Thầy giáo, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm dạy học trò đánh chiêng tre bên nhà cộng đồng buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) - Ảnh: Lĩnh Hồng |
Hai tuần nay, khoảng sân trước nhà cộng đồng buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chộn rộn bởi những tiếng Cˇing kram (chiêng tre). Dưới tán cây muồng, 20 học trò nhỏ quây quần bên thầy giáo, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm. Lớp học chiêng cho thanh thiếu niên lần đầu được tổ chức ở buôn này với kinh phí khoảng 30 triệu đồng do UBND TP Buôn Ma Thuột cấp.
Lớp chiêng trẻ Kom Leo
Tiếng chiêng còn ngắt quãng, vụng về nhưng học trò đều chăm chú theo dõi từng động tác cầm dùi đến gõ nhịp của thầy Y Hiu. Một vài học trò mới 6 tuổi nên thầy Y Hiu phải hướng dẫn tỉ mỉ cho từng em một. “Trò phải tập trung. Khi nào bạn này đánh được ba nhịp thì em mới vào nhịp đầu tiên. Hòa âm đến nhịp thứ năm thì tạm thời dừng lại” - thầy Y Hiu cầm tay em Y Thuyết Niê vừa chỉnh cách cầm chiêng, vừa dặn dò.
Dưới nền đất, thầy Y Hiu dùng phấn đánh từng con số để tạo hình cho một giàn chiêng. “Cái quan trọng của đánh chiêng chính là khả năng hòa âm và tùy thuộc vị trí từng chiêng” - thầy Y Hiu giảng giải cho học trò. Ngồi cùng các bạn, Y Hông Bkrông (10 tuổi) buồn hiu vì: “Thầy giáo bảo em chưa biết cách thẩm âm nên vẫn chưa thể đánh những tiếng chiêng có sắc thái riêng được”. Nhưng càng khó Y Hông có vẻ càng thích thú hơn bởi âm thanh độc đáo của Cˇing kram .
Học trò Y Kết Niê (17 tuổi) lại có vẻ trầm tư khi nói về người thầy đang truyền dạy cho mình. “Những lúc giải lao, thầy Y Hiu thường tâm sự rất nhiều với chúng em. Thầy bảo thầy buồn vì dần dần thanh niên mải mê nhạc trẻ mà quên đi những giá trị của buôn làng. Thầy sợ tiếng chiêng sẽ dần thưa thớt và mất đi. Em và các bạn sẽ cố gắng luyện tập để có thể nối dài tiếng chiêng truyền thống” - Y Kết chia sẻ.
Theo nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm, những buổi học đầu tiên chỉ lác đác dăm bảy em vì nhiều em chưa thích thú. Những lúc ấy phải nhờ các đoàn viên thanh niên của buôn đến từng nhà vận động từng em đến lớp. “Bây giờ thì không cần nhắc nhở nữa. Nhiều em đã bắt đầu mê chiêng của đồng bào mình nên tự giác đi học và rất hăng say luyện tập” - nghệ nhân Y Hiu nói.
Chuyện những nghệ nhân
Khoảng 4g chiều 20-7, sáu nghệ nhân ở buôn Sút H’luốt (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) lỉnh kỉnh mang theo bộ chiêng đến nhà cộng đồng để... chờ các học trò. Vài nghệ nhân còn vận trên người bộ đồ lao động bám đầy đất đỏ. Nghệ nhân Y Blơt Mlô, đội trưởng đội chiêng của buôn, cho biết thường ngày lớp học có 7 nghệ nhân và 14 học trò, học đến 7g tối vào ngày rảnh rỗi.
“Hôm nay lớp thiếu nghệ nhân Y Hỡng Êban vì đang bận làm rẫy nhưng chẳng sao đâu, lát nữa mình mời già làng Y Niêh Byă tới phụ” - nghệ nhân Y Blơt vừa nói vừa gọi các học trò vào lớp.
Điều đặc biệt, lớp học chiêng ở buôn Sút H’luốt là lớp học “ba tự”: tự phát, tự giác và tự túc chi phí. Từ một cuộc họp tiếp xúc cử tri ở xã, nghệ nhân Y Blơt đã đề xuất phải tổ chức một lớp học chiêng dành cho người trẻ để “tiếng chiêng ở buôn không bị mai một”.
Thế rồi bảy nghệ nhân đã tự giác đi dạy và đám thanh thiếu niên trong buôn cũng đăng ký đi học. So với các lớp học cồng chiêng khác, lớp học ở buôn Sút H’luốt chuyên nghiệp hơn vì ngoài bộ Cˇing kram (chiêng tre) còn có một bộ chiêng đồng gồm bảy chiếc. “Cˇing kram là cơ bản nhất nên ai cũng phải học trước, khi thuần thục rồi mới học đánh chiêng đồng, rồi đánh theo bài” - nghệ nhân Y Blơt giải thích.
Nghiêng nghiêng đầu một bên, bạn Y Yô Niê (17 tuổi) cho biết lúc nào cũng phải dỏng tai lắng nghe, vì chỉ mất tập trung một chút thôi là không thể hòa nhịp theo cả giàn chiêng. Còn Y Lai Niê (20 tuổi) cho biết từ nhỏ đến giờ mới được nghe các nghệ nhân đánh chiêng vào dịp lễ hội, nhưng còn chưa mê tiếng chiêng. “Giờ càng học càng thấy hay nhưng cũng khó lắm. Phải có khả năng thẩm âm để nhận ra từng âm điệu của mỗi người, mình mới đánh được” - Y Lai nói thêm.
Trời chập choạng tối, tiếng chiêng ở nhà cộng đồng Sút H’luốt cứ ngân vang, thu hút thêm những người già, người trẻ đi rẫy về tới nghe ngoài cửa sổ. Trong lớp, tiếng cười tiếng nói lẫn tiếng chiêng của thầy và trò vẫn đều đặn ngân vang.
Đổi đôi trâu, đôi bò lấy bộ chiêng “Buôn mình phải đổi một đôi trâu, đôi bò và một bồ thóc mới có được bộ chiêng này đấy” - già làng Y Niêh Byă (87 tuổi) của buôn Sút H’luốt nói đầy tự hào về giá trị của bộ chiêng đồng. Già bảo trước đây ngày nào ở buôn Sút H’luốt cũng rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng, giờ thì thưa vắng nên khi có lớp dạy chiêng cho lũ trẻ, ai cũng đều ưng cái bụng. |
11 lớp truyền dạy cồng chiêng trong hè Ông Bùi Văn Khối - trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đắk Lắk - cho biết trong dịp hè 2015, cơ quan này đã và đang phối hợp tổ chức 11 lớp học truyền dạy cồng chiêng cho hơn 220 thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. "Việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng nhằm giúp thanh thiếu niên hiểu và biết về cách chơi chiêng, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên cũng như những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống" - ông Khối nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận