Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi (trái) được Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia, hoàng tử Mohammad bin Salman tiếp đón tại Riyadh ngày 26-3. Các quan chức Chính phủ Yemen cho biết ông Hadi đang trên đường đến Ai Cập để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Ả Rập tổ chức vào hai ngày cuối tuần - Ảnh: Reuters |
Hàng trăm máy bay chiến đấu của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiếp tục các đợt không kích nhằm vào lực lượng Houthi trong ngày 27-3.
Mục tiêu của chiến dịch nhằm giải vây cho thành phố cảng Aden ở miền nam Yemen và để chấm dứt sự thống trị của lực lượng phiến quân Houthi tại phần phía nam bán đảo Ả Rập.
Động binh gần biên giới
Cư dân thủ đô Sanaa cho biết các đợt không kích vào rạng sáng 27-3 của liên quân Ả Rập đã đánh trúng các căn cứ quân sự của Houthi cùng lực lượng đồng minh ủng hộ cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh.
Khu phức hợp của chính phủ đang bị Houthi chiếm đóng cũng bị bắn phá. Kênh truyền hình Al-Massira của lực lượng Houthi khẳng định các hệ thống phòng không đã bắn trả mạnh mẽ.
AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết các đợt không kích nhắm đến căn cứ quân sự Al-Samaa phía bắc Sanaa và trại Al-Istiqlal ở góc tây thủ đô.
Các vụ nổ rung chuyển một căn cứ không quân liền kề sân bay quốc tế tại Sanaa. Nhiều hộ gia đình nhanh chóng chạy khỏi thủ đô Sanaa để trú ẩn ở những tỉnh lân cận an toàn hơn.
Ngoài ra theo Reuters, các cuộc không kích cũng trúng quận Shada và một khu chợ ở Kataf al-Bokaa ở phía bắc tỉnh Saada khiến 15 người thiệt mạng.
Đợt không kích sáng 27-3 cũng đánh trúng một căn cứ quân sự tại khu vực sản xuất dầu Marib thuộc phía đông bắc thủ đô Sanaa, phá hủy một trạm rađa cách mỏ dầu Safer khoảng 3km.
Lực lượng Houthi không chiếm giữ Marib. Tuy nhiên khu vực này là một trong những mục tiêu không kích chính của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, bởi đây là nơi đồn trú của lực lượng trung thành với cựu tổng thống Saleh.
Hưởng ứng nhiều, phản đối không ít
Saudi Arabia phát động chiến dịch không kích Yemen từ nửa đêm 25-3, tuyên bố liên quân có hơn 10 quốc gia, bao gồm năm quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Truyền hình Saudi Arabia cho biết quốc gia này đã triển khai 100 máy bay chiến đấu, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) góp 30 chiếc, Kuwait thêm 15 chiếc, Qatar góp 10 chiếc và Bahrain cho biết đóng góp 12 chiếc cho chiến dịch.
Ai Cập, Jordan, Morocco và Sudan cũng tuyên bố tham gia chiến dịch.
Phát biểu trước báo chí tại thủ đô Riyadh hôm 26-3, người phát ngôn Ahmed Assiri khẳng định liên quân không có kế hoạch triển khai lực lượng bộ binh ngay lập tức trên đất Yemen dù Saudi Arabia đã triển khai khoảng 150.000 binh lính gần biên giới với Yemen.
Iran đã nhanh chóng phản ứng giận dữ với các hoạt động không kích. Tổng thống Hassan Rouhani cho rằng chiến dịch của liên quân Ả Rập chẳng khác gì một “cuộc xâm lược quân sự” và “lên án mọi sự can thiệp quân sự vào vấn đề nội bộ của các quốc gia độc lập”.
Iraq cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp của Saudi Arabia, kêu gọi một giải pháp hòa bình tại Yemen. Nhóm Hezbollah ở Libăng cũng lên tiếng cáo buộc chính quyền Riyadh “hiếu chiến”.
Chiến dịch không kích Yemen khiến giá dầu trên thế giới nhảy múa ngay dù các chuyên gia cho rằng nguồn cung của Yemen hiện chỉ chiếm 0,1-0,2% nguồn cung của thế giới. Sau ngày đầu tiên tăng khoảng 3 USD/thùng, đến hôm qua giá dầu giảm 1 USD/thùng.
Chuyên gia Sebastian Sahla thuộc văn phòng tư vấn Critical Resource của Anh giải thích: “Những đột biến nhỏ đó chỉ là sự điều chỉnh nhẹ của thị trường bởi Yemen không phải nhà sản xuất lớn”.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu chính nguồn dầu của Yemen nên đã nhanh chóng lên tiếng “quan ngại” về diễn biến.
Tuy nhiên theo chuyên gia Sahla, nếu xung đột mở rộng ra tầm khu vực thì vấn đề sẽ khác đi và bên lo ngại nhiều sẽ là châu Âu bởi eo biển cửa Mandab là nơi 3,8 triệu thùng dầu thô đi qua mỗi ngày để hướng đến kênh đào Suez.
Houthi rất biết tận dụng thời cơ Theo nhiều chuyên gia, lực lượng phiến quân Houthi sẽ không thể tiến nhanh tiến mạnh như thế trong vài tháng qua nếu không có sự hậu thuẫn của cựu tổng thống Ali Abdallah Saleh. Điều đáng nói là trong thời gian cầm quyền trước đây, ông Saleh từng đối đầu dữ dội với lực lượng Houthi trong nhiều năm liền. Theo AFP, nay do thời cuộc, ông Saleh quay sang ủng hộ Houthi mà theo nhận định là để quay trở lại quyền lực. Nhận định đó là có cơ sở xét theo sự phản ứng yếu ớt của quân đội Yemen, vốn còn nhiều đơn vị trung thành với cựu tổng thống Saleh, trước sự lấn tới của Houthi. Lực lượng Houthi lấy tên theo lãnh đạo tôn giáo tinh thần của mình là ông Badreddine al-Houthi, người đã bị quân đội Yemen tiêu diệt vào tháng 9-2004. Phong trào phiến quân này, thuộc cộng đồng Zaidi và có đại diện chính trị là Ansarullah, tập trung ở vùng núi phía tây bắc Yemen, giáp giới với Saudi Arabia. Tộc người Zaidi, theo Hồi giáo Shiite, chiếm khoảng 1/3 dân số Yemen vốn theo Hồi giáo Sunni. Tự nhận là thiểu số bị áp bức, từ những năm 2000, lực lượng Houthi đã nổi dậy từ cứ điểm Saada, đương đầu với chính quyền trung ương. Không những thế, lực lượng này tuyên chiến cả với “kẻ thù Mỹ” và cả Saudi Arabia. Lãnh đạo hiện nay của Houthi là Abdel Malak al-Houthi, người được cho là thân Tehran và đang chiến đấu vì tham vọng bá chủ khu vực của người Iran. Houthi vì thế cũng bị ví giống như lực lượng Hezbollah ở Libăng vốn cũng là phong trào chính trị - quân sự Hồi giáo Shiite thân Iran. Trong khoảng năm 2004-2010, lực lượng Houthi từng hứng chịu sáu đợt đàn áp của chính quyền trung ương. Lực lượng này vẫn sống sót để đóng vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy năm 2011 khiến tổng thống đương nhiệm Ali Abdallah Saleh phải xuống nước thương lượng để ra đi tháng 2-2012. Nhờ thắng lợi đó, Houthi có thời gian củng cố vị thế quân sự của mình tại tỉnh cố hương Saada. Khi tình hình đất nước khó khăn do tham nhũng chồng chất, Houthi nhân cơ hội này bành trướng ảnh hưởng với ý định thành lập một nhà nước liên bang Yemen gồm sáu tỉnh và lực lượng này bắt đầu kiểm soát thủ đô Sanaa từ tháng 9-2014 trước khi lấn dần xuống phía nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận