01/04/2017 20:04 GMT+7

Ngày đầu trong quân ngũ - Kỳ 5: Cô giáo quân trường

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Xa nhà, sống trong môi trường quân ngũ, các nữ tân binh có hàng trăm thứ cần hỗ trợ, cần chia sẻ, tâm sự.

Thượng úy Lê Thị Hằng chỉ bảo tân binh ở thao trường - Ảnh: D.Phan
Thượng úy Lê Thị Hằng chỉ bảo tân binh ở thao trường - Ảnh: D.Phan

Lúc này, 3 phó trung đội trưởng vừa là cô giáo trực tiếp huấn luyện nghiêm khắc nhưng cũng vừa là người mẹ, người chị tâm lý với các bạn trẻ.

Có mặt 24/7

Đại đội bộ binh 1 huấn luyện nữ tân binh ở Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM) gồm 3 trung đội và 10 tiểu đội.

Từ đại đội trưởng đến tiểu đội trưởng đều là nam, chỉ có 3 nữ là thiếu tá chuyên nghiệp Lê Thị Thanh Thúy - phó trung đội trưởng trung đội 1, thiếu tá chuyên nghiệp Nhữ Thị Lan - phó trung đội trưởng trung đội 2, thượng úy chuyên nghiệp Lê Thị Hằng - phó trung đội trưởng trung đội 3. Các chị là người quan tâm, lo lắng, gần gũi chia sẻ với các nữ tân binh.

Những ngày ở đây, dù là giờ học chính trị hay ra thao trường đến sinh hoạt buổi tối, tôi thấy các chị đều đi cùng tân binh. Giờ học ngắm bắn ngoài thao trường, giờ giải lao, các tân bình vây lấy thượng úy Hằng.

“Cô ơi, hồi xưa cô học có như tụi em không?”. “Thì cũng như vậy. Có khi còn cực hơn các em chứ” - chị Hằng trả lời. Rồi chị hỏi thăm tân binh này quê ở đâu, tân binh kia trước học ngành gì...

Mùa huấn luyện quân trường, tân binh cực một thì các chị vất vả gấp nhiều lần. Ngày thường các chị làm những việc chuyên môn (giáo viên, quân nhu...), lịch làm việc theo giờ hành chính, sau giờ làm về nhà chăm lo cho con cái. Năm năm rồi mới lại có đợt huấn luyện nữ tân binh, các chị được điều động về đây.

“Cấp trên có tin tưởng thì mới giao nhiệm vụ cho mình. Do đó chúng tôi bảo nhau cùng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, coi các em tân binh như con cháu mình” - chị Hằng nói.

Ba tháng này, các chị cùng ăn, cùng ở, cùng ra thao trường, gắn bó với tân binh 24/7 để kịp thời hỗ trợ các bạn trẻ, xử lý các tình huống.

Chiều tối, vẫn còn nguyên đồng phục học trò tiểu học, con gái thượng úy Hằng được mẹ đón về đơn vị líu lo chào mọi người.

“Chiều muộn, sau khi các tân binh về tắm rửa, ăn cơm, tôi tranh thủ đi đón con ở trường. Chở con về nhà, tắm rửa, cho con ăn xong tôi lại vào trong này ngủ” - chị Hằng nói.

Chị Lan cũng vậy, chị kể vui: “Chồng tôi hay đùa: Người ta làm 8 tiếng/ngày đủ ăn rồi. Em làm 24 tiếng/ngày, tiền để đâu cho hết”.

Trong ba chị, chị Thúy lớn nhất, chưa lập gia đình nên chị dành trọn thời gian gắn bó với đơn vị. Năm năm trước, chị Thúy cũng đã huấn luyện một lứa tân binh nữ đi nghĩa vụ quân sự nên có nhiều kinh nghiệm.

Vất vả hơn nhưng các chị đều cho rằng: “Các em vô đây đều trình độ trung cấp trở lên, hiểu chuyện nên ngoan lắm. Cái gì không biết thì mình chỉ, chia sẻ với các em từ từ. Gắn bó rồi thấy thương, quý lúc nào không hay”.

Nghiêm khắc

23h đêm. Các phòng đều đã tắt đèn, chỉ còn ánh đèn ngoài sân vàng vọt hắt vào phòng. Phòng 218, Tâm và Trúc cũng đã ngủ. Một bóng người tiến thẳng vào giường, quát: “Sao giờ chưa ngủ?”. Đó là chị Lê Thị Thanh Thúy.

Hằng đêm, sau 21h30 - giờ đi ngủ của các tân binh, chị Thúy vòng qua các dãy hành lang. Một đêm như vậy, chị thức dậy đi kiểm tra 3, 4 lần để xem tân binh đã ngủ chưa, có giăng mùng ngủ không, có ai thức khuya không...

Đã lớn tuổi, nhiều đêm đi từ lầu 1 đến lầu 5 kiểm tra một vòng xong, chị Thúy nói mình tỉnh ngủ luôn.

“Ba tháng này giờ giấc bị đảo lộn vì phải sinh hoạt theo giờ giấc của các em: tối ngủ chập chờn để đi kiểm tra, sáng phải thức dậy trước các em nên cũng hơi vất vả. Huấn luyện tân binh mới là cực nhất. Mùa trước sau ba tháng huấn luyện cho các em xong mình lăn ra bệnh” - chị Thúy bộc bạch.

Các tân binh rất sợ thiếu tá Thúy vì chị nghiêm khắc, “hay la”. “Trúc! Tâm! Sao chưa xuống? Hôm qua mới hứa gì”, chị Thúy đứng ngoài cửa nói vọng vào khi còi thổi, hai cô gái vẫn còn loay hoay trong phòng. “Dạ tụi em xin lỗi”, cả hai vừa nói vừa cuống cuồng chạy xuống sân tập trung.

Chị Thúy quả quyết: “Đã vào trong môi trường quân đội thì tác phong phải nhanh lẹ, phải chấp hành đúng kỷ luật quân đội. Trước đây có là công chúa, tiểu thư thì vào đây cũng phải chấp hành kỷ luật. Đã làm sai đều bị la, bị phạt, công bằng như nhau”.

Có một tân binh tên H. khi mắc lỗi được chị Thúy nhắc nhưng không tiếp thu để sửa lỗi, chị Thúy “sạc cho một trận”, từ đó mọi việc vào quy củ. Dù sợ nhưng tân binh nào cũng bảo: “Cô Thúy rất thương và lo cho tụi em”.

Tâm lý như mẹ

Những ngày “đèn đỏ” của con gái, các nữ tân binh vẫn ra thao trường tập luyện bình thường. Chỉ trừ những lúc quá đau bụng, không thể đi tập được, các tân binh phải rỉ tai với các cô trung đội phó để xin nghỉ.

“Vì cô gần gũi, cũng là nữ giới nên hiểu tụi em. Nhờ vậy tụi em cũng đỡ ngại”, một tân binh kể. Tân binh này cũng cho biết hôm mình bị đau bụng con gái, không đi ăn cơm chung với đồng đội được, phải nằm trên phòng nghỉ ngơi. Dù đang giờ cơm nhưng chị Thúy lên tận phòng thăm.

Trong trường quân sự cũng có căngtin, tuy nhiên có những mặt hàng không có bán. Vậy là một tờ giấy được chuyền đi qua các phòng, ai muốn mua gì ghi vô đó. Người nhờ mua kem chống nắng, thuốc thoa tránh muỗi, người nhờ mua gói bột giặt, kem đánh răng, đồ tế nhị của con gái...

“Khi nào các cô ra ngoài, các cô sẽ cho tụi em biết, cần mua gì tụi em ghi ra rồi cô đi mua cho”, tân binh Châu Châu nói. Với trung đội 1, mỗi tuần chị Thúy đi siêu thị 2-3 lần để mua đồ giúp tân binh.

“Có cô đỡ lắm, tại bình thường tân binh đâu được ra ngoài. Quãng đường xa nhất của tụi em là đi từ chỗ ở đến nhà ăn, rồi ra thao trường thôi” - Thanh Trúc nói.

Một buổi tối, khi cả trung đội đang quây quần xắt rau, tỉa hoa, cuốn chả giò cho hội thi nấu ăn mừng 8-3 vào sáng hôm sau, đúng lúc ai cũng mệt phờ thì mấy chục ly trà sữa được đem vào. Tất cả xúm xít lại, hớn hở cầm ly trà sữa lên uống.

Tân binh Lệ Huyền mừng rỡ đón lấy ly trà sữa khổng lồ, bảo trà sữa là món khoái khẩu của mình, vào trong đây “thèm muốn chết” nhưng không mua được. Hỏi ra mới biết, chị Thúy chính là người đã đi mua cho các tân binh.

“Tôi rất nghiêm nhưng không phải lúc nào cũng cứng nhắc với các em. Ban đầu để các em làm quen rồi từ từ đưa vô khuôn khổ, rèn giũa dần. Có gần gũi, thân thiết thì các em mới rèn luyện, học tập tốt được” - chị Thúy nói.

Giờ học thì nghiêm khắc, nhưng lúc sinh hoạt, tân binh rất quý chị Thúy. Tôi vẫn nhớ hôm người nhà của tân binh Dương Thị Thu mang đồ ăn vào cho Thu gồm xôi, vịt... rủ các bạn về ăn, tân binh không quên gọi cả cô Thúy.

Lúc ấy, cô đang ngủ trưa, tân binh lấy riêng một đĩa xôi lớn đem về phòng cho cô. Buổi tối ấy, sau khi tập xong, chị Thúy gọi tất cả tân binh về phòng để cùng chia đĩa xôi đó.

“Có ít ăn ít, mỗi đứa ăn một xíu cho vui” - chị Thúy nói. Những mái đầu cô trò chụm lại ấm áp bên nhau trong đêm.

Hỏi vào quân ngũ có vất vả không? Tất cả tân binh đều gật đầu. Nhưng nếu được chọn lựa lại thì sao? Họ có một câu trả lời.

Kỳ tới: Tôi thích đi bộ đội

Gấp hạc giấy tặng cô

Ngày 8-3, các tân binh của trung đội 1 bàn nhau tặng cô giáo Thúy một món quà.

“Ban đầu, tụi em tính gom góp mua tặng cô một bộ áo dài ý nghĩa nhưng mua ở đâu bây giờ vì tân binh không được ra ngoài. Cuối cùng, tụi em quyết định gấp hạc giấy tặng cô”, tân binh Trần Huỳnh Lệ Huyền kể.

Những con hạc được xếp tỉ mẩn nhiều đêm, bên trong ghi những lời chúc dễ thương, những lời nhắn gửi tình cảm của tân binh. Sau đó, mọi người kiếm một hũ thủy tinh bỏ hạc vào và trang trí cho thật đẹp.

Nhận hạc giấy từ tân binh, chị Thúy chỉ nói được lời cảm ơn. Chị rưng rưng vì xúc động và quá bất ngờ.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp