Tháng 4 này, sân khấu sẽ lên sàn tập chương trình Ngày xửa ngày xưa 34, liệu kỷ lục cũ có gây áp lực cho cả ê kíp?
Ngày xửa ngày xưa 33 đạt kỷ lục bất ngờ
Năm nay ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu tiết lộ vở sẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện Bầy chim thiên nga của Andersen.
Tác giả là nghệ sĩ Quang Thảo, Đình Toàn đảm nhận vai trò đạo diễn. Vở sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ quen thuộc như Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, Bạch Long, Mỹ Duyên, Hương Giang...
"Bối cảnh vở diễn là châu Âu và châu Mỹ. Lần đầu tiên, Ngày xửa ngày xưa khai thác không gian, văn hóa Trung Mỹ nên hy vọng sẽ có nhiều điều mới lạ để ê kíp tung tẩy sáng tạo, phục vụ khán giả nhí.
Dù biết là kinh phí đầu tư cho cảnh trí, phục trang... sẽ tăng lên nhưng tôi chấp nhận bởi mong có cái mới cho khán giả xem", ông Tuấn nói.
Còn nhớ năm 2021 vì vướng dịch bệnh nên Ngày xửa ngày xưa lỗi hẹn khán giả. Khi Ngày xửa ngày xưa số 33 trở lại vào năm 2022, ê kíp dự kiến chỉ diễn vào dịp hè, nhưng thật bất ngờ trước yêu cầu nồng nhiệt của khán giả và vở kéo dài đến tận mùa hè năm nay.
Vở đạt kỷ lục 55 suất, nhiều nhất so với các kỳ diễn Ngày xửa ngày xưa trước giờ (trước đó nhiều nhất là vở Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp được 37 suất).
Chưa hết, vì khán giả vẫn còn muốn xem nên ông bầu Tuấn đã quyết định sẽ tăng thêm cho đủ 60 suất của Ngày xửa ngày xưa 33. Và đặc biệt, suất nào mở bán trên mạng cũng nhanh chóng hết vé trong thời gian rất ngắn.
Với thành công của chương trình, cặp đôi tác giả - đạo diễn Quang Thảo và Đình Toàn hết sức vui mừng, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ cho chương trình sắp tới.
Bởi ở TP.HCM, chương trình thiếu nhi được đầu tư hoành tráng, biểu diễn liên tục mấy chục suất ở Nhà hát Bến Thành hiện vẫn chỉ có một mình sân khấu Idecaf có thể làm được.
Sáng tạo trong... đau đầu tính toán
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là người chịu khó tổ chức cho ê kíp sáng tạo các chương trình Ngày xửa ngày xưa ra nước ngoài xem các sô diễn của nhạc kịch Broadway để học hỏi.
Mới đây nhất, vào tháng 3 ông đã tổ chức cho tác giả, đạo diễn, phục trang, cảnh trí, hậu đài... của sân khấu sang Singapore xem vở nhạc kịch Broadway Frozen.
Mọi người thường nói vui, xem xong sô nước ngoài về... nghỉ khỏe, không dám làm nhạc kịch luôn. Bởi họ có nhà hát đủ chuẩn quốc tế, có rất nhiều phương tiện kỹ thuật để làm sân khấu lung linh, huyền ảo. Còn ở ta, nhà hát chủ yếu tận dụng hội trường, phương tiện kỹ thuật rất đơn giản, thô sơ.
Tác giả Quang Thảo cho biết anh đi xem được khoảng 8, 9 sô diễn từ Mỹ, Nhật, Pháp, Trung Quốc, tới Singapore.
"Tất nhiên mình biết với điều kiện của nhà hát chúng ta hiện nay thì không thể nào làm được như quốc tế. Nhưng tôi rất thích xem vì nó bổ ích. Người ta làm 10, mình có thể học hỏi được 2, hoặc ít ra đó cũng là chất xúc tác kích thích để mình rung động và tiếp tục làm nghề.
Ví dụ, ở nhà mình hay nghe mọi người than sân khấu buồn tẻ quá, nhưng khi xem Frozen ở Singapore xong tối tôi nằm suy nghĩ và lóe ra nhiều ý tưởng. Và tôi quyết định có sự thay đổi với kịch bản Ngày xửa ngày xưa 34, một kịch bản về sự yêu thương, gắn bó trong gia đình", Quang Thảo tâm sự.
Đạo diễn Đình Toàn cho biết đi du lịch ở đâu anh cũng tranh thủ xem sô, tìm hiểu tại sao họ làm được vậy để học tập theo. Có những cái chỉ có thể... mơ vì kỹ thuật, độ chuyên nghiệp, độ đầu tư chúng ta không thể có được.
Chẳng hạn có những cảnh nhà hát người ta có đường ray, cứ chỉnh bằng máy là tự động ra y bon, còn ở ta phải "chế" bằng bánh xe đẩy thô sơ thì chắc chắn không thể đẹp bằng.
Rồi những cảnh xuống màn nếu ở nước ngoài cứ có máy bấm chỉnh các tốc độ khác nhau ngon lành thì nhà hát ở ta màn cứ... từ từ mà xuống, không việc gì phải gấp gáp. Diễn viên muốn bay thì tính đủ thứ coi giàn sào sân khấu đủ chắc không, có vướng đèn không...
"Có nhiều thứ hạn chế sáng tạo của người đạo diễn. Bởi vậy, khi được xem sô nước ngoài, đầu óc mình mở ra rất nhiều nhưng rồi lại cứ mơ một nhà hát có đầy đủ kỹ thuật", Đình Toàn trăn trở.
Khán giả chi 1 triệu đồng xem Ngày xửa ngày xưa?
Tác giả Quang Thảo cho biết ngoài vấn đề nhà hát, kỹ thuật thì kinh phí cho một vở diễn cũng không thể quá cao. Nếu vé xem sô ở Singapore cho khán giả Đông Nam Á có thể lên đến 4, 5 triệu đồng/vé thì Ngày xửa ngày xưa cho khán giả TP.HCM chỉ độ 300.000 - 400.000 đồng/vé.
"Làm kịch thiếu nhi cho hay đầu tiên phải có tiền, có tiền rồi làm thế nào để tạo được sự lung linh như thế giới người ta làm, làm xong khán giả có chịu bỏ ra 1 triệu đồng để xem Ngày xửa ngày xưa không? Đó là bài toán hết sức khó khăn", Quang Thảo chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận