ đúng cách.

Vài tháng trước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải ra văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương chấn chỉnh tình trạng người dân treo cờ chưa đẹp, chưa đúng chuẩn. Văn bản được đưa ra sau khi một số tuyến đường ở nhiều địa phương trong tỉnh có hình ảnh chưa đẹp về quốc kỳ cũng như cách treo.

quốc kỷ 1 1(read-only)

Cổ động viên với cờ đỏ cổ vũ cho đội tuyển Olympic Việt Nam ở vòng 1/8 Asiad năm 2018 - Ảnh: NAM TRẦN

* Cờ may sao cho đúng?

Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2-10-2012 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:

Hình quốc kỳ: Điều 141 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; thông tư số 68/VHTT-TT ngày 24-8-1993 của Bộ Văn hóa, thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch):

Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) quốc kỳ.

- Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo quốc kỳ.

- Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu. Hai mặt của quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau. Nền quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...

* Treo cờ sao cho đúng?

- Khi treo quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao.

- Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền quốc kỳ dưới ngôi sao...

Điều 351 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: "Người nào cố ý xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung nghị định số 158/2013/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định: "Treo cờ Tổ quốc không trang trọng bị phạt 5 triệu đồng".

Thượng cờ Tổ quốc trên tàu Hải đội dân quân tự vệ thường trực Thượng cờ Tổ quốc trên tàu Hải đội dân quân tự vệ thường trực

TTO - Chiều 20-1, tại TP Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các ngành chức năng đã long trọng tổ chức lễ thượng cờ Tổ quốc trên 5 tàu của Hải đội dân quân tự vệ thường trực.

THIÊN ĐIỂU - H.THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp