Phóng to |
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, ở La Gi, Bình Thuận (người chống nạng) cùng đồng đội đến thăm lại nơi ông bị giam giữ từ năm 1965-1973. Phòng giam chỉ hơn 4m2 nhưng đã có lúc giam cầm tới 15 người - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Hôm nay 27-7, có một chút xôn xao khuấy động trong bình yên Côn Đảo khi hơn 600 cựu tù chính trị và mấy trăm khách khác cùng đến, cùng trang nghiêm thắp nén hương thiêng liêng, cùng nhắc nhớ về những câu chuyện nghĩa tình lao khổ trong 113 năm lịch sử nhà tù Côn Đảo.
Từ ý tưởng của nguyên Thủ tướng 10 năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng về một “ngày Côn Đảo” và đến hôm nay, “ngày Côn Đảo” được long trọng tổ chức lần thứ hai. “Nên chăng một lễ cầu siêu long trọng dành cho những người đã khuất sẽ được cử hành định kỳ hằng năm, tiếp nối từ truyền thống dân tộc như một mỹ tục mới mà chúng ta sẽ xây dựng. Ngày ấy rất có thể được chọn làm “ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước. Ngày Côn Đảo cũng là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây và cũng đánh dấu ngày mở đầu mùa du lịch Côn Đảo” - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Hôm nay không chỉ là ngày 27-7 tri ân thương binh liệt sĩ của cả nước, hôm nay còn là lễ giỗ chung (20-6 âm lịch) của những người tù chính trị đã mất tại Côn Đảo.
Ngày giỗ chung
Chiều 26-7, đền thờ Côn Đảo nhộn nhịp trong đám giỗ lớn. 22 nhóm cụm dân cư và các cơ quan ở Côn Đảo tụ họp, xôn xao trong hội thi nấu ăn. Mỗi nhóm một món, các cô, các chị cắm cúi chăm chút nêm nếm thật đậm đà, trang trí thật đẹp trước khi rón rén mang bày trên bàn thờ, thắp nén nhang thơm. Trên hành lang đền thờ, dưới bóng hồng chung, từng nhóm thanh niên quây lấy những bác, những chú cựu tù, say mê nghe kể chuyện ngày xưa. Có lịch sử đặc biệt, Côn Đảo và nhất là nghĩa trang Hàng Dương thường tổ chức những đám giỗ, nhưng hôm nay ai cũng xuýt xoa: “Lần đầu tiên làm tại đền thờ, không ngờ đám giỗ lớn thế này...”.
Không lớn sao được khi đây là đám giỗ chung của hai vạn người tù đã nằm lại Côn Đảo. Từng người cựu tù tóc bạc, chân yếu, chống nạng theo nhau đến trước bàn thờ, tỏa ra các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Đền thờ Côn Đảo nghi ngút khói hương, tiếng chuông trầm bổng, lời văn tế vấn vít: “Ngút ngàn sóng bể, đảo quê hương cô quạnh lúc xế tà/ Côn Lôn nhấp nhô, ngày hai bận theo hải triều lên xuống/ Vạn oan hồn lẩn khuất... Cái chết như lưỡi dao sắc cứa tim đồng đội, như lời nhắn gởi vững tin vào thắng lợi ngày mai/ Vĩnh viễn ra đi đem cái sống còn cho người ở lại, quằn quại đớn đau, vẫn rực lên niềm tin tưởng diệu kỳ/ Món nợ ân tình ngày càng lớn mãi, biết bao giờ đền đáp được ơn sâu/ Bởi cái chết chưa phải là đã hết, chết vì non sông vẫn sống mãi muôn đời...”. Không mấy trau chuốt, không chuẩn niêm luật nhưng là những lời tế được viết ra từ trong tim, ông Bùi Văn Toản, “hạt nhân” của lễ giỗ, đã chứng minh lòng thành của mình bằng mấy mươi năm làm việc cho Côn Đảo và vì Côn Đảo. “Rất khó khăn, rất vất vả từ việc thống nhất chủ trương, quan điểm đến tổ chức, đến kinh phí, nhưng việc phải làm vẫn cứ làm, việc phải thành vẫn cứ thành, ấy là do những thúc đẩy đã được ấp ủ từ những ngày tù ngục Côn Đảo” - ông nói như đinh đóng cột giữa hàng trăm công việc tổ chức đang vây bọc.
Trời sụp tối, gió lồng lộng và đúng như dự đoán, trời không đổ mưa. Nhóm múa của các cô cựu tù, lạ thay, vẫn duyên dáng, dẻo mềm trong điệu nhạc hùng tráng, những giọng hát tuổi 70 vẫn cao vút: “Giữa ngàn thác lũ nghiêng trời đất, nhưng cánh hoa kia vẫn ngược dòng... Lời hẹn hò rướm máu trong tim/ Lời dặn dò thắm thiết sao quên/ Dù chị đi, dù em đi xa mãi cuộc đời/ Nhưng nụ cười còn đó trên môi...” (Những cánh hoa ngược dòng - Hồng Nguyễn). Những bài hát của một thời cứ thế tiếp nối nhau. Dù thấm mệt sau những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe dài để đến được Côn Đảo, nhưng các ông cựu tù đầu bạc tuổi 70, 80 vẫn lắc đầu khi được mời ra xe về nghỉ. Ai cũng bảo: “Tuổi già nhiều bệnh thật nhưng tinh thần mạnh, lòng vui, thế là khỏe. Không sao đâu”. Đã nhiều lần cùng các ông đến Côn Đảo, hôm nay thật sự thấy ai nấy đều như trẻ ra, dù rằng trong ba tháng chuẩn bị đã có ba ông bất ngờ từ trần, phải rút tên khỏi danh sách tham dự. Lễ giỗ kết thúc đúng với phong tục của từng gia đình người Việt khi mỗi người được chia một phần lộc cúng mang về.
Phóng to |
Bà Lê Thị Hiệp (90 tuổi, ở Long An) bật khóc khi bước vào phòng giam tái hiện cảnh tù đày ở trại giam Phú Hải, Côn Đảo - Ảnh: T.THẮNG |
Niềm vui anh hùng
“Bác sĩ đây, cứu tinh của chúng tôi đây” - ông Nguyễn Nhành chợt reo to khi vừa ngẩng lên bên ngôi mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu, một trong những ngôi sao sáng Côn Đảo. Ông lao đến ôm chầm lấy một người đàn ông có điệu bộ quắc thước và nụ cười hiền lành, tay vẫy rối rít những người bạn đồng lao: “Bác sĩ Triết ở đây”. Lập tức, một vòng vây hình thành, quây tròn xung quanh. Bác sĩ Nguyễn Minh Triết mỉm cười gật đầu chào mọi người. Những ông cựu tù mới phút trước còn trầm mặc trước những ngôi mộ đồng đội, thoắt đã hớn hở cười, ai cũng giơ ngón tay chỉ vào mình rồi quay sang chỉ bác sĩ: “Tôi còn sống chính là nhờ ông ấy. Ông ấy đã cứu hàng ngàn sinh mệnh tù chính trị”.
Bác sĩ Triết cũng là một tù chính trị. Ông bị bắt năm 1968, vào tù, bị đày ra Côn Đảo, biết ông là bác sĩ, giám thị trại lập tức đưa ông lên phục vụ ở trạm xá. Chính nơi đây, những người tù tả tơi sau một trận tra tấn, suy kiệt sau một đợt tuyệt thực... đã được ông cấp cứu, cho thuốc, truyền dịch, tìm mọi cách giữ lại trạm xá để chăm sóc. Bốn năm ở Côn Đảo, hàng chục người phải cấp cứu mỗi ngày, bằng tấm lòng đồng đội, ông đã làm được nhiều việc hơn cả một đời bác sĩ. Ông Nguyễn Nhành, ông Mai Hồng cùng đồng thanh nói: “Ông ấy xứng đáng là anh hùng”. Bác sĩ Triết mỉm cười xua tay: “Không, chỉ là nghề nghiệp của tôi thôi. Các anh mới đáng anh hùng”.
Đây là lần đầu bác sĩ Triết trở lại Côn Đảo cùng một tập thể cựu tù chính trị lớn thế này, những lần trước ông chỉ đi với gia đình. Câu chuyện rộn ràng bất ngờ ở Hàng Dương quanh ông hôm nay mang một niềm tự hào thật đặc biệt: hôm nay, tất cả họ đều đã trở thành anh hùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang được tặng cho tập thể tù chính trị Côn Đảo giai đoạn chống Mỹ.
Mỗi cựu tù chính trị đều từng quá quen thuộc với xà lim, ngục tối, chuồng cọp ở Côn Đảo, từng nhiều lần kể đi kể lại những câu chuyện thử thách ý chí và sức chịu đựng, những cuộc tấn công vào tinh thần lẫn bản năng con người, nhưng trong câu chuyện hôm nay có thể nghe rõ niềm vui, niềm tự hào lấp lánh trong từng câu nói, từng tiếng cười, từng giọt nước mắt. Bà Nguyễn Thị Lựu (Tuy Phước, Bình Định) dẫn tay người bạn đi qua khu nhà trừng giới, chỉ vào những xà lim nhỏ hẹp với cánh cửa sắt đầy đe dọa của trại Phú Hải (trại 2): “Tôi đã ở đây bốn năm, phòng tôi có năm chị mất vì suy kiệt”, rồi bà bỗng hát: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí”. Nhìn đội tiêu binh rước cờ, danh hiệu Anh hùng lên sân khấu, nhiều người lại rơi nước mắt, lại nhìn vào những hàng mộ trong nghĩa trang Hàng Dương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận