Sinh viên y khoa (giữa) được nhân viên trạm y tế hướng dẫn thực hành thăm khám và phát thuốc cho bệnh nhân F0 tại phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Gần 300 bác sĩ vừa tốt nghiệp Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch sẽ được thực hành 12 tháng tại trạm y tế, 6 tháng tại các bệnh viện theo chương trình thực hành lâm sàng 18 tháng song song giữa bệnh viện và trạm y tế dành cho bác sĩ mới tốt nghiệp mà TP.HCM đang triển khai.
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở của TP.HCM. Khi tham gia chương trình, các bác sĩ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
* Bác sĩ Ngô Quốc Việt: Sẽ cố gắng hết sức
Tháng 12-2021 gia đình tôi chẳng may mắc COVID-19, dù lúc ấy có báo trạm y tế gần nhà nhưng do bệnh nhân đông nên rất lâu cả gia đình mới được thăm khám. Trước hoàn cảnh thực tế mới thấy rõ hơn sự vất vả, nhọc nhằn của nhân viên y tế.
Từ đó tôi luôn trăn trở với trách nhiệm nghề y, với sức trẻ cần phải đóng góp chút gì đó cho cộng đồng.
Khi ngành y tế khởi xướng chương trình đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, tôi vui vẻ đăng ký ngay. Tôi vừa vui mừng vừa hồi hộp, nhưng với sự động viên, ủng hộ từ gia đình, tôi quyết tâm mình sẽ làm tròn công tác.
* Bác sĩ Phạm Vĩnh Anh: Trải nghiệm góc nhìn bao quát hơn về nghề
Trong thời điểm đỉnh dịch, nhờ tham gia hỗ trợ ở các trạm y tế, bản thân mình nhận thấy vai trò của đội ngũ tuyến cơ sở vô cùng quan trọng.
Các bác sĩ chuyên môn ở bệnh viện đều hỗ trợ ở các khu điều trị, bệnh viện điều trị COVID-19; với những bệnh nhân điều trị tại nhà, trạm y tế là "điểm tựa" không thể tách rời.
Đây có thể là hướng đi hợp lý để mình cũng như các bác sĩ khác có góc nhìn bao quát hơn trong nghề, là cơ hội tốt để từ từ áp dụng kiến thức vừa mới học cho việc chăm sóc bệnh nhân, đồng thời rèn cho các bác sĩ ra trường vững vàng chuyên môn, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp trước người bệnh.
* Bác sĩ Bùi Thành Nhân: Sẽ là dấu ấn để đời
Là khóa đầu tiên tham gia chương trình thực hành 18 tháng theo đề án song song giữa bệnh viện và trạm y tế, chưa từng có tiền lệ, bản thân tôi thấy vô cùng hứng khởi.
Hiện nay y tế cơ sở đang rất thiếu nguồn lực và chưa tìm được nguồn để bổ sung kịp thời, việc đưa lực lượng bác sĩ trẻ mới ra trường như chúng tôi về trạm y tế chắc chắn sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực, là việc làm vô cùng cần thiết.
Trong tình hình dịch hiện nay, các bác sĩ mới ra trường là lực lượng trẻ, nhiệt huyết và nhiều năng lượng, được góp sức vào thành trì chống dịch cùng cả nước là điều vô cùng quý giá.
Thực hành ở trạm y tế chắc hẳn là một trong những dấu ấn để đời ý nghĩa trong hành trang với nghề của một người thầy thuốc.
* Bác sĩ Lê Minh Đan Thùy: Giúp bác sĩ trẻ vững vàng hơn
Thực tế hiện nay khi người dân đến bệnh viện khám các bệnh mãn tính như lao, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường... đa phần diễn tiến bệnh đã nặng.
Nếu việc chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai kiểm soát tốt, người dân có thể phát hiện bệnh sớm hơn để mỗi năm con số tử vong vì các bệnh mãn tính không phải báo động như hiện nay.
Tôi không đánh giá chương trình thực hành nào là tốt nhất, nhưng việc hiểu được quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hiểu rõ các nhóm bệnh phổ biến ở địa phương, hiểu rõ tâm lý của người bệnh... chính là tiền đề để các bác sĩ trẻ như tôi vững vàng hơn khi đi sâu vào chuyên môn điều trị sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận