Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - giảng viên cao cấp khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Ông Thơ cho rằng muốn trẻ hạnh phúc và trở thành những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội thì cha mẹ càng cần chú tâm dạy con về văn hóa, nhất là dịp Tết cổ truyền đối với người Việt.
Hai từ khóa
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, người lớn cần căn cứ vào độ tuổi của trẻ để chọn cách giáo dục phù hợp. Với trẻ ở độ tuổi từ tiểu học trở xuống thì cha mẹ giáo dục con bằng những việc nhỏ và dùng những cách thức mộc mạc, gần gũi để dạy. Đối với trẻ từ THCS, thiếu niên, do tâm lý khác hơn nên cũng cần có cách thức khác.
Nhưng tựu trung lại, cha mẹ nên giáo dục con cái các nội dung bao hàm trong hai từ khóa gồm "thân giáo" và "thổi hồn văn hóa".
"Thân giáo" nghĩa là lấy chính thân mình để giáo dục, trẻ dù là cấp 1, cấp 2, cấp 3 gì cũng vậy, sẽ học và noi gương theo cha mẹ. Ngày Tết là lúc cha mẹ càng phải làm gương cho trẻ bằng cách sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, rồi lo lắng cho ông bà nội ngoại và thực hiện chữ hiếu.
Trong những hoạt động này, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cùng làm.
Nhiều gia đình cho rằng trẻ còn nhỏ, biết gì mà làm. Thành ra cứ để trẻ ngồi chơi game, còn người lớn thì ra sức làm các công việc, nghi lễ của ngày Tết.
Nếu cha mẹ không thực hiện nhiệm vụ đó, lấy thân mình làm gương và từng bước dìu dắt trẻ thì sau này khi lớn lên trẻ cũng sẽ không biết về việc uống nước nhớ nguồn, không biết thể hiện chữ hiếu, không hiểu các phong tục tập quán ngày Tết...
Nội dung thứ hai chính là việc cha mẹ cần "thổi hồn văn hóa" vào phong tục ngày Tết cho trẻ. Đó chính là cha mẹ kể những câu chuyện Tết để lưu giữ ký ức cho trẻ. Tùy vào độ tuổi, cha mẹ sẽ kể cho trẻ những câu chuyện gì. Trong lúc kể chuyện, cha mẹ nên khơi gợi ký ức về ông bà, tổ tiên, gợi lại thời kỳ tuổi thơ của chính cha mẹ.
Những câu chuyện mà cha mẹ kể cho trẻ sẽ được bồi đắp qua từng năm và trở thành một phần truyền thống gia đình chứ không phải là sự áp đặt của cha mẹ.
"Chúng ta cố gắng đem hồn cốt, ý nghĩa của ngày Tết bằng những câu chuyện đậm chất gia đình, gợi nhớ tổ tiên... Bằng cách đó, chúng ta thấy dù đời sống vật chất có giàu sang thịnh vượng đến đâu thì hồn văn hóa cũng sẽ không bị mai một mà ngày càng được vun trồng cho đời sống ngày càng phát triển và con người ngày càng hạnh phúc hơn" - ông Thơ nhấn mạnh.
Điện thoại trở thành... có ích
Là người có con còn độ tuổi tiểu học, TS Nguyễn Đức Danh - trưởng khoa khoa học giáo dục Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho biết Tết chính là dịp ông có nhiều cơ hội dạy con những bài học về Tết cổ truyền, về truyền thống gia đình, về truyền thống dân tộc, về chữ hiếu và trau dồi thêm cho con nhiều kỹ năng sống.
Theo ông, đây cũng là dịp cha mẹ và con cái được nghỉ dài ngày nhất, cùng quây quần bên nhau và là dịp thích hợp nhất để làm sâu đậm thêm truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc. Cha mẹ cần tham gia các hoạt động cùng các con nhiều nhất.
Gia đình nên chú trọng cùng con trải nghiệm và học hỏi về truyền thống gia đình, dân tộc như đi tảo mộ tổ tiên, viếng chùa chiền, cùng con tham gia các lễ hội truyền thống, cùng con làm mâm cơm rước tổ tiên...
Trẻ cần được giao việc như dọn dẹp các góc học tập của mình gọn gàng hơn, cùng cha mẹ dọn nhà đón Tết, cùng trang trí nhà cửa; biết thể hiện sự kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ, cùng thể hiện bằng những lời chúc Tết ấm áp đến người thân, họ hàng, gia đình...
Trong bối cảnh điện thoại nhiều như hiện nay, để dạy con những điều hay dịp Tết, theo TS Nguyễn Đức Danh, cha mẹ cũng cần có sự thay đổi trong việc điều chỉnh hành vi của trẻ vào những dịp Tết.
"Điện thoại là điều không thể thiếu trong xã hội ngày nay. Và trẻ khi được nghỉ học thường sa đà vào điện thoại hoặc xem tivi.
Để có thể vừa dạy trẻ những điều hay về ngày Tết cổ truyền, làm sâu đậm thêm tình cảm gia đình và có một cái Tết sum vầy đúng nghĩa mà trẻ không xem điện thoại và tivi vô ích, cha mẹ cần quản lý hiệu quả việc xem điện thoại, tivi của trẻ bằng những trò chơi, câu đố.
Có thể đó là những câu đố như: "Vì sao người Việt thường gói bánh chưng và bánh tét vào dịp Tết? Vì sao tiền lì xì cho trẻ con vào dịp Tết trong tiếng Anh gọi là tiền may mắn (lucky money), con hiểu thế nào?"...
"Với những câu hỏi kiểu đó, cha mẹ sẽ cho trẻ tìm hiểu trên Internet với thời gian giới hạn để quản lý hiệu quả việc sử dụng điện thoại và đồng thời có thể dạy trẻ những điều mới, làm sâu sắc thêm các giá trị truyền thống của Tết cổ truyền cho trẻ" - ông Danh nói.
Vai trò quan trọng của cha mẹ
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, trẻ tham gia vào các hoạt động Tết của gia đình sẽ cảm thấy sự ấm cúng, sẽ thấu hiểu về nghi lễ, về truyền thống, về chữ hiếu. Và khi lớn lên tất cả hình ảnh ấy đều đi vào ký ức tuổi thơ các con về một phong tục Tết Việt đậm nét gia đình.
"Tiên học lễ, hậu học văn" - cái lễ mà trẻ cần phải học trước hết là cái lễ làm con, làm một thành viên có trách nhiệm, có tổ tông cội nguồn trong gia đình. Mà cái này vật chất đủ đầy có dạy cho trẻ được đâu! Trẻ lớn lên có trách nhiệm kế thừa thực hiện truyền thống gia đình hay không, điều đó bắt nguồn từ cha mẹ.
Đi du lịch thì có thể dạy trẻ không?
Hiện nay đang có xu hướng một số gia đình chon đi du lịch vào dịp Tết. Vào những thời điểm này, cha mẹ có thể dạy trẻ những điều gì?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ lưu ý rằng ngày Tết là khoảng không gian và thời gian các thế hệ trong gia đình sống và "giao tiếp" với tổ tiên thông qua nghi thức cúng kiếng. Vì thế, các gia đình phải suy tính cho kỹ khoản này khi quyết định đi du lịch. Ông bà, các cụ cao niên thường sẽ không muốn đi xa ngày Tết.
Khi ở ngoài, chúng ta không có bối cảnh gia đình để giáo dục cho trẻ về Tết và về truyền thống gia đình. Vì ngày 30, mùng 1 là ngày gia đình đoàn tụ, vì thế mà nhà nhà cúng cơm ngày 30 để mời ông bà tổ tiên cùng về ăn tết với gia đình.
Quây quần ở đây không chỉ có giao tiếp giữa những người trong gia đình mà còn có quây quần giữa thành viên còn sống với tổ tiên thông qua thờ cúng, nói cách khác đó là giao tiếp giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình.
Nếu cha mẹ đi du lịch ở ngoài vào những thời điểm đó thì chính là cắt đứt đi sự giao tiếp thiêng liêng này. Các bậc phụ huynh làm sao có thể dạy con cái mình nếu như năm nào cũng đi du lịch ngày Tết?
Trong những điều kiện cụ thể cho phép, các gia đình phải tính toán được mất nếu muốn dạy con về phong tục Tết mà vẫn tiến hành đi du lịch ngay những ngày đầu xuân (mùng một, mùng hai).
Trẻ không thể trải nghiệm thế nào là bữa cơm 30, thế nào là mâm cỗ giao thừa, thế nào là mừng tuổi, lì xì ngày mùng một Tết, thế nào là thờ cúng tổ tiên, thế nào là "mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy"...
Nếu trải qua hết 2-3 ngày Tết, sau đó cả nhà đi du lịch thì hợp lý hơn. Vì sau ba ngày nghỉ lễ Tết, ngày sau đó người ta bước vào giai đoạn hội hè, việc tranh thủ đi du lịch không ảnh hưởng đến việc dạy trẻ về truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận