Trưa 6-1, công nhân thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng chuẩn bị cho ngày khánh thành đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Tại cuộc họp báo sáng 6-1 công bố thông tin về lễ khánh thành đường sách, đại diện Công ty TNHH tư vấn thiết kế kiến trúc và cảnh quan Thủy Anh (TA) - đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, thi công đường sách - cho biết đường Nguyễn Văn Bình nằm trong không gian của nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM và UBND Q.1 với những mảng màu và kiểu thức kiến trúc xưa.
Nay thực hiện đường sách TP.HCM tại đây, TA chọn tông màu chuyển tiếp giữa xưa và nay, kiểu dáng gian hàng và cách bố cục các không gian trong đường sách cũng được chú ý để mang dáng dấp hiện đại và thể hiện sức trẻ của TP.
Đường sách được đánh dấu hai đầu (phía đường Hai Bà Trưng và phía nhà thờ Đức Bà) bằng hai bức tượng điêu khắc Cô gái bên trang sách và Suy ngẫm - hai tác phẩm được tuyển chọn từ Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM vừa rồi.
Toàn bộ khu vực 20 gian hàng sách nằm trên lề đường sau lưng UBND Q.1, phía lề đường đối diện (bên hông Bưu điện TP) là không gian cà phê sách. Đường sách còn có ba kiôt ở lề đường mé trước Bưu điện TP, bày bán sách, báo, tạp chí, vật phẩm văn hóa...
Ngay khi cắt băng khánh thành đường sách vào chiều 9-1, nơi đây đồng thời cũng khai mạc hoạt động đầu tiên là triển lãm chuyên đề Văn thơ kháng chiến do Nhã Nam đăng ký, kéo dài đến ngày 17-1. Công chúng sẽ có dịp nhìn lại những ấn phẩm sách, báo từ thời chiến tranh, in ở chiến khu và in ở vùng tạm chiếm.
Một số tư liệu quý hiếm cũng xuất hiện đợt này như bản thảo tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu có bút tích sửa chữa, thủ bút của Tố Hữu; thơ vè kinh nghiệm chiến đấu của trung tướng Vương Thừa Vũ...
Tiếp theo là triển lãm báo, tạp chí xuân cả xưa và nay với chủ đề Mừng xuân mừng Đảng mừng đất nước nở hoa (từ ngày 18 đến 30-1), gồm các giai phẩm xuân trước và sau năm 1975, do Thư viện Khoa học tổng hợp và Hội Nhà báo TP.HCM thực hiện.
Các hoạt động của cụm tư nhân tại đường sách cũng dự kiến sẽ rất sinh động. Ngoài các phiên chợ sách cũ của Nhã Nam và các nhà sưu tập, các thương hiệu sách trên mạng, công chúng còn có dịp đến với hàng loạt cuộc giao lưu thú vị: giao lưu với hai nhà văn Nguyễn Danh Lam và Trần Nhã Thụy vừa có tiểu thuyết đoạt giải năm 2015 (ngày 11-1); giao lưu với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xoay quanh các đầu sách của ông và câu chuyện đạo - đời của một người từng trải (12-1); talkshow đạo diễn Lê Hoàng bàn về chuyện dạy sử và học sử do Phương Nam Books tổ chức (13-1); tác giả Đàm Hà Phú từ Đồng Nai sẽ đến đường sách để giao lưu tặng chữ ký cho quyển sách của anh - Sài Gòn bao nhớ (16-1); Phương Nam Books sẽ tổ chức buổi giao lưu với nhóm tác giả viết về Sài Gòn gồm Phạm Công Luận, Trọng Lee, Anh Khang (19-1); nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sẽ có buổi nói chuyện, giao lưu chủ đề Những chấn thương tâm lý hiện đại (23-1)...
Gần 10 tỉ đồng bước đầu để “sắm” một con đường sách Sắm chỉ là cách ví von, bởi giá trị thực tế của công trình đường sách TP.HCM chưa thể đo đếm được. Đến nay, danh sách các đơn vị sẽ hiện diện tại đường sách đã có ít thay đổi so với danh sách công bố ngày 13-11-2015, gồm các nhà xuất bản: Tổng Hợp TP.HCM, Văn Hóa Văn Nghệ, Trẻ, Kim Đồng, Giáo Dục; các công ty sách: Nhã Nam, Phương Nam, Thái Hà, First News Trí Việt, Đông A, Xunhasaba, Trường Phát, Alphabooks; Đại học Hoa Sen; Công ty truyền thông Le Bros; các cơ quan tổ chức: Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, Bưu điện TP.HCM, các câu lạc bộ; và các nhà sưu tập sách báo. Ông Lê Hoàng, phó trưởng ban điều hành đường sách, cho biết các đơn vị tham gia gian hàng tại đường sách đã cùng góp vốn thực hiện công trình với hơn 9,4 tỉ đồng. Khi đường sách đi vào hoạt động, mỗi gian hàng hằng tháng phải đóng một khoản phí ở hai mức 10 triệu đồng và 7,5 triệu đồng tùy theo diện tích gian hàng lớn hay nhỏ. Số tiền phí này nhằm để phục vụ vận hành đường sách như bảo vệ, vệ sinh, duy tu bảo dưỡng các hạng mục... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận