Hà Nội - Bản hùng ca phố do UBND TP Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
Chương trình diễn ra tối 10-10 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội - nơi diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của thủ đô giải phóng vào 15h ngày 10-10-1954.
Đồng thời chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, các đài truyền hình địa phương và trên các nền tảng số của Đài truyền hình Việt Nam.
"Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy"
Là chương trình chính luận nghệ thuật gồm ba chương Trận địa trong thành phố, 9 năm rừng lòng vẫn thủ đô, Bài ca Hà Nội, Hà Nội - Bản hùng ca phố đã đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng của 70 năm trước.
Từ tiếng súng đầu tiên, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tới những ngày cuối cùng bám trụ thủ đô, một Hà Nội "trước đau thương Hà Nội không buồn, Hà Nội rắn như thanh sắt nguội".
Qua những hình ảnh, phỏng vấn nhân chứng, Hà Nội - Bản hùng ca phố khắc họa chuyện những người ra đi mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến và cuộc đấu tranh ngầm trong lòng địch đầy anh dũng, bi tráng của nhân dân thủ đô tới ngày tiếp quản Hà Nội 10-10.
Trung tá Nguyễn Văn Mãn, nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội 271, Trung đoàn thủ đô, kể trong chương trình: "Vào cái đêm chuẩn bị bộ đội về tiếp quản Hà Nội ngày 9-10, ở các nhà, người dân không ngủ được mà phấn khởi, hào hứng, chờ bộ đội về. Hôm sau dân khóc, dân ra tận đường".
Còn nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An chia sẻ: "Những thân phận bị nô lệ, áp bức bây giờ được giải phóng. Hà Nội vui khủng khiếp".
Có mặt tại chương trình, bà An Ninh kể 70 năm trước, bà mới gần 7 tuổi, cảm thấy rất tự hào khi được đi theo mẹ, theo chị cầm giỏ hoa giấy tung lên đón các anh bộ đội về tiếp quản thành phố.
Theo lời bà, nhiều đêm trước đó, các cô, các chị đến nhà bà tập trung làm hoa, làm cờ. Những đứa em như bà được các cô dạy hát bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao: "Những bông hoa ngày mai/ Đón tương lai vào tay".
"Ngày hôm sau, khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, tất cả mọi người thay quần áo mới. Bố nói bộ đội vào tiếp quản, chúng ta phải ăn mặc đẹp; chúng tôi chạy đi, vừa đi vừa hát", bà nói.
Điểm nhấn trong chương trình là màn tái hiện lễ chào cờ lịch sử chiều 10-10-1954. Chiều đó, hơn 20 vạn nhân dân thủ đô cùng hướng về Cột cờ thành Hà Nội, thực hiện lễ chào cờ đầu tiên của thủ đô giải phóng.
Nhiều người có mặt trong chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố đã khóc khi nghe lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng.
Hà Nội - Bản hùng ca phố vang ở Cột cờ năm xưa
Trong chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố, nhiều bài ca Hà Nội vang lên tại nơi từng diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của thủ đô giải phóng đúng 70 năm trước.
Hồng Nhung mở màn với Nhớ về Hà Nội. Trong khi đó Lê Anh Dũng, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan và Trường Linh cùng dàn hợp xướng mang đến một phiên bản Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi cộng hưởng hơn so với bản Lê Dung hát.
Dạt dào và hay nhất là Cảm xúc tháng mười qua thể hiện của hai giọng nam cao Trọng Tấn và Đăng Dương. Không ít khán giả bồi hồi khi nghe lại ca khúc kinh điển đó:
"Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường".
Vang lên trong không khí hào hùng đó là tiếng hát trong trẻo và hồn nhiên của tốp thiếu nhi Starlab và thiếu nhi Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội khi thể hiện bài Em bé Hà Nội của Hoàng Vân.
Còn có một số tiết mục khác như xẩm do Mai Tuyết Hoa và Xẩm Hà thành trình bày, Tiến quân ca (Tùng Dương), Tiến về Hà Nội (Tạ Quang Thắng), Sẽ về thủ đô (Đông Hùng), Hà Nội niềm tin và hi vọng (Vũ Thắng Lợi), Hà Nội những công trình (nhóm Oplus), Nồng nàn Hà Nội (Hồng Nhung)…
Xem thêm hình ảnh:
Tái hiện không khí ngày 10-10 - Ảnh: DANH KHANG
Diễn viên múa tham gia chương trình lên tới hàng trăm người - Ảnh: DANH KHANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận