Bạn trẻ nhặt rác ở ngã tư Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: VŨ THỦY
Đọc bài Bệnh "buồn vô hạn" về môi trường với kết quả 72% số người được hỏi tại Mỹ được chẩn đoán đang rơi vào tâm trạng rối loạn lo âu về môi trường, tôi nghĩ không ít người Việt Nam cũng đang có tâm trạng đó.
Khi mình muốn thay đổi, còn người khác thì không
Nó được miêu tả là một dạng tâm lý lo âu, buồn chán và tâm trạng bất lực trước tình cảnh ít nhiều bi quan về môi trường sống. Còn ở Việt Nam, nếu là số ít đang cố gắng "sống xanh", tâm trạng buồn chán này còn nặng nề hơn.
Tham dự một buổi nói chuyện về môi trường, người dẫn chương trình hỏi: "Bạn đã bao giờ nhắc người khác nhặt rác chưa và người khác phản ứng thế nào?" thì rất nhiều người kể câu chuyện cay đắng: bị làm lơ, bị chửi "không phải việc của chị", "thế thì có làm sao" và hầu hết chẳng ai nhặt.
"Nếu nhắc người nào là "chị ơi có thùng rác ở đằng kia kìa, chị bỏ cái ly kia vào đó đi" mà họ quay lại cảm ơn rồi vui vẻ làm theo thì chắc là tôi té xỉu, tưởng mình đang sống ở một xứ văn minh nào đó", một người hài hước kể. Đó chỉ là chuyện nhặt rác, chuyện đơn giản nhất.
Gợi ý bạn bè, người thân rằng "mang cái túi vải này theo đi, mua đồ bỏ vào khỏi lấy túi nilông. Mang về lại thêm rác" thì sẽ nhận được câu trả lời đại loại: "Ngoài đường ai ai cũng xài, hàng quán, cửa hàng, siêu thị, vài cái này thì chả thấm vào đâu" hoặc đơn giản là lơ, chẳng nói gì.
Tôi đã từng cảm thấy "tổn thương" khi nhắc em gái tôi "đừng mang túi nilông về nữa được không" thì em tôi phản ứng: "Chị có nói được hết người khác làm theo thì em làm. Em còn nhiều thứ phải lo, lo kiếm tiền nuôi con, không có thời gian để lo cái này đâu".
Ra đường, thỉnh thoảng lại nhìn thấy ngay trước mắt một chị đang chở đứa con vứt toẹt cái chai nước khi đang chạy xe trên đường. Vào siêu thị thì từng quả táo được bao trong rọ xốp, từng quả ổi được bao trong từng túi nilông riêng, cà chua thì bỏ trong khay xốp, quấn thêm một lớp màng bọc thực phẩm.
Nilông tầng tầng lớp lớp, chạy đâu cho thoát khỏi nó. Và ý thức nhiều người lại hầu hết như chính em gái của tôi nên không ít lần tôi mang tâm trạng chán nản, bực dọc, bất lực.
Đừng nản lòng - bản thân hãy hành động trước
Vợ chồng em gái tôi có một đứa con trai hơn một năm tuổi và cái gia đình nhỏ ấy xả ra cơ man nào là rác: tã giấy, khăn ướt, hộp sữa, túi nilông… Cháu là một đứa bé khó chăm sóc và em rể tôi lại làm việc liên tục nên họ cũng không có thời gian nấu ăn và thường xuyên mua đồ ăn về nhà.
Khỏi cần phải nói là túi nilông, hộp xốp nhiều đến mức nào. Túi rác ngày nào cũng đầy ắp, lộn xộn thức ăn thừa, tã bẩn, túi nilông, chai nước ngọt.
Nhiều quán cà phê ở Việt Nam đã xanh hóa gần như hoàn toàn với ly thủy tinh, lót ly bằng bột vỏ dừa và ống hút inox - Ảnh: VŨ THỦY
Sống cùng nhau, tôi không "tổn thương" được bao lâu, thỉnh thoảng tôi lại tiếp tục bài ca "bớt xài nilông, ly nhựa" giùm đi.
Nếu về nhà đúng lúc cả hai đang ăn và được mời ăn cùng, tôi đều tỏ thái độ: "Chị không thích mấy cái hộp này tí nào. Ở Việt Nam, người ta không xử lý rác đâu, cứ mang ra bãi rác rồi chôn hết lớp này đến lớp khác, thành mấy quả đồi ở mấy huyện vùng ven. Mai mốt chắc thành núi…". Tôi không nói gì nhiều.
Tôi vẫn lặng lẽ làm mọi thứ: mang theo chai nước thủy tinh của tôi mọi lúc mọi nơi, không bao giờ còn mua nước ngọt đóng chai nhựa, nhiều tháng liền không mua một ly trà sữa nào. Đi mua tạp hóa, tôi nhất quyết trả lại cái bao nilông. Tôi mua cốc nguyệt san bằng silicon có thể dùng được nhiều năm thay cho băng vệ sinh…
Rồi đôi khi tôi nói vu vơ mỗi khi tôi đọc bản tin gì đó về ô nhiễm: "Núi rác này làm gì có cách nào mà dẹp đi được, 500 năm mấy cái bao nilông mới phân hủy nổi. Tới lúc thằng Bom (tên ở nhà của cháu trai tôi) chắc Việt Nam ngập rác rồi".
Dần dần, tôi thấy em gái tôi không còn phản ứng mỗi khi tôi nói về môi trường nữa. Thỉnh thoảng, cổ còn hỏi "Cái hộp xốp này đồng nát có gom để tái chế không?"...
Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hi vọng
Bạn có nghe câu chuyện về con chim ruồi chưa? Chuyện kể là trong một khu rừng đang bốc cháy dữ dội, các muông thú bắt đầu chạy tán loạn lao ra khỏi khu rừng. Lúc đó có một con chim ruồi bay ngược trở vào đám cháy, nó há mỏ thả xuống một giọt nước. Các con thú khác liền cười cợt nó: "Mày tưởng là mày sẽ dập được đám cháy sao?"
Con chim ruồi trả lời: "Tôi chỉ đang làm phần của tôi". Đây cũng là điều mà cộng đồng "sống xanh" còn khá nhỏ nhoi ở Việt Nam đang làm: Làm một con chim ruồi.
Tham dự rất nhiều cộng đồng về môi trường, chúng tôi đồng ý với nhau rằng bản thân mình hãy cứ hành động trước.
Một người trẻ kể lại: "Cách đây một năm, tôi chẳng hề nghĩ ngợi gì khi dùng màng bọc thực phẩm mỗi khi nấu ăn ở nhà, lấy túi nilông ở siêu thị về nhà hay mua đồ ăn để trong hộp xốp mang về. Để có được chút suy nghĩ và hành động sống xanh chúng ta cũng phải trải qua một thời gian dài và chúng ta cần cho họ thời gian. Chỉ khi suy nghĩ thay đổi thì họ mới hành động".
Có một điều rõ ràng đang thay đổi: ngày càng có nhiều người, nhiều quốc gia quan tâm đến môi trường. Việt Nam cũng đang có sự thay đổi: siêu thị ngừng bán ống hút nhựa, quán cà phê thay ly nhựa, ống hút nhựa một lần bằng ly giấy, ống hút giấy, nhiều siêu thị gói lá chuối…
Hôm nay 22-4, 2019, kênh National Geographic cũng đang chiếu lại bộ phim tài liệu dài hơn một tiếng Plastic Planet (Hành tinh nhựa) để mọi người cùng nhìn lại vấn đề ô nhiễm .
Trên kênh Discovery, người ta cũng chiếu bộ phim tài liệu về ô nhiễm các con sông và hôm nay là về con sông Hằng ở Ấn Độ. Con sông đang trải qua tình trạng ô nhiễm vô cùng nặng nề. Nhưng cuối bộ phim, họ đã tìm được hai loài cá ăn thịt khổng lồ đã sống bao đời nay mà đã mấy chục năm liền người ta đã không nhìn thấy và cho rằng chúng đã tuyệt chủng vì ô nhiễm.
Thông điệp của họ với hình ảnh con cá khổng lồ được nâng trên tay người dẫn chương trình cũng chính là thông điệp gửi đến cho tất cả mọi người, không chỉ ở sông Hằng: Dòng sông Hằng đã cho thấy sức chống chịu mãnh liệt phi thường của nó. Nhưng nếu chúng ta không làm gì, dòng sông rồi sẽ biến mất. Chúng ta vẫn còn thời gian để nhận ra và hành động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận