11/05/2023 11:37 GMT+7

Ngày càng nhiều cặp vợ chồng khó có con thứ 2, vì sao?

Sinh con đầu lòng thuận lợi, nhiều cặp vợ chồng nghĩ sức khỏe sinh sản tốt, dễ dàng có con tiếp theo. Nhưng họ chờ mãi không thấy tin vui...

Ngày càng nhiều cặp vợ chồng khó có con thứ 2, vì sao? - Ảnh 1.

Những cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Thực tế đã có nhiều gia đình có con thứ nhất nhưng không thể hoặc rất khó khăn mới có được đứa con thứ 2, 3.

Theo Bộ Y tế, có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh/hiếm muộn, tỉ lệ vô sinh thứ phát đang có xu hướng gia tăng sau mỗi năm. 

"Thả" 3 năm vẫn chưa có con thứ 2

Chị P.T.T. 33 tuổi, còn chồng 37 tuổi, đã có con trai hơn 3 tuổi, nhưng lạ là từ sau khi sinh tới giờ chị không dùng biện pháp tránh thai nhưng vẫn chưa thấy cấn bầu, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, sức khỏe không có bất thường. Chị đi khám ở bệnh viện địa phương, được bác sĩ thông báo bị tắc vòi trứng, dẫn đến vô sinh thứ phát.

Theo định nghĩa y khoa, vô sinh thứ phát là tình trạng các đôi vợ chồng đã từng sinh con (hay mang thai, kể cả các lần sẩy thai) muốn tiếp tục sinh con nhưng không thể được.

Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết số cặp vợ chồng đến khoa thăm khám, điều trị vì hiếm muộn ngày càng tăng, trong đó có vô sinh thứ phát. Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh thứ phát, xuất phát từ phía người vợ hoặc phía người chồng, hoặc cả hai.

Bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản trung ương) - cũng chia sẻ trong quá trình thăm khám, ông gặp nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh thứ phát, con số này ngày càng tăng theo thời gian.

Trường hợp phổ biến nhất là các cặp vợ chồng có đứa con đầu rất thuận lợi vào thời điểm trước hoặc sau khi cưới. Sau đó họ tránh thai trong thời gian kéo dài từ 3 - 7 năm mới "thả" lại. Lúc này, dù không dùng biện pháp tránh thai nào khi quan hệ tình dục nhưng 1-2 năm vẫn chưa có con.

"Rất nhiều cặp vợ chồng băn khoăn sao lần đầu có con nhanh như thế, 'thả' là có thai ngay nên nghĩ những lần tiếp theo cũng thế thôi. Đến lúc muốn sinh con nữa thì 1-2 năm không có thai trở lại", bác sĩ Thành nói.

Vợ tắc vòi trứng, chồng tinh trùng yếu...

Bác sĩ Thành nêu nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát là người vợ bị tắc vòi trứng. Phần lớn vòi trứng người phụ nữ vào thời điểm trước và ngay sau cưới là bình thường, hiếm khi bị tắc nên dễ có con.

Khi quan hệ tình dục trong thời gian dài với các biện pháp tránh thai như đặt vòng sẽ làm tăng nguy cơ tắc vòi trứng. Không những thế, nữ giới còn mắc các bệnh viêm phụ khoa... Một số vi khuẩn có hại phát triển cũng có thể làm tắc vòi trứng.

Với người chồng, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ ở nam giới cho thấy tinh trùng ngày càng kém do nhiều nguyên nhân, đặc biệt ở người sau lấy vợ.

Thực tế hiện nay có nhiều nam giới tăng từ 5-15kg sau kết hôn. Ngoài rượu bia, thuốc lá thì béo phì, tăng cân, đặc biệt là béo bụng là "kẻ thù" của sức khỏe sinh sản. Ở những người chồng tuổi từ 35-40 đã sụt giảm hormone nam testosterone tương đối, kéo theo rối loạn cương dương, tinh trùng bất thường...

Còn theo bác sĩ Minh Châu, áp lực cuộc sống hiện đại, công việc bận rộn, uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá đã làm chất lượng tinh trùng ở nam giới giảm đi. 

Ở nữ giới, khi ưu tiên sự nghiệp nên không muốn lập gia đình sớm, hoặc đã lập gia đình và có con nhưng chưa muốn có con tiếp theo. Đến lúc mong muốn có thêm con thì người vợ đã quá độ tuổi sinh đẻ tốt nhất, chất lượng tinh trùng của người chồng cũng giảm đi khiến việc có con đứa kế tiếp trở nên khó khăn.

Tùy mức độ vô sinh thứ phát ở các cặp vợ chồng mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Chẳng hạn vô sinh thứ phát do tinh trùng người chồng yếu thì có thể áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hay thụ tinh trong ống nghiệm.

Không nên trì hoãn sinh đẻ

Đây là khuyến cáo của các bác sĩ phụ sản. Bác sĩ Thành cảnh báo nếu các cặp vợ chồng trì hoãn sinh đẻ trong thời gian dài, rồi sinh hoạt tình dục không an toàn, hay mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thì người vợ có thể bị tắc vòi trứng về sau.

Với trường hợp trì hoãn sinh đẻ vài năm nhưng vẫn tránh thai an toàn, không mắc các bệnh tình dục thì không quá lo lắng. Đặc biệt đảm bảo tránh thai an toàn là vô cùng quan trọng. Định kỳ đi khám phụ khoa 6 tháng/lần và sàng lọc thường xuyên các vi khuẩn gây viêm nhiễm đường âm đạo.

Để hạn chế tối đa tình trạng vô sinh thứ phát, bác sĩ Châu lưu ý các cặp vợ chồng, ngoài việc cân nhắc về tuổi người mẹ để có thai, không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con. Thời gian lý tưởng, hợp lý nhất sinh hai con cách 3 - 5 năm và tốt nhất trước 35 tuổi.

Trường hợp muốn có thai, nếu sau một năm không sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào mà không có thai, cả hai vợ chồng nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra sớm.

Vi khuẩn gây tắc vòi trứng tiềm tàng

Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết thêm, qua thăm khám những trường hợp vô sinh thứ phát ở người vợ lại không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào, bệnh nhân cũng cho hay sức khỏe tốt, khi xét nghiệm lại phát hiện nhiều loại vi khuẩn dễ gây tổn thương buồng trứng hoặc các loại vi khuẩn gây viêm đường sinh dục.

Đặc điểm chung ở những bệnh nhân này là không có triệu chứng. Theo thống kê có 50-60% các trường hợp phụ nữ bị viêm đường sinh dục không có triệu chứng, bác sĩ và người bệnh chỉ dừng lại khám thông thường, không nghĩ đến nguyên nhân có thể gây hiếm muộn.

Đề xuất giảm toàn bộ viện phí khi sinh con thứ 2Đề xuất giảm toàn bộ viện phí khi sinh con thứ 2

TTO - Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, chi cục phó chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, đề xuất tại hội thảo "Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp" tổ chức sáng 26-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp