12/02/2025 10:03 GMT+7

Ngày nhỏ sửa máy cháy khét lẹt, nay thành tay nghề cấp thoát nước 'cả trường không có đối thủ'

Vũ Văn Thanh, học viên Trường cao đẳng Xây dựng và Công nghệ xã hội (Quảng Ninh), ước mơ trở thành giáo viên dạy nghề. Anh kể con đường đến với học nghề của mình bắt đầu từ tính tò mò, thích khám phá đủ thứ đồ đạc trong nhà.

Từ cậu học sinh sửa máy cháy khét lẹt đến tay nghề cấp thoát nước 'cả trường không có đối thủ' - Ảnh 1.

Vũ Văn Thanh hầu như tối ngày chỉ thích làm bạn với cờ lê, tuýp nước - Ảnh: V.TUẤN

Là một trong những "Học sinh 3 rèn luyện" tiêu biểu cấp trung ương, cậu học viên khuôn mặt non choẹt nhưng đôi tay sạm dày vì cầm cờ lê ở khoa cấp thoát nước ấy vốn là cánh tay đắc lực của thầy cô mỗi lần cần chế tạo mô hình, dụng cụ.

Hồi mới vào học, mình nghĩ ra trường sẽ đi làm thợ sửa chữa, có tiền sẽ mở một cửa hàng riêng kinh doanh. Nhưng giờ mình muốn trở thành giáo viên dạy nghề, truyền lại đam mê giúp các bạn có cùng đam mê sẽ cố gắng để giỏi nghề, sáng tạo.

VŨ VĂN THANH

Chiếc máy biến nước biển thành nước ngọt

Hết lớp 9, Thanh chọn vào Trường cao đẳng Xây dựng và Công nghệ xã hội (Quảng Ninh) để vừa học chương trình phổ thông vừa học nghề. Trong khi chừng nửa năm nữa, mấy bạn cùng trang lứa phải lo chọn trường đại học thì Thanh đã ung dung xách cờ lê đi kiếm tiền giúp bố mẹ.

Thầy Bùi Văn Nam - giảng viên Trường cao đẳng Xây dựng và Công nghệ xã hội - nói về học trò mình: "Ôi "ông tướng" này lắp máy nhanh như chảo chớp! Chỉ cần đưa ý tưởng, yêu cầu là hôm sau có ngay mô hình. Cậu ấy đi thi tay nghề cấp thoát nước trong trường gần như không có đối thủ".

Thanh có đam mê đặc biệt với việc sửa chữa, cả gan xông vào thi thố luôn với mấy người thợ lâu năm. Mà cơ duyên chọn nghề cấp thoát nước của Thanh cũng thật đặc biệt.

Hồi lớp 8, Thanh ẵm giải khuyến khích học sinh sáng tạo tỉnh Quảng Ninh. Năm đó cậu và một bạn nữa chế ra chiếc máy biến nước biển thành nước ngọt dùng năng lượng mặt trời.

Đó là chiếc máy mà hai cậu học trò THCS ngày ấy đã mất gần ba tháng trời mày mò, gò hàn, lắp ghép, được gợi hứng từ cuốn sách mà cô giáo cho mượn. Thanh kể lúc đầu cả hai dùng tuýp nước để làm hệ thống dẫn hơi, ngưng tụ nhưng về sau được nhà trường hỗ trợ nên mới có tiền mua ống đồng. Tuy nhiên làm xong một thời gian cái ống đồng bị oxy hóa, nước ra bị tanh. Đó cũng là lý do khiến cậu tiếc hùi hụi vì "giá được như bây giờ có tay nghề, có máy móc sẽ dùng inox 304, chiếc máy sẽ hoàn thiện hơn".

Thanh nói thực ra không hẳn là chiếc máy mà như một hệ thống bao gồm pin năng lượng mặt trời, hệ thống bơm nước, chưng cất và ngưng tụ. Tùy chiếc tàu hay căn nhà sẽ chọn cách thi công gọn gàng, hiệu quả nhất. Cũng chính sản phẩm đầu tay này nhen nhóm trong cậu ý định sẽ học ngành liên quan đến chế tạo.

Hay phá đồ để sửa chữa

Hỏi chuyện con trai, ông Vũ Văn Bình (bố Thanh) lắc đầu nhưng lại cười đầy hãnh diện: "Lớp 6, nó đã "vật" quạt điện, ấm siêu tốc ra sửa rồi. Sửa xong cháy khét lẹt". Hầu như thứ đồ điện nào trong nhà cũng thành "nạn nhân" của cậu học trò mê tìm tòi ấy.

Đun nước cho bố pha trà, Thanh khó khịu khi miệng chiếc ấm đun siêu tốc phả hơi nước nóng phỏng cả tay. Vậy là dùng máy cắt đôi cái ấm, Thanh "chế" thêm cái nắp để rót nước cho dễ, tiện thể "mổ" phanh cái ấm ra xem trong có gì dù chưa học vật lý, chỉ lên mạng tìm tòi.

Vậy mà phát hiện cái rơle tự ngắt của chiếc ấm đun nước ấy bị hỏng, nước chưa sôi đã ngắt điện. Thanh bỏ rơle đi, đấu điện trực tiếp với tính toán khi nước sôi sẽ rút điện. Ngờ đâu cái mayso mỏng quá, cháy khét lẹt.

Sau vài lần anh thất bại, được học vật lý và biết nhiều hơn, đồ điện trong nhà ít trở thành nạn nhân của Thanh hơn. Thanh chọn ngôi trường vừa học văn hóa vừa học nghề vì cách nhà gần 50 cây số nhưng được ở ký túc xá miễn phí, học phí cũng rẻ. Gia đình cũng ủng hộ quyết định của con trai. Phần vì thấy con đam mê và có chút năng khiếu nhưng phần khác cũng bởi "chẳng đủ tiền nuôi con nếu học đại học".

Anh bạn trẻ đa tài

Thanh ở ký túc xá cùng ba bạn khác. Ngoài giờ học, cậu dường như chỉ chơi với đống cờ lê, tuýp nước. Vũ Văn Thanh được Thành Đoàn Uông Bí (Quảng Ninh) khen thưởng Tài năng trẻ cấp TP 2024 vì nhiều nỗ lực trong hoạt động.

Cậu từng giành giải nhất nghề cấp thoát nước kỳ thi kỹ năng nghề tỉnh Quảng Ninh 2023, còn phụ chế mô hình để cô giáo tham gia hội giảng giáo viên giỏi toàn quốc. Kết quả mô hình ấy giúp cô đoạt giải nhì giáo viên giỏi quốc gia, lại "ẵm" luôn giải nhất mô hình tự làm được ứng dụng trong bài giảng.

Đến thủ đô Hà Nội nhận khen thưởng "Học sinh 3 rèn luyện" cấp trung ương, cậu học trò mê chế tạo ấy không giấu được vẻ tự hào vì đó không chỉ là sự ghi nhận cho cố gắng mà còn là động lực để bạn cố gắng hơn.

Ngôi trường của học trò khó khăn

Từ tò mò đến giải nhất thi tay nghề cấp tỉnh - Ảnh 2.

Vũ Văn Thanh

Theo thầy Bùi Văn Nam, đa phần học viên tại Trường cao đẳng Xây dựng và Công nghệ xã hội ấy đều là con em gia đình diện hộ nghèo, ở vùng khó khăn nên nhà trường miễn phí chỗ ở và miễn giảm nhiều chi phí khác.

"Phần lớn do truyền thống gia đình hoặc vì hoàn cảnh khó khăn nên các em muốn học nghề để sớm ra đi làm, ổn định kinh tế phụ giúp gia đình. Do đó các em thường phải nỗ lực gấp đôi để vượt khó trong học tập", thầy Nam nói.

Gần Tết, thấy bạn nào còn lấn bấn chưa về quê là biết ngay thiếu tiền xe, thầy cô còn phải cho mượn. "Có đêm đi kiểm tra ký túc xá, mùi mì gói thơm lừng dãy nhà nhưng vào phòng thấy ba đứa xì xụp ăn chung một gói mì. Gặp thầy chúng nó ngượng nghịu chào, nghĩ mà thương!", thầy Nam tâm sự.

Từ tò mò đến giải nhất thi tay nghề cấp tỉnh - Ảnh 3.GEN Z chọn việc: Đạt chuẩn tay nghề, không đủ đáp ứng 'đầu ra'

Chủ động kết nối doanh nghiệp, thành lập hội đồng tư vấn nghề để công ty và nhà trường thống nhất modul học tập, tiếp nhận sinh viên thực tập là bước chuẩn bị cho sinh viên có việc ngay khi tốt nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp