05/09/2022 07:57 GMT+7

Ngày khai trường lần đầu được ăn... buffet

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Một ngày hội đặc biệt đã diễn ra ngay trước ngày khai trường 5-9. Hơn 1.000 học sinh xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã có ngày khởi đầu năm học mới khó quên.

Ngày khai trường lần đầu được ăn... buffet - Ảnh 1.

Niềm vui của trẻ vùng cao khi được ăn buffet trong ngày đầu năm học mới - Ảnh: LẠC THƯỜNG

Các em được mua sắm dép mới, cặp sách, tập vở... với giá 0 đồng, lần đầu ăn buffet, xem phim, xem ảo thuật và được các cô chú tình nguyện viên "làm đẹp" tươm tất trước khi bước vào năm học mới.

Tiếng cười ở Trà Cang

Núi rừng Trà Cang hiện dần trong màn sương sớm một ngày đầu tháng 9. Đoàn tình nguyện viên hơn 150 người đã lặn lội nhiều giờ từ TP Đà Nẵng lên đến điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Trà Cang lúc mặt trời vừa lên. Đến điểm trường sớm nhất là nhóm tình nguyện viên thuộc đội hình "làm đẹp" cho trẻ.

Hơn 1.000 học sinh từ mẫu giáo đến THCS đã được chia thành nhiều tốp để bước vào những dãy ghế kê giữa sân trường. Với đôi tay thoăn thoắt và chuyên nghiệp, đội "thợ tóc" tạo hình với tông đơ và kéo. 

Những mái tóc vàng xém vì nắng cháy được hớt gọn, để lộ gương mặt đen nhẻm của những đứa trẻ vùng cao. Cạnh đó là một nhóm tình nguyện viên khác đảm nhiệm vai trò bấm móng tay cho trẻ. 

Cùng lúc đó, một nhóm tình nguyện viên khác đã nhanh chóng dựng bếp, chuẩn bị những món ăn cho bữa tiệc buffet giữa đại ngàn.

Xong khâu làm đẹp, đám trẻ ngay ngắn xếp hàng đến bữa tiệc buffet với vô số khay thức ăn đầy ắp mời gọi.

Dưới sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, dĩa thức ăn trên tay các em cứ vơi rồi lại đầy. Đến lúc bụng ai nấy căng tròn, các em ngoan ngoãn nói lời cảm ơn rồi đến quầy nhận lá phiếu đi chợ 0 đồng. 

Quần áo mới, giày dép, áo mưa, cặp sách, tập vở... mỗi gian hàng có các tình nguyện viên hỗ trợ để các em mua sắm món đồ ưa thích. Từ chiều đến tối, đám trẻ cười giòn tan với những màn ảo thuật lạ mắt diễn ra ngay giữa sân trường, được ăn bánh, uống trà sữa và xem phim ở rạp phim lưu động.

Anh Hồ Ngọc Thanh - chủ nhiệm Chuyến xe vạn tình 0 đồng, người khởi xướng ngày hội này - chia sẻ: "Thay vì cả ngàn em phải ngồi đợi để nhận quà sẽ vừa nắng vừa mệt, chúng tôi chọn hình thức phiên chợ 0 đồng để các em thoải mái chọn đồ dùng cho năm học mới. Đứa trẻ nào cũng thích khi được tự tay đi mua quần áo, đồ dùng học tập. Bữa ăn buffet cũng là điều mới mẻ mà lần đầu những đứa trẻ vùng cao được trải nghiệm".

Trước đây, anh Thanh đã có nhiều năm lên huyện miền núi Nam Trà My làm thiện nguyện. Trong một lần lên trao quà cho trẻ, anh chứng kiến cảnh những đứa trẻ đến trường mùa mưa lũ với đôi dép hai màu, có em chỉ còn một chiếc dép trên tay cùng cặp sách ướt nhẹp. 

Hình ảnh này khiến anh nghẹn ngào và không thôi trăn trở: "Phải làm sao để tiếp thêm động lực cho các em tiếp tục bám lớp giữa điều kiện khắc nghiệt như thế?".

Cũng từ đây, những món quà với tất cả tấm lòng đã được anh cùng các cộng sự của mình kêu gọi, mang lên cho các em đều đặn hằng năm vào trước ngày khai giảng. 

Năm 2018 đến nay, từ Trà Tập, Trà Mai, Trà Cang..., cứ thế mỗi năm anh tổ chức ngày hội tựu trường cho học sinh một xã nơi rẻo cao này.

Ngày hội níu chân học sinh

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Trà Cang, cho biết các em ở những điểm trường lẻ phải đi nhiều cây số đường rừng để đến điểm trường chính. "Nhưng cả phụ huynh và học sinh đều háo hức đón chờ để trải nghiệm một ngày ăn uống, vui chơi và mua sắm "như người thành phố" ngay giữa núi rừng. 

Những món quà trong ngày hội vô cùng thiết thực với các em, càng ý nghĩa hơn khi vào đúng thời điểm khai giảng năm học mới" - thầy Tuấn nói.

Cô Nguyễn Thị Kiều Trang, phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Cang, tâm sự để đến trường học, các em nhà xa phải đùm theo cơm với ít muối trắng, măng rừng. Đầu năm học, nếu không có sự chung tay từ xã hội thì đến đôi dép trẻ đến trường cũng em có em không. Thầy cô cứ một buổi đứng lớp, một buổi lặn lội đến nhà vận động học sinh đi học. 

Những món quà đầu năm học góp thêm "chất liệu" để thầy cô dùng vận động trẻ đến trường. "Đến trường sẽ được ăn ngon, có quần áo mới... bao nhiêu đấy thôi cũng là động lực với những học sinh miền núi khi điều kiện đi tìm con chữ còn lắm gian nan"- cô Trang bày tỏ.

Những cây cầu nối nhịp chân em

Không chỉ tổ chức ngày hội tựu trường cho học sinh trước ngày khai giảng, anh Hồ Ngọc Thanh đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí 450 triệu đồng xây dựng ba cây cầu treo kiên cố để trẻ đến trường. Ngày 4-9, cả ba cây cầu này được khánh thành trước niềm vui khôn tả của bà con nơi đây.

Cây cầu Nước Băng, Tăk Pu và Loan Mu đã không còn chênh vênh với những tấm ván cũ tạm bợ. Thay vào đó là những cầu treo với dây cáp kiên cố, bao quanh bởi lưới thép B40 với chiều dài hàng chục mét bắc qua từng con suối.

Giờ đây khi mùa mưa lũ, đám trẻ không phải lo sợ đến trường trên những cây cầu nguy hiểm. Bà con cũng thôi nỗi lo trẻ bị cuốn trôi khi lũ về.

Ngày khai trường thiết thực Ngày khai trường thiết thực

TTO - Ngày khai trường lại về. Từ nhà trường đến mỗi gia đình đều tất bật lo toan cho ngày hội này. Mới năm trước, nhiều nơi còn tổ chức lễ khai trường đơn sơ vì dịch COVID-19. Nhưng năm nay, thật may mắn, cuộc sống đã trở lại bình thường.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp