16/11/2016 11:29 GMT+7

Ngày lên rẫy, đêm chong đèn đến lớp học chữ

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Ngoài việc dạy chữ, lớp học tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Dur Kmăl (tỉnh Đắk Lắk) cũng tuyên truyền các kiến thức về giới tính sinh sản, kiến thức pháp luật, vấn đề an toàn giao thông cho bà con.

Một buổi học tại lớp xóa mù chữ buôn Dur Kmăl - Ảnh: THÁI THỊNH
Một buổi học tại lớp xóa mù chữ buôn Dur Kmăl - Ảnh: THÁI THỊNH

“Bắt gặp hình ảnh các mẹ ngày lên rẫy, đêm chong đèn ngồi học ở một lớp xóa mù chữ, thấy thật thanh bình"

Ông NGUYỄN NĂNG LƯU (trưởng Ban dân vận huyện Krông Ana)

Mới 18g, nằm hun hút cuối con đường đất, Nhà văn hóa cộng đồng buôn Dur Kmăl - địa điểm tổ chức của lớp học - đã râm ran như ngày hội. Những bà mẹ nước da nắng cháy còn địu con trên lưng, cùng các thanh niên đội những chiếc đèn pin trên đầu tụ họp từ sớm nói cười khúc khích.

Đó là lớp xóa mù chữ ở buôn Dur Kmăl (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) do Huyện đoàn Krông Ana và Hội phụ nữ huyện phối hợp tổ chức. Học sinh phần lớn là các mẹ, các chị từ 30-50 tuổi, giáo viên là các bạn sinh viên tình nguyện.

Sau gần hai tháng giảng dạy, từ những người không biết chữ thì đến nay 80% bà con theo học đã tự biết viết và làm được các phép toán cộng trừ.

Không biết chữ, đi đâu cũng ngại

“Chưa bao giờ nơi đây nhộn nhịp như thế, buổi ngày trên nương rẫy, tối đến các chị em trong buôn lại háo hức chuẩn bị vở kẻ ô li, sách Tiếng Việt lớp 1, bút chì... rồi í ới gọi nhau đi học” - chị H’Rim, chủ tịch Hội phụ nữ xã Dur Kmăl, tươi cười chia sẻ.

Lớp học được sắp xếp khá đơn sơ với hơn chục cái bàn, ghế và một chiếc bảng học sinh nhỏ đặt lên hai chồng ghế nhựa. Tất cả vật dụng của lớp đều được các thanh niên tình nguyện huyện mượn tạm của học sinh trường tiểu học sát bên.

19g, khi các thanh niên tình nguyện vừa tới cũng là lúc lớp học bắt đầu. Sau màn khởi động bằng một trò chơi vui nhộn đầu giờ, “thầy giáo” Đức Hiệp - một sinh viên tình nguyện - lấy phấn kẻ một đường thẳng chia đôi trên tấm bảng đen cũ kỹ rồi ghi lên phép toán 59+55 và hỏi to:

“Bây giờ chúng ta sẽ ôn lại bài học hôm qua: đặt cột tính và ghi kết quả bằng số và chữ. Có ai xung phong lên bảng không ạ?”.

Những cánh tay giơ lên, anh Y.Kir B Krông là người được chọn. Bàn tay cháy nắng chai sạn bấy lâu quen việc cầm cuốc, cầm rựa của anh nay cầm viên phấn trắng còn thấy run run.

Anh vừa nắn nót viết, vừa nhẩm tính: “Năm cộng chín mười bốn nhớ một. Năm cộng năm là mười nhớ một là mười một. Kết quả là một trăm mười bốn”.

Kết quả chính xác, dù cho nét viết còn nguệch ngoạc chưa tròn vành rõ chữ, nhưng anh Y.Kir nhận được nhiều lời khen ngợi và những tràng pháo tay giòn giã.

Anh Y.Kir năm nay 25 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất lớp. Từ nhỏ anh đã phải theo cha lên rẫy nên lớn lên không biết đọc, biết viết. Mấy anh em trong nhà anh cũng thế nên cuộc sống rất khó khăn.

“Thanh niên như mình không biết viết cái chữ nên đi đâu cũng ngại. Nhiều lúc đi xin thuốc ở bệnh viện, đi ra ủy ban làm giấy tờ khai sinh cho con, vay vốn làm ăn... hỏi gì mình cũng không biết, viết tên mình không được nên đành điểm chỉ bằng ngón tay” - anh Y. Kir tâm sự.

Cũng bởi gặp phải vô vàn khó khăn khi không biết đọc biết viết, nên dù năm nay đã 55 tuổi nhưng bà H’Tik vẫn đều đặn bám lớp không vắng buổi nào.

Bà chia sẻ gia đình không ai biết chữ nên không có kiến thức và không tiếp cận được thông tin. Vì vậy cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

“Mỗi lần đi làm các thủ tục hộ nghèo vay vốn mình phải nhờ người đi cùng. Không biết chữ thì mất nhiều quyền lợi nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Thấy thầy cô mở lớp, mình tham gia ngay và kêu con đi học nữa. Giờ mình đã có thể tự tin đọc và viết được tên rồi, còn làm toán được nữa” - bà H’Tik khoe.

Những thầy cô giáo đặc biệt

Trong đội ngũ giáo viên giảng dạy ở đây phần lớn là thanh niên tình nguyện, giáo viên đang dạy ở các trường mầm non, tiểu học và cả những người ngoài ngành sư phạm. Dù không được hỗ trợ gì nhưng các thầy cô vẫn nhiệt huyết, tận tình đến lớp uốn nắn từng nét chữ cho bà con.

Lần đầu tiên được gọi bằng cô giáo, bạn Nguyễn Thị Diễm (sinh viên năm 2 Trường ĐH Tây nguyên) rất vui. Nói về cảm nhận của mình khi tham gia lớp xóa mù chữ, Diễm bày tỏ:

“Được làm những việc có ích như thế này, bọn mình thấy ý nghĩa lắm. Người đồng bào rất tình cảm, ai mà tốt với họ thì họ quý, biết ơn và coi như người trong gia đình vậy. Tên những bạn trong đội họ nhớ hết, hôm nào trời mưa bạn nào không đi được họ cứ nhắc miết: Sao hôm nay cô Thảo, Diễm, Ngân... không đi”.

Chị H’Rim, chủ tịch Hội phụ nữ xã Dur Kmăl, cho biết để có được lớp học hiệu quả như vậy là một quá trình gian nan vận động bà con tới lớp.

“Chúng tôi đến từng nhà vận động, ban đầu gặp nhiều khó khăn vì ai cũng ngại và mặc cảm, nhất là thanh niên. Rồi những ngày đầu giảng dạy cũng vất vả khi nhiều đồng bào không biết tiếng phổ thông. Nhưng nhờ sự nhiệt tình của các bạn trong Đoàn thanh niên nên dần dần mọi thứ đều được giải quyết. Lớp học tạo được sự hứng thú nên chị em tham gia ngày càng đông” - chị H’Rim nói.

Ngoài việc dạy chữ, lớp học cũng tuyên truyền các kiến thức về giới tính sinh sản, kiến thức pháp luật, vấn đề an toàn giao thông cho bà con. Bên cạnh đó, các thành viên kêu gọi mọi người hỗ trợ sách vở, quần áo... để tặng cho học viên nghèo.

Ông Trần Hữu Thọ, phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana, cho rằng đây là một lớp học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp