Ảnh chụp từ phía Israel cho thấy các binh sĩ Israel tay lăm lăm súng, cách đó vài mươi mét là những người Palestine chỉ có đá cuội trong tay - Ảnh: REUTERS
Dưới sự kêu gọi của tổ chức Hamas đang kiểm soát dải Gaza thuộc Palestine, hàng chục ngàn người đã đổ về biên giới Israel – Palestine ở Gaza từ cách đây 2 tháng. Họ gọi đó là "Tháng Ba trở về vĩ đại", họ không chấp nhận sự chiếm đóng của Israel trên các vùng đất vốn thuộc Palestine.
Bạo lực bùng phát mạnh mẽ trong ngày 14-5, ngày Mỹ mở cửa sứ quán ở Jerusalem – thành phố cả Israel và Palestine đều tuyên bố là thủ đô. Quyết định di chuyển đã đổ thêm dầu vào lửa, thổi bùng cơn giận của người Palestine.
Với người Israel, ngày 14-5 cách đây 70 năm là ngày khai quốc nhưng với những người Palestine đã sinh sống tại vùng lãnh thổ ủy trị Palestine, đó là ngày họ bị đuổi khỏi nhà, bị đẩy đến những vùng đất mới.
Nhiều năm sau kế hoạch phân vùng của Liên Hiệp Quốc năm 1947, những vùng đất được phân chia cho người Palestine đã bị chiếm đóng bởi Israel.
Bất chấp việc Israel cảnh cáo người Palestine không được tới gần các hàng rào biên giới, những dân thường tay-không-tấc-sắt, với đá cuội trong tay, vẫn như cơn sóng lũ lượt ào tới. Trong ảnh: Một người Palestine xé bỏ truyền đơn cảnh báo của Israel - Ảnh: REUTERS
Hàng ngàn người Palestine đã tham gia phong trào biểu tình dài gần 2 tháng qua ở dải Gaza - Ảnh: REUTERS
Binh sĩ Israel dàn đội hình trên một điểm cao, quan sát và hành động trước làn sóng người Palestine - Ảnh: REUTERS
Ánh mắt của một người Palestine tham gia biểu tình. Vũ khí của anh chống lại súng đạn, máy bay không người lái của Israel là cái ná thun trên trán và đá cuội - Ảnh: REUTERS
Đá cuội là vũ khí mạnh nhất của người Palestine trước súng đạn Israel - Ảnh: REUTERS
Thiết bị bay không người lái của Israel trút lựu đạn cay xuống đám đông người Palestine - Ảnh: REUTERS
Đám đông bỏ chạy khi lựu đạn cay của Israel rơi trúng khu vực của họ - Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ Palestine cố gắng hít một loại chất giúp bà giảm nhẹ cái cay rát dính từ lựu đạn của Israel - Ảnh: REUTERS
Khu vực lán trại của người biểu tình Palestine cũng bị ném lựu đạn cay - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình Palestine không có máy bay không người lái nhưng có đủ dũng cảm và trí thông minh để tận dụng những thứ có sẵn. Trong ảnh: Một binh sĩ Israel cố gắng dập tắt một đám cháy gây ra bởi một con diều của người biểu tình Palestine. Con diều này được gắn một chất dễ gây cháy, nương theo chiều gió bay sang phía Israel và "tấn công cảm tử' - Ảnh: REUTERS
Một số người Palestine đã ngã xuống trong ngày 14-5 nhưng lá cờ mà họ cầm tiếp tục được giương cao bởi những người khác - Ảnh: REUTERS
Người Palestine đang cho thấy tinh thần không gục ngã bất chấp thực tế đẫm máu - Ảnh: REUTERS
Không chỉ các thanh niên trai tráng, nhiều phụ nữ Palestine cũng tham gia biểu tình phản đối sự chiếm đóng của Israel - Ảnh: REUTERS
Người phụ nữ Palestine này vừa ném một hòn đá cuội về phía binh sĩ Israel - Ảnh: REUTERS
Nhân viên tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ sơ cứu cho một phụ nữ Palestine bị trúng lựu đạn cay của Israel - Ảnh: REUTERS
Một người Palestine bị trúng đạn của binh sĩ Israel được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh: REUTERS
Giữa những làn khói đen trắng, lá cờ của Palestine cùng với máu là những thứ nổi bật nhất. Có những thứ không thể diễn tả bằng màu sắc, là khi người ta đau đớn vì một người thân yêu của họ bị giết trong cuộc biểu tình bởi súng đạn từ bên kia biên giới - Ảnh: REUTERS
Bên trong một nhà xác chứa thi thể những người Palestine thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng của Israel - Ảnh: REUTERS
"Một cuộc thảm sát. Cả người Mỹ và Israel phải chịu trách nhiệm cho việc đó", đó là những gì thốt ra từ miệng của một phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh quốc gia này có quyền tự vệ trước các cuộc tấn công của Hamas. Tuyên bố đó, không ngạc nhiên khi nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Washington đổ lỗi Hamas đã kích động bạo lực thay vì kêu gọi các bên kiềm chế như Anh và Pháp - Ảnh: REUTERS
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ủng hộ người Palestine, phản đối Mỹ dời sứ quán về Jerusalem ngày 14-5 - Ảnh: REUTERS
10 trong số 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 14-5 đã gởi tuyên bố chung tới Tổng thư ký Antonio Guterres, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và sự thất vọng trước việc một nghị quyết năm 2016 yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu tái định cư Do Thái trên đất Palestine đã không được thực thi.
"Hội đồng Bảo an phải bảo trợ và thúc đẩy chính các nghị quyết của mình, đảm bảo chúng thật sự có ý nghĩa. Bằng không, là chúng ta đang tự mạo hiểm và làm suy yếu độ khả tín của hệ thống quốc tế", một đoạn trong tuyên bố chung cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận