06/05/2017 11:15 GMT+7

Ngày hội âm nhạc Eurovision bị chính trị gây ảnh hưởng xấu

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)

TTO - Quan hệ giữa Nga và Ukraine lại trở nên căng thẳng không phải do xung đột quân sự, mà vì Eurovision - ngày hội âm nhạc có quy mô lớn nhất châu Âu, mỗi năm thu hút 200 - 400 triệu người theo dõi qua truyền hình.

Đại diện nước Nga Yulia Samoylova biểu diễn ca khúc Flame is burning để ghi hình gửi ban tổ chức Eurovision - Ảnh: YouTube
Đại diện nước Nga Yulia Samoylova biểu diễn ca khúc Flame is burning để ghi hình gửi ban tổ chức Eurovision - Ảnh: YouTube

Eurovison lần thứ 62 với khẩu hiệu “Tôn vinh sự đa dạng” sẽ diễn ra từ ngày 9 tới 13-5 tại Kiev, Ukraine, số lượng tham gia kỷ lục là 43 nước.

Ukraine cấm ca sĩ ngồi xe lăn của Nga...

Chuyện rắc rối bắt đầu từ tháng 3 năm nay khi Ukraine tuyên bố cấm đại diện của Nga, ca sĩ ngồi xe lăn 28 tuổi Yulia Samoylova, đến Kiev với lý do cô đã đến Crimea biểu diễn năm 2015.

Nga tất nhiên phản đối lệnh cấm này. Đại diện đơn vị tổ chức EBU (Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Âu, European Broadcasting Union) Ingrid Deltenre cũng gửi thư kháng nghị tới Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman.

Bà Deltenre khẳng định EBU “rất phẫn nộ khi cuộc tranh tài năm nay bị sử dụng như một công cụ tranh đấu giữa Nga và Ukraine” và cảnh cáo nếu Ukraine không bãi bỏ lệnh cấm, nước này sẽ không được tham gia các lần sau.

Nghe ca khúc Flame is burning

EBU cũng đưa ra phương án dự phòng là đại diện Nga tham dự qua vệ tinh nên ngày 10-4, Samoylova đã biểu diễn ca khúc dự thi bằng tiếng Anh Flame is burning tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva để ghi hình gửi ban tổ chức.

Tuy nhiên, Đài truyền hình Channel One của Nga tuyên bố sẽ không đưa clip này lên vệ tinh. Tại Eurovision 2016, Nga đã rất bất bình khi đại diện Ukraine, Jamala, tham gia với ca khúc 1944.

Tuy không đề cập thẳng đến vấn đề chính trị do lệnh cấm của EBU, nhưng khi Jamala trình diễn bài hát này bằng tiếng Anh và tiếng Crimean Tatar thì người châu Âu, đặc biệt người Trung và Đông Âu, dễ dàng nhận ra nội dung ám chỉ việc Stalin khi đó trục xuất người thiểu số Tatar tại Crimea trong Thế chiến thứ hai.

Việc Ukraine thắng giải cũng bị cho là nhờ khán giả nhiều nước muốn qua đó tỏ thái độ chống đối Nga.

Nghe Jamala hát 1944

Eurovision dần mất ý nghĩa 

Điều dễ nhận thấy là Eurovision càng phát triển thì yếu tố chính trị càng đậm nét. Đầu tiên là năm 1969, Áo đã rút lui để phản đối nhà độc tài Tây Ban Nha Franco. Năm 1975, Hi Lạp rút lui để phản đối Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Cyprus (phần đất tranh chấp giữa hai nước).

Năm sau, tới lượt Thổ Nhĩ Kỳ rút lui vì Hi Lạp dự thi với một ca khúc nói về nạn ngoại xâm. Những năm 1977, 1979, 1981, 2005, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Lebanon rút lui để phản đối Israel. 

Khi Ukraine nổ ra cuộc “Cách mạng màu cam” năm 2005, cả đoàn Đan Mạch đã mang giày màu cam để tỏ sự ủng hộ...

Nhiều ca sĩ cũng dùng cuộc thi này để bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội. Năm 1974, nhóm ABBA thắng giải nhưng dư luận lại dồn sự chú ý vào ca khúc Si của ca sĩ Ý nổi tiếng Gigliola Cinquetti, do ca khúc này bị đài truyền hình Ý kiểm duyệt vì cho rằng nội dung có thể tác động đến việc Ý trưng cầu ý dân về luật ly hôn.

Từ 2012, EBU quy định các nước tham gia phải có thái độ tôn trọng quyền dân chủ, tự do báo chí và nhân quyền, nếu không sẽ bị loại. EBU cũng cấm các ca khúc dự thi đề cập đến chính trị.Năm 1975, ca sĩ Bồ Đào Nha Duarte Mendes dùng phần trình diễn của mình để bày tỏ sự ủng hộ phong trào chống chế độ độc tài trong nước...

Dù vậy những năm gần đây, chất lượng của ca khúc, sự sáng tạo trong hòa âm, phối khí, chất giọng và phong cách trình diễn của ca sĩ... không thu hút dư luận bằng chuyện bên lề.

Thí dụ như năm 2014, giới chuyên môn đánh giá cao nhóm nhạc Hà Lan The Common Linnets và ca sĩ Thụy Điển Sanna Nielsen nhưng người thắng giải lại là ca sĩ Áo Conchita Wurst.

Không ít khán giả bình chọn cho Wurst vì xem ngoại hình nửa nam nửa nữ của Wurst như một tuyên ngôn ủng hộ những người chuyển giới, đồng tính - vốn vẫn bị phân biệt đối xử tại Nga và Đông Âu.

Cũng vì Eurovision dần mất đi ý nghĩa là cuộc tranh tài âm nhạc quốc tế nên dù số lượng quốc gia tham dự đông đảo, nhưng nhiều năm qua cuộc thi này đã không còn là bệ phóng cho các tài năng.

Danh hiệu người thắng cuộc không giúp được gì cho sự nghiệp của các ca sĩ đã thắng giải một cách thuyết phục như Loreen (Thụy Điển gốc Morocco), Emelie de Forest (Đan Mạch).

Nhắc tới Eurovision, người ta vẫn chỉ nhớ tới ngôi sao nhạc pop Pháp France Gall, nhóm ABBA huyền thoại, ca sĩ Ireland Johnny Logan, danh ca Céline Dion hay ban nhạc rock Phần Lan Lordi...

Giờ đây khán giả châu Âu đang chú ý đến diễn tiến của cuộc xung đột Nga - Ukraine hơn là giọng ca nào có khả năng thắng giải Eurovision 2017!

Từ Eurovision tới “Melodi Grand Prix”

Cuộc thi hát này được EBU tổ chức lần đầu năm 1956 tại Lugano, Thụy Sĩ với sự tham gia của 7 nước.

Từ một sự kiện nhằm thử nghiệm khả năng truyền thanh - truyền hình xuyên quốc gia, Eurovision nhanh chóng trở thành một công cụ kết nối các nước châu Âu, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, chủ nghĩa chính trị...

Đến giữa thập niên 1970, Eurovision mở rộng ra ngoài châu Âu với sự tham gia của Israel, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Azerbaijan. Sang thập niên 1990 có các nước Trung và Đông Âu, từ năm 2015 có thêm Úc, do vậy Eurovision còn được gọi là “Melodi Grand Prix”.

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp