20/09/2021 07:25 GMT+7

Ngày nhận điểm thi ba lại ra đi...!

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - 'Về đến nhà sau khi âm tính, việc đầu tiên của mình là dọn lại bàn học làm bàn thờ cho ba. Mình thắp nén nhang đầu tiên và khóc như một đứa trẻ chưa bao giờ được khóc' - Lan Anh kể.

Ngày nhận điểm thi ba lại ra đi...! - Ảnh 1.

Lan Anh dọn bàn học làm bàn thờ cho cha - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày biết điểm thi tốt nghiệp THPT là ngày Nguyễn Thụy Lan Anh, lớp 12A10 Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhận tin ba vừa mất vì COVID-19. Một mình trong bốn bức tường của khu cách ly, cô mồ côi thêm lần nữa vì mẹ mất từ khi Lan Anh còn nhỏ.

Mồ côi mẹ từ nhỏ, một ngày giữa tháng 7, đang ở trong khu cách ly, cô trò nhỏ Lan Anh nhận thông báo đậu tốt nghiệp PTTH cùng lúc với tin báo tử của người cha vừa mất vì Covid-19.

12 năm đèn sách với kết quả thi đậu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM như "hương hoa" gửi nơi thiên đường cho ba mẹ.

Mất mẹ, nay ba cũng ra đi, mình mồ côi thêm lần nữa. Nhưng mình nhất quyết không gục ngã vì mình phải sống cho cả ước mơ của ba mẹ.

Nguyễn Thụy Lan Anh

Bàn học là bàn thờ ba

Nằm cuối con hẻm trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), ngôi nhà phía trước có bàn thờ không di ảnh, nén nhang, hai quả táo nhỏ và đèn cầy đang cháy dở, có ba người hay ngồi trước cửa nhìn ra... là nơi gia đình Lan Anh đang sống. Ba thế hệ gồm bà nội, cô ruột và gia đình Lan Anh sống trong căn nhà khoảng 33m2.

Ngồi bệt xuống nền, bạn kể về những tháng ngày, những giờ khắc cuối cùng được ở cùng ba. Đó là ngày giữa tháng 7, cả gia đình bạn phát hiện dương tính, trừ anh trai đang  làm việc ở công ty. 

"Giai đoạn đầu mình sốt và mệt, ba là người chăm mình tại nhà. Bà nội già yếu và cô bị nặng nên đi bệnh viện. Được ba hôm, ba cũng trở sốt cao nên hai cha con được đưa đến trung tâm cách ly cấp cứu. Ở đây được hai ngày, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) của ba quá thấp nên phải thở oxy. Sau đó, diễn biến xấu hơn nên ba phải chuyển đến Bệnh viện 175. Đó cũng là ngày cuối cùng mình gặp ba", Lan Anh bật khóc.

11h đêm, ba chuyển viện, sáng hôm sau Lan Anh cũng chuyển đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7 (phường An Khánh, TP Thủ Đức).

Nấc nghẹn, đưa hai tay lên ngực như cố giữ lấy sự bình tĩnh, Lan Anh nói tiếp: "Sáng ngủ dậy, mình biết điểm thi tốt nghiệp của mình là đậu. Mình nghĩ ngay đến ba nhưng không biết sao, đành gọi báo tin cho cô ruột và nội đang ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Lẽ ra biết điểm cao mình sẽ rất vui, nhưng không hiểu sao lòng cứ nặng trĩu. Linh cảm chẳng sai, đúng 15h, điện thoại đổ chuông, đầu dây là Bệnh viện 175 thông báo ba đã mất. Tay mình không cầm nổi điện thoại, mình khóc ngất trong căn phòng cách ly. 20 ngày dài như một thế kỷ...".

Những ngày "ông chú ship hoa" đón đưa đến trường; những ngày hai cha con hỏi han, quan tâm nhau; những ngày ba vừa về đến nhà tấm lưng mồ hôi ướt như tắm nhưng gọi liền tên: "Bé ơi, con đâu rồi?"..., những kỷ niệm cứ ùa về với cô gái 18 tuổi.

Ngày nhận điểm thi ba lại ra đi...! - Ảnh 4.

Nguyễn Thụy Lan Anh nghẹn ngào kể về ngày hay tin ba mất do COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Về đến nhà sau khi âm tính, việc đầu tiên của mình là dọn lại bàn học làm bàn thờ cho ba. Mình thắp nén nhang đầu tiên và khóc như một đứa trẻ chưa bao giờ được khóc. Mình khóc vì giờ là cô bé mồ côi thật rồi, mình khóc vì ước gì ba được nghe, được biết và cười lớn khi mình đậu đại học. Ba mình từng lao động vất vả, đến khi có tuổi mới chọn đi ship hoa, chắt chiu từng đồng nuôi hai anh em. Hạnh phúc, trái ngọt ở các con là niềm hạnh phúc của ba, vậy mà ngày mình đậu đại học, ba đã không còn", Lan Anh tuôn dài hai dòng nước mắt nghẹn ngào.

Mong ước có công việc ổn định để báo hiếu

Mồ côi mẹ từ năm lớp 6, cứ nghĩ đó là ngã rẽ biến cố lớn nhất cuộc đời. Không ngờ sáu năm sau, biến cố mất ba đau đớn đột ngột hơn.

Nhìn lên bàn thờ, Lan Anh nói: "Mỗi sáng đưa mình đi học, ba đều nói "Ráng học sau có cái nghề, con gái phải có cái nghề ổn định mới an nhàn nha con". Bà Nguyễn Thị Anh Thư, cô ruột Lan Anh, kể: "Ba cháu chạy giao hoa được 7 triệu đồng/tháng, đủ ăn uống hằng ngày nên cháu không có luyện thi, chẳng học thêm. Học hai buổi ở trường, ở nhà cháu tự ôn tự học, nhất là năm cuối cấp. Học ngày đêm, có khi gục luôn trên bàn. Lúc 3h - 4h sáng, tôi gọi không thưa, cả nhà hoảng hốt tưởng con bé xỉu. Hóa ra học quá kiệt sức, nằm mê man".

Những năm lo mẹ bệnh ung thư, ba và gia đình nội của Lan Anh phải bán đi căn nhà ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) để trả tiền chạy chữa, còn bao nhiêu mới mua lại căn nhà nhỏ cuối hẻm. Sáng sớm đi, tối mịt mới về, ba "cày" để có tiền nuôi hai anh em. 

"Khi mình cần tiền học tập, ba chạy vạy, ứng lương, mượn bạn bè, cô ruột... Ba giấu giếm không để mình buồn, không cho mình biết ba túng thiếu để mình vui vẻ lo học hành. Những hôm thức khuya mình ngủ tại bàn, nhà cửa lộn xộn, ba cũng "bấm nhỏ" với cô mình là đừng la, để ba dọn dẹp. Những yêu thương này làm sao nói hết, làm sao mình có thể trả hiếu, báo đáp được. Vì vậy, mình sẽ nỗ lực học tập, kiếm nghề ổn định, đúng nguyện vọng của ba".

Ngày nhận điểm thi ba lại ra đi...! - Ảnh 5.

Cô của Lan Anh kể, bạn từng ngất xỉu vì học kiệt sức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lan Anh dự tính: "Thành phố hết giãn cách, mình về chùa ở TP Thủ Đức nhận tro cốt và làm di ảnh thờ cho ba đem về nhà. Sau đó mình đi tìm công việc làm thêm. Học phí đại học mỗi năm 8 - 10 triệu đồng, đợt này mình sẽ vay tạm chú ruột. Anh hai đang học cao đẳng, cũng đã đi làm thêm để nuôi bản thân nên phần mình sẽ tự lập".

Chiếc điện thoại ba mua năm ngoái, chiếc xe cũ ba để lại sẽ là hành trang cho Lan Anh vào giảng đường đại học.

Câu chuyện cô bé mồ côi chịu khó, ngoan ngoãn, mất ba giữa mùa đại dịch khiến nhiều người trong con hẻm 275 đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) đều cảm thương. "Vào trong ngõ này, hỏi nhà con gái anh ship hoa vừa mất vì COVID-19, không ai không biết. Cháu đậu đại học, quanh đây mọi người vừa mừng vừa thương", một chủ tiệm tạp hóa trong hẻm chia sẻ.

Cảm phục sự quyết chí của học trò mồ côi

Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú, Trường THPT Thanh Đa, giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT liên tiếp của Lan Anh, nhận xét: "Lan Anh là cô bé rất ngoan, cả lớp ai cũng quý mến. Em vươn lên, hòa đồng với bạn, năng nổ tham gia các phong trào ở trường, ở lớp luôn vui vẻ, tinh thần học tập rất tốt, không bao giờ thất hứa với thầy cô".

Ngày ba mất, Lan Anh gọi báo tin cho cô Tú: "Con cô đơn quá, con gọi cho cô". Cô Tú xúc động: "Tôi chỉ biết động viên em, mong em quyết tâm bằng mọi cách phải đi học. Tôi cảm phục sự quyết chí và rất quý tấm lòng của em".

Chỗ dựa cho "Tiếp sức đến trường"

Sau mỗi kỳ thi, điện thoại của chị Nguyễn Thị Thắm (giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, TP Tây Ninh) lại liên tục đổ chuông. Chị Thắm kể đó là những dòng tin của các học trò cũ báo về khi thi đậu vào các ngành học như mong ước. Nhưng đâu đó vẫn còn những tin nhắn khiến chị đọc rồi không thể không xót xa.

Dịch bệnh càng làm cho việc đến trường của học sinh vốn đã khó nay còn khó hơn.

"Toàn những bạn học giỏi, đạt điểm cao và đã đậu vào ngành triển vọng nhưng việc đến trường vẫn còn bỏ ngỏ. Bạn thì bố mẹ thất nghiệp, bạn thì mồ côi, rồi dịch bệnh nên không thể nào xoay xở được tiền để nhập học" - chị Thắm tâm sự.

Là bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Sơn (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) nói rằng đang rất mong chờ chương trình "" được khởi động lại. Ông Sơn nói: "Năm ngoái lũ lớn ở miền Trung, năm nay lại dịch bệnh dai dẳng, tôi chắc là các bạn sinh viên rất cần những suất học của chương trình để tới trường".

tsdt 2020 (1) 1(read-only)

Ông Nguyễn Kim Lan tại lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" 2020 cho sinh viên Tiền Giang - Bến Tre - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ông Sơn dành một phần tiền trong quỹ tiết kiệm hưu trí của mình đóng góp vào chương trình với mong ước được hỗ trợ các học trò nghèo. "Đông tay thì vỗ nên kêu, chứ nhìn các bạn giỏi mà không thể đến trường chỉ vì không có tiền thì đau lắm, cầm lòng sao đành" - ông Sơn tâm sự.

Những ngày này, ông Nguyễn Kim Lan, chủ nhiệm câu lạc bộ "" Tiền Giang - Bến Tre, luôn bận rộn. Ông viết những dòng thư, tin nhắn gửi đến các nhà hảo tâm, bạn bè mình kêu gọi giúp các tân sinh viên nghèo.

Ông Phạm Phú Tâm, chủ nhiệm câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, khẳng định: "Năm nay khó khăn chứ, nhưng cái khó này đã được anh em chúng tôi lường trước khi họp bàn về chương trình. Giờ khó thì các bạn sinh viên mới cần mình, cái mình giúp mới càng thêm ý nghĩa. Sinh viên còn khổ, chúng ta còn phải tiếp tục".

Tân sinh khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ xin học bổng tại đây: .

C.TR.

Tiếp sức đến trường 2021 video giới thiệu - Video: TRẦN MẠNH

Ngày nhận điểm thi ba lại ra đi...! - Ảnh 10.

Cùng Tiếp sức tân sinh viên

Đóng góp kinh phí hỗ trợ các tân sinh viên, mời bạn chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên". Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí... Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các tỉnh thành.

Tiếp sức đến trường 2021: Một mùa học bổng thật đặc biệt! Tiếp sức đến trường 2021: Một mùa học bổng thật đặc biệt!

TTO - Khi có thông tin Ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định năm nay vẫn triển khai học bổng 'Tiếp sức đến trường' cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn đọc quan tâm tới chương trình này đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn vui mừng.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp