Một tối, chồng đi làm về tự mở cửa vào nhà, chị vợ đang đàn hát say sưa. Đứa con trai ngồi gần đó. Chồng mua về bịch phở để ăn lót bụng sau buổi tối tăng ca. Đi xuống bếp lấy cái tô thì trước mắt anh cả một thau chén dơ chưa rửa; lục mãi không thấy cái tô nào, chồng quát ầm ĩ. Vợ thở dài nói với con trai: “Mẹ mới vừa thăng hoa thì bố về lôi bịch mẹ xuống đất”. Vợ gác đàn, xuống nhà bếp thanh toán thau chén tú ụ mà cả ngày ăn xong bỏ đó.
Câu chuyện được mang ra trưng cầu ý kiến của số đông: nên xử lý tình huống thế nào cho đẹp? Một chàng chưa đến 40 tuổi cho rằng vợ cứ đàn hát, anh sẽ xuống bếp rửa cái tô để ăn. Chuyện không có gì phải làm ầm ĩ.
Một chị vốn đảm đang, nổi tiếng chiều chồng lên án: chồng mắng là đúng, vợ ở nhà phải chu toàn nhà cửa chứ, ai lại để cả bồn chén dơ không rửa mà lại đàn hát thế kia.
Một chàng quá 40 tuổi một chút cho rằng nếu là anh, anh sẽ không nói gì hết mà ngồi tại bàn và quẳng hết từng cái chén, tô dơ ra ngoài sân.
Một chị nội trợ khá phóng khoáng thì bảo: “Ra chợ mua thêm chục cái tô nữa, khi nào thích chơi đàn, lười rửa bát vẫn có tô dự phòng”.
Một anh ý kiến: “Mình sẽ rửa cái tô để ăn, nhưng hôm sau sẽ góp ý với vợ đừng làm thế nữa”. Mới nghe qua thấy chàng này có vẻ nghiêm túc và bao dung; tuy nhiên, phân tích lại thấy có vẻ lý thuyết. Thực tế, khi người “nghệ sĩ” đã có cảm hứng đàn hát lại bảo họ phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ mới chơi đàn, còn đâu là cảm xúc! Thêm nữa, rất khó để nghiêm túc góp ý với vợ chuyện nhỏ như vậy đôi khi dễ biến thành to!
Ấy vậy mà có nhiều bạn trẻ (chưa lập gia đình) lại đồng ý với ý kiến thiên về lý thuyết đó. Chồng không nên quát vợ mà hãy nhẹ nhàng góp ý sau khi để vợ “thăng hoa” chán chê. Vài người phản biện, lại kiểu từ chương, sách vở, vợ chồng nào chả có lúc quát tháo nhau ầm ĩ. Giai đoạn yêu đương thì lời nào không mềm mỏng, mật ngọt. Sống chung rồi mới biết!
Một anh 50 tuổi nghe vậy kể chuyện ngày xưa cô vợ thường thủ thỉ nhìn thấy anh chơi đàn trong ban nhạc cô ngưỡng mộ ghê gớm và từ đó yêu luôn không đắn đo suy tính. 25 năm chung sống với nhau, đến giờ mỗi khi anh chơi đàn (ở phòng khách có tivi) vợ lại bảo anh chịu khó lên gác đánh đàn để chị yên tĩnh coi phim Hàn Quốc. Thỉnh thoảng, chị còn phàn nàn anh chơi đàn nghe ồn quá mà chị cần tĩnh lặng. Từ đó, anh chỉ chơi đàn mỗi khi vợ vắng nhà, như một phản xạ có điều kiện và anh cũng không chú ý đến điều này. Cho đến một ngày, những đứa con nhận xét thấy ba chỉ chơi đàn mỗi khi mẹ đi vắng anh mới nhận ra...
Trở lại câu chuyện trên mới thấy giải pháp nào đưa ra cũng khó thực hiện. Chồng đi làm về mệt, tìm mãi không có một cái tô sạch để ăn trong khi vợ đàn hát quả là mâu thuẫn. Ra chợ mua thêm chục cái tô nữa cũng chỉ giải quyết tình thế đôi khi có mầm mống gây nên chiến tranh, mà quát tháo ầm ĩ cũng không hay lắm. Việc chung sống với nhau của hai con người hoàn toàn xa lạ trước đó, kéo dài cả đời chẳng đơn giản. Đường dài mới biết ngựa hay là vậy!
Riêng bạn, bạn nghĩ sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận