Nhóm học sinh Trường THPT Tây Ninh là những người đến đầu tiên tại ngày hội sáng 28-2 - Ảnh: Như Hùng |
7g sáng 28-2, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 tại TP.HCM chính thức diễn ra trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10) với rất nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích trong suốt cả ngày.
Ngày hội sẽ được tổ chức theo hình thức tư vấn nhóm ngành nghề:
1. Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ… (Công nghệ thông tin, môi trường, điện tử, giao thông, xây dựng, dầu khí, công nghệ sinh học, dầu khí...). Tại sân B4
2. Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an… (Báo chí, ngoại ngữ, ngữ văn, xã hội học, quản trị kinh doanh, ngoại thương, kế toán, kiểm toán, marketing, luật thương mại, quản trị luật, y đa khoa, dược, kỹ thuật y học, điều dưỡng...). Tại Hội trường A5
3. Khu vực Tư vấn tâm lý, sức khỏe, tư vấn lựa chọn ngành nghề - hướng dẫn thí sinh khám phá khả năng bản thân, nhận diện tính cách, sở thích, cách giải tỏa áp lực thi cử, chọn nghề phù hợp, chọn nghề đúng năng lực. Cung cấp và chia sẻ với thí sinh cách ăn uống, nghỉ ngơi, giữ gìn, bảo đảm sức khỏe để đạt kết quả thi tốt... tại sân B2.
Chương trình tạo dấu ấn và niềm tin trong mỗi gia đình
Đến dự khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM sáng nay có anh Lê Quốc Phong, ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, thứ trưởng Bộ GD-ĐT; PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT; TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup; PGS.TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết năm 2016, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổi chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Thời điểm hiện tại, các thí sinh đang chuẩn bị đăng ký dự thi cần có đầy đủ thông tin về kỳ thi cũng như thông tin về những ngành nghề dự kiến sẽ đăng ký xét tuyển. Do đó, việc tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho các em là vô cùng quan trọng.
Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu này, báo Tuổi Trẻ đã thường xuyên, kịp thời tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.
“Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn, thiết thực, mang tinh thần vì cộng đồng cao, Bộ GD-ĐT hoan nghênh hoạt động này của báo Tuổi Trẻ và cảm ơn sự hợp tác của báo đối với công cuộc đổi mới và phát triển của ngành giáo dục nói chung và việc thường xuyên tổ chức chương trình tư vấn -tuyển sinh hướng nghiệp nói riêng” - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM hôm nay là kịp thời và rất thiết thực. Thông qua những ngày hội như thế này, càng cho thấy được tâm huyết và sự nỗ lực của báo Tuổi Trẻ trong việc hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh, tạo dấu ấn sâu đậm và niềm tin vững chắc cho mỗi bậc phụ huynh có con em sắp sửa bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời”- thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nói.
Trong khi đó, ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết chăm lo thế hệ trẻ là một trong những sứ mệnh mà Ban biên tập báo Tuổi Trẻ xác định và đeo đuổi thực hiện trong nhiều năm liên tiếp vừa qua, từ các chương trình học bổng đến chương trình đào tạo, tìm kiếm việc làm và cả tư vấn cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Đến với ngày hội, các thí sinh cũng như phụ huynh sẽ được các chuyên gia tư vấn uy tín và giàu kinh nghiệm sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng liên quan đến chính sách, chủ trương, quy định của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh, tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành nghề, gỡ rối hướng nghiệp, sức khỏe mùa thi...
“Hy vọng rằng thông qua ngày hội này, quý phụ huynh và các em thí sinh sẽ có cái nhìn tổng quan và tường tận về ngành đào tạo của từng trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp để chọn đúng ngành nghề yêu thích và phù hợp năng khiếu, nguyện vọng. Qua đó, có được kế hoạch học tập và ôn luyện phù hợp để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016” - ông Tăng Hữu Phong phát biểu.
.
Hơn 60 học sinh trường THPT Dân Tộc nội trú Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh 5g40 sáng đã có mặt tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Đi tư vấn tuyển sinh từ 1g30 sáng
Đó là trường hợp của 502 học sinh cùng hơn 20 giáo viên Trường THPT Hoàng Diệu, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Từ 0g30 sáng, giáo viên của trường đã có mặt tại trường chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để chuyến xe xuất phát tiến về TP.HCM.
Trong 502 học sinh, có 14 lớp khối 12 cùng nhiều học sinh của khối lớp 11 và 10 cũng đăng ký đi tham dự ngày hội để tìm hiểu thông tin.
Cô Phạm Ngọc Phụng - hiệu trưởng trường cho biết trường có chế độ giảm tiền cho các học sinh có thành tích học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh và gia đình đóng được bao nhiêu đóng, số tiền còn được nhà trường hỗ trợ. Năm nay trường thuê 13 xe chở học sinh và giáo viên. Các xe đều được đánh số thứ tự cẩn thận, danh sách học sinh từng xe đều được lên danh sách từ trước, mỗi xe có 2 giáo viên đi theo để tiện việc quản lý học sinh.
Đúng 7g sáng, tất cả giáo viên và học sinh trường đã có mặt tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh.
Người lao động phải có những kỹ năng quan trọng Tại khu vực tư vấn tâm lý, sức khỏe và gỡ rối lựa chọn ngành nghề, dù còn 15 phút nữa chương trình mới bắt đầu nhưng đã có rất nhiều học sinh và cả phụ huynh đến ngồi chờ đợi. Mở đầu chương trình, một học sinh nam đã đặt câu hỏi với TS tâm lý Võ Thị Tường Vy, Trường ĐH Sư phạm TPHCM: "Khi vào phòng thi, em phải làm sao để không bị hồi hộp và có thể làm bài thi tốt?". TS Vy trả lời: "Trước khi thi các em cần có sự thư giãn, vươn vai hít thở hoặc có câu thần chú : cố lên, cố lên, mình làm được mà. Trước đó các em cần có phương pháp học phù hợp để nắm bài cho vững". Tiếp theo đó, câu hỏi của 1 học sinh Trường THPT Củ Chi, TPHCM đã khiến nhiều học sinh xôn xao: "Trong tình hình VN vừa gia nhập TPP, trong vòng 4 năm tới thì nước tra sẽ phát triển những ngành nghề gì". Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng: VN gia nhập TPP sẽ là cơ hội tạo thị trường lao động tự do, chúng ta có thể ra nước ngoài làm việc và ngược lại. Tương lai VN sẽ là một thời kỳ thị trường lao động mở, trong đó có những kỹ năng mà người lao động không thể thiếu là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp,... Ông Tuấn khẳng định: không phải cứ học đại học là ra trường tham gia vào nhóm ngành nghề lao động cao, không phải cứ học giỏi là ra trường làm được việc. VN có rất nhiều cử nhân kinh tế nhưng vẫn thiếu người làm kinh tế giỏi . Vì vậy, tôi khuyên các em cần trau dồi kỹ năng sống, cần học cho tốt những kỹ năng cần thiết của ngành nghề đó. Những nhóm ngành nghề tương lai sẽ phát triển bao gồm: công nghệ - kỹ thuật, kinh tế - tài chính, nhóm ngành sư phạm, kỹ thuật nông lâm nghiệp,... Ở phía dưới nhiều học sinh vỗ tay : Hay quá, hay quá. Trong khi đó, khá nhiều thí sinh đã gửi giấy thắc mắc về về việc có nên uống thuốc bổ não hay không, cần chế độ dinh dưỡng như thế nào trong mùa thi,...TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM tư vấn: Tôi khuyên các em không nên uống thuốc mà nhiều người cho rằng nó có tác dụng bổ não. Bởi không có loại thuốc nào bổ não cả. Các em cần đảm bảo 3 bữa chính trong ngày, đặc biệt không bỏ bữa sáng. Bụng đói dễ bị hạ đường huyết, không thể tập trung tốt được. Các em học đúng phương pháp sẽ có thời gian ăn và ngủ. Và thể theo yêu cầu của nhiều học sinh, buổi tư vấn chung đã kết thúc sớm (lúc 10g45') để dành thời gian cho các thí sinh, phụ huynh được gặp riêng từng thành viên trong ban tư vấn để "tư vấn chuyên sâu". |
Chọn ngành học: Đam mê là tố chất đầu tiên
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, đối với Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật vốn mang tiếng “ác” vì mỗi năm đuổi khoảng 500 sinh viên, nhưng cũng vì các sinh viên không có đam mê với ngành học.
Từ đó thầy đưa ra kết luận: “điều đầu tiên phải có là đam mê.”
Trong khuôn khổ ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), tại khu vực giải đáp chuyên sâu nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ…, nhiều vấn đề nóng và cấp thiết về các ngành nghề được các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp chi tiết.
Học gì phù hợp?
Phạm Quốc Huy, THPT An Dương Vương TP.HCM thắc mắc: Tố chất con người như thế nào thì phù hợp với ngành cơ khí chế tạo máy?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trả lời: “Không chỉ riêng ngành cơ khí chế tạo máy mà tất cả các ngành nghề, nếu muốn theo đuổi điều đầu tiên em phải có sự đam mê, yêu thích ngành nghề đó. Riêng ở Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH SPKT TP.HCM, vốn mang tiếng “ác” với sinh viên, mỗi năm đuổi 500 sinh viên, nhưng những sinh viên này thường rơi vào số không có đam mê với ngành học. Khi thi vào nghe lời cha mẹ mà không có đam mê nên nản dần, rồi kết quả học tập kém.”
Cũng theo thầy, riêng đối với ngành cơ khí chế tạo máy, trong 5 năm trở lại đây có một sự đột phá mới với máy in 3D, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất tất cả các chi tiết trong xe ôtô, kể cả các chi tiết kim loại để làm ra một chiếc ôtô hoàn chỉnh. Do đó tất cả các em học tốt môn Toán, Lý đều có thể học tốt ngành này.
Bên cạnh đó, do tính chất liên quan đến mỹ học và nhân văn, năm ngoái Trường ĐH SPKT TP.HCM tuyển thêm khối D cho ngành này.
Cơ hội việc làm là do ta tự tạo
Trần Anh Trần (THPT Chợ Gạo) thắc mắc: “Xin thầy chia sẻ về cơ hội việc làm của nhóm ngành điện điện tử ạ?”
Trả lời câu hỏi này, TS Lê Chí Thông cho biết: “Dù học bất kỳ ngành nào, khi ra trường với một cái bằng trên tay, các em muốn xin được việc tốt thì các em phải có kiến thức và kỹ năng tốt. Kỹ năng tốt phụ thuộc vào khả năng luyện tập nâng cao của các em. Cơ hội việc làm là do ta tự tạo ra. Những kiến thức mà trường thầy cô cung cấp chỉ vẫn chưa đủ, các em cần phải tự trau dồi thêm các kiến thức và kỹ năng khác cho bản thân”.
Dương Trần Minh Tuấn, THPT An Dương Vương bày tỏ băn khoăn: “Muốn trở thành nhà kinh doanh kĩ thuật thì em nên học kĩ thuật trước hay nhà kinh tế trước?”
PGS.TS Đỗ Văn Dũng giải đáp: Hiện nay có những ngành giao thoa giữa kinh tế và kĩ thuật, như quản lý công nghiệp hay kinh tế vận tải… Ở nước ngoài, kĩ sư phải làm công việc quản lý nên kiến thức quản lý dự án rất nhiều. 1/3 khối lượng trong chương trình học là kinh tế. Em yên tâm là em có đủ kiến thức khi ra trường để tạo một doanh nghiệp, ví dụ như vấn đề start-up – vấn đề nóng của các nước và Việt Nam.
Học phí giữa các trường chênh nhau nhiều Nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn về vấn đề học phí của các trường ĐH. Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Những trường chưa tự chủ tài chính như một số trường thuộc ĐH Quốc gia, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM... có mức học phí khoảng 7 triệu đồng/năm”. Theo thầy, đối với các trường ĐH công lập tự chủ tài chính như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở, Trường ĐH Tài chính-Marketing, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng... có mức học phí dao động từ 15 đến 17 triệu đồng/năm, nhiều trường có tiêu chí thêm sẽ tăng thêm học phí nữa. Còn các trường dân lập mức học phí rất đa dạng. Vì vậy, các em phải tìm hiểu trước thật kĩ mức học phí của các trường, các ngành học để tránh tình trạng kinh tế gia đình không theo kịp, dẫn đến việc sự học trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và bản thân, sinh viên phải làm thêm quá mức hoặc nghỉ học giữa chừng. |
Đại học không phải là con đường duy nhất
Chiều 28-2, khu vực tư vấn tâm lý, sức khỏe, gỡ rối lựa chọn ngành nghề tiếp tục thu hút nhiều học sinh, phụ huynh với những câu hỏi rất "đặc trưng": vài năm tới những ngành nào sẽ phát triển, nghề nào dễ tìm việc làm, nghề nào có thu nhập cao,...?
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, đã giải đáp: Từ nay đến năm 2025 mỗi năm TP.HCM cần thêm 270.000 đến 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề: công nghệ - kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính (chiếm 33% nhu cầu nhưng tỉ lệ cạnh tranh để được tuyển dụng cũng rất cao); kiến trúc - xây dựng - môi trường - cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như: tâm lý học, xã hội học, quản trị du lịch - khách sạn; nhóm ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm kỹ thuật, quản lý giáo dục; nhóm ngành chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, y tá, điều dưỡng; nhóm ngành công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành văn hóa - nghệ thuật- thể dục thể thao.
Ngay lúc đó, một nữ sinh đã đặt câu hỏi: nếu học cao đẳng, trung cấp thì sau khi ra trường có cạnh tranh được với những người học đại học không?
Ông Tuấn cho rằng: cái chính là phải xây dựng giá trị sức lao động của mình, tức là các bạn phải có kỹ năng, có đạo đức nghề nghiệp.... Thị trường lao động luôn luôn đón nhận 4 cấp bậc lao động: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Bất cứ lao động ở cấp bậc nào cũng có thể thất nghiệp nếu không xây dựng được giá trị sức lao động.
Th.S Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề, bổ sung: nhu cầu xã hội hiện đang cần khá nhiều nhân lực tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, như ở trường tôi hầu như 100% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn tìm việc khá dễ dàng.
Buổi tư vấn như sững lại khi 1 phụ huynh đặt câu hỏi: con tôi chỉ đạt học lực trung bình, cháu có thể thi vào trường đại học nào?
TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM, đưa ra lời khuyên: chị nên chọn cho con mình dự tuyển vào những trường chỉ xét tuyển bằng học bạ thì sẽ dễ đậu hơn.
Th.S Nguyễn Đăng Lý tư vấn: Học lực trung bình thì nên chọn những bậc học thấp hơn đại học dễ thành công hơn.
Bạn Lê Nhất Sinh cùng mẹ chuẩn bị sổ tay, viết và quần áo đi đường để lên trường tập trung di chuyển lên TP.HCM tham dự tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Quang Định |
Thầy cô trường THPT Hoàng Diệu phân chia thuốc men vào các túi cho các xe chuẩn bị lên đường - Ảnh: Quang Định |
Học sinh trường THPT Hoàng Diệu tập trung tại sân trường chuẩn bị lên xe, nhiều bạn có mặt tại trường từ 0g30 - Ảnh: Quang Định |
Nước uống được phân chia cho các xe đem theo - Ảnh: Quang Định |
Hơn 500 học sinh hàng ngũ chỉnh tề chuẩn bị lên xe - Ảnh: Quang Định |
Giáo viên và học sinh trường ăn sáng và thay trang phục trường tại một trạm dừng chân tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Quang Định |
Ca sĩ Tóc Tiên mang đến không khí tưng bừng ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Hàng ngàn học sinh tham dự lễ khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN, tại ngày hội |
Anh Lâm Đình Thắng, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, tại ngày hội |
Ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, nhận hoa của BTC |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc tại ngày hội tư vấn tuyển sinh sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc tại ngày hội tư vấn tuyển sinh sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Đại diện TW Đoàn, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho nhà tài trợ, đại diện thầy cô ban tư vấn và Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trong lễ sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Rất đông học sinh hào hứng khi được sinh viên trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM vẽ chân dung tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Thầy Võ Văn Tới trưởng bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh trường ĐH Quốc Tế (ĐHQG TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh tham dự ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Học sinh đang được tư vấn tại gian tư vấn của trường ĐH Quốc Tế ( ĐHQG, TPHCM) trong ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2016 - Ảnh: Như Hùng |
Nhiều học sinh xếp hàng chờ quét vân tay đoán tính cách tại gian tư vấn trường ĐH Tài Chính Marketing trong ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Các bạn học sinh lắng nghe tư vấn từ các giảng viên trường CĐ Việt Mỹ - Ảnh: Thuận Thắng |
Giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng tư vấn cho các học sinh tới với ngày hội về các ngành đào tạo ở trường này - Ảnh: Thuận Thắng |
Thầy Phạm Tấn Hạ trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tư vấn điểm chuẩn, chỉ tiêu xét tuyển của trường cho các bạn học sinh - Ảnh: Thuận Thắng |
Ba học sinh trường THPT Trương Định huyện Gò Công, Tiền Giang nhận tờ rơi giới thiệu về chương trình đào tạo đại học từ tình nguyện viên. Các bạn theo xe của trường lên ngày hội từ 4h sáng - Ảnh: Thuận Thắng |
Các bạn học sinh trường THPT Tây Ninh tỉnh Tây Ninh thư giãn sau khi tìm hiểu đủ thông tin cho ngành học của mình - Ảnh: Thuận Thắng |
Ước tính có đến hơn 10 ngàn học sinh đến với ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp chỉ trong vòng 2 giờ sau khi khai mạc - Ảnh: Thuận Thắng |
Hình ảnh đẹp của ngày hội – các bạn sinh viên sau khi tìm hiểu đủ thông tin ngành học mình quan tâm ngồi thư giãn, trò chuyện, trao đổi thêm thông tin về ngành học với các bạn khác - Ảnh: Thuận Thắng |
Học sinh hào hứng tham gia làm bánh tại gian tư vấn của trường CĐ nghề Kinh Tế và Công Nghệ TPHCM trong ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2016 - Ảnh: Như Hùng |
Ban tư vấn khối ngành Khoa học Tự Nhiên, Kỹ Thuật, Nông Lâm….. - Ảnh: Như Hùng |
TS Lê Thị Thanh Mai ( trưởng ban CTSV ĐHQG, TPHCM ) đang giao lưu với học sinh tại khu vực tư vấn Tâm lý, gỡ rối, sức khỏe..... - Ảnh: Như Hùng |
Không gian âm nhạc thu hút các bạn học sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Học sinh Trường THPT Thành Nhân TP.HCM đọc báo Tuổi Trẻ được phát miễn phí tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
Các bạn học sinh thích thú với Free hugs với các bạn nước ngoài tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Học sinh mua cẩm nang tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ được bán tại ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trưa 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Flycam của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – Hutech thu hút học sinh xem tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
Học sinh thích thú với những loại nước uống được pha chế của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – Hutech thu hút học sinh xem tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
Trò chơi bong bóng xà phòng thu hút đông đảo học sinh thử chơi tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
Một trò chơi thu hút các bạn học sinh tham gia chơi thư giãn - Ảnh: Quang Định |
Đội sinh sinh viên tình nguyện trường ĐH Bách khoa TP.HCM - lực lượng phục vụ cho ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Một học sinh đặt câu hỏi về ngành công an, quân đội cho các thầy cô trong ban tư vấn tại ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trưa 28-2 - Ảnh: Quang Định |
Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, phó đội trưởng đội Đào tạo, phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP.HCM, tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trưa 28-2 - Ảnh: Quang Định |
* Tiếp tục cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận