ĐI CHỢ NGHÈO
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Trang
Thời đó gia đình tôi đón Tết đơn giản lắm, nhưng vị Tết ngày xưa ấy đậm đà lắm. Đậm đến nỗi đã mấy chục năm rồi mà mùi nó vẫn chưa phai, giờ nhắc lại, sao tôi vẫn nghe thấy có gì đó rộn ràng trong tim, cay cay trong mắt, nồng nồng lên sống mũi.
Và tôi lại nhớ những ngày 30 Tết khi theo Ba đi chợ nhà nghèo.
Lâu, thật lâu lắm rồi. Năm nay thêm một cái Tết nữa, một cái Tết tôi không có Ba, nhưng những ký ức ngày xưa được cùng Ba đi chợ Tết, rồi cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét chờ đón giao thừa vẫn như sống lại từng giây, từng phút, ngỡ như mới đây thôi, nhưng đã mãi xa rồi.
Người ta nói chợ chiều 30 Tết là chợ nhà nghèo, bởi những gia đình khá giả đều đã mua sắm đầy đủ mọi thứ từ trước đó. Chỉ có những gia đình nghèo, quanh năm làm lụng vất vả để đến khi xong việc cũng là lúc chuẩn bị đón giao thừa.
Chiều 30, sau khi gom góp được ít tiền, sau khi đã trả được hết, hoặc một phần nợ nần trong năm, họ mới cầm ít tiền dành dụm còn lại ra chợ, sắm sửa vài thứ cần thiết để đón Tết cho bằng họ bằng hàng.
Đi chợ nhà nghèo cũng có cái thú của nó. Có khi phải chấp nhận mua với giá cao gấp mấy lần giá trị thật của món hàng, nhưng cũng có khi mua được nhiều thứ tốt với giá rất hời. Nhà tôi cũng vậy, dù ngoài kia phố xá có tấp nập, nhộn nhịp cả tuần trước đó, thì chiều 30 tôi mới thấy Tết về với nhà mình.
Ngày đó, Mạ tôi gánh gạo bán rong khắp xóm, khắp làng, còn Ba tôi thì chạy xe Lam (Lambretta) chở khách đi lại giữa An Cựu, thành phố Huế và Truồi, huyện Phú Lộc.
Những ngày giáp Tết, người ta mua gạo, mua nếp nhiều hơn nên Mạ cũng vất vả hơn, bán hàng xong còn phải đi thu nợ, rồi đi chợ mua đồ về nấu cơm cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Còn Ba chạy xe Lam chở khách cũng được nhiều chuyến hơn.
Ba Mạ tuy vất vả nhưng chắc cũng mừng vì kiếm thêm được ít tiền, nhưng chúng tôi có biết đâu, chỉ biết buồn thôi, vì phải đến cuối ngày 30 Tết, Ba Mạ mới có thời gian chuẩn bị Tết cho nhà mình...
Thời đó, mỗi năm chỉ đợi đến Tết mới được đi mua áo quần, mà chúng tôi cũng chỉ cần có đồ mới thôi chứ chẳng có khái niệm thời trang là gì. Chọn áo quần thì phải hơi rộng một chút để năm sau khi cao lớn hơn, to con hơn vẫn còn mặc được.
Đứa 6 tuổi thì phải chọn mua áo quần dành cho 7, 8 tuổi để “trừ hao” khi lớn lên. Rồi dép cũng phải là một đôi dép lê loại nhựa dẻo để bền hơn, lâu đứt hơn, và nếu có bị đứt quai thì nhựa dẻo vẫn có thể dán lại được...
Ngày 30 Tết năm nay, tôi lại đi “chợ nhà nghèo”. Không biết người ta còn nghĩ chợ 30 Tết là chợ nhà nghèo nữa hay không, bởi tôi thấy nhiều tầng lớp người tấp nập vào ra phiên chợ cuối cùng này của năm cũ.
Giàu, hay nghèo, tôi không quan tâm nữa, vì vật chất không thể mua được những ký ức vô giá của không khí Tết ngày xưa cùng Ba. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng tôi vẫn thích đi chợ chiều 30. Bởi khi hòa vào dòng người hối hả, tôi sung sướng được sống lại trọn từng khoảnh khắc khi còn nhỏ, được Ba đưa “đi phố” trong phiên “chợ nhà nghèo”.
GIỎ BÔNG CHIỀU 30 TẾT
Tác giả: Lã Hoài Tuấn
Chừng ngày đưa ông Táo là má nhắc: - Đi mua mấy giỏ bông về chưng Tết đi con. Tui gạt đi: - Thôi! Để gần 30 mua cho rẻ, má.
Sáng 30 Tết, thong thả, ngồi đọc báo thấy nhiều nơi bán bông còn tồn nhiều. Gần trưa tui đạp xe ra. Cũng tò mò đi xem xem chứ cũng chẳng muốn mua gì nữa.
Sau một hồi chọn được một cặp cúc mâm xôi, tui hỏi giá. Đúng là giá chỉ còn 1/2. Tui trả giá thêm 1/2 nữa. Ông già lắc nguầy nguậy cái đầu bù xù lốm đốm bạc: "Không được đâu. Bán vậy lỗ lắm cháu ơi".
Tui đánh một đòn quyết định: "Phải giá đó cháu mới mua. Bác không bán vài tiếng nữa bác cũng phải mang đổ bỏ hà". Ông già quắc mắt nhìn sau hai chữ "đổ bỏ" làm tui hơi chột dạ. Nhưng vì yên tâm đang nắm đằng chuôi trong cuộc thương lượng này nên tui không sợ.
Cuối cùng tui cũng hí hửng vác cặp bông ra về với giá chỉ còn 1/4. Đó là câu chuyện của hắn năm 18-19 tuổi.
... Nhiều năm qua đi, thằng thanh niên háu đá hồi xưa đã trưởng thành, đi nhiều nơi, gặp nhiều người và hiểu biết nhiều hơn. Hắn biết người nông dân trồng bông đã vất vả với mấy ngàn giỏ bông cả mấy tháng trước ngày mang lên Sài Gòn bán.
Các gia đình thành thị chỉ mua chơi mấy ngày Tết rồi bỏ. Nhà vườn tưới tắm, bón phân, nhổ cỏ, vạch từng cái lá tìm rầy. Những người thành phố chẳng biết gì về chăm sóc cây cỏ. Người trồng bông mất ăn, mất ngủ khi ông trời thất thường đột nhiên oi bức hay đổ mưa trái mùa.
Họ chăm sóc bông như con, vui mừng nhìn từng giỏ bung nở rạng rỡ. Họ khấp khởi chất bông lên xe tải cùng cả nhà lên thành phố, chịu khó ăn bờ ngủ bụi 10-15 ngày để mong đợi có khoản tiền đủ về quê trang trải nợ tiền giống, tiền giỏ, đất, phân bón và dư chút đỉnh ăn Tết như người ta.
Họ dường như đang bồng bềnh chìm nổi trên dòng sông may rủi được quyết định bởi bản chất cái nghề nông, bởi đất trời và bởi lòng người sống nơi đô thị nông sâu khó lường.
Tối nay 24 Tết rồi, cả nhà ăn tối, vợ chồng hắn bàn mua bông sớm, đừng chờ đến 30 tội nghiệp người trồng bông...
Hắn đột nhiên nhớ lại câu chuyện mua bông chiều 30 hồi xưa đó. Đã hơn 20 năm, hắn vẫn không quên được ánh mắt ông già bán bông ngước lên nhìn hắn khi đó. Hắn đã hiểu ánh mắt quắc lên nhìn gã ngày ấy không phải thể hiện giận dữ.
Nó như là ánh mắt của con hươu cùng đường, nhận mũi tên chí mạng từ tay thợ săn. Hai chữ "đổ bỏ" được ông già đen sạm vì sương gió ấy phải chấp nhận nhưng thảng thốt và đau đớn.
Nhiều năm qua, hắn không còn đi mua bông chiều 30 nữa. Cũng chẳng còn hào hứng khi trả giá bông nữa. Hắn hiểu rằng những điều "khôn lỏi, ranh vặt" chỉ mang lại niềm vui chốc lát cho riêng hắn nhưng có thể gây ra nỗi buồn của nhiều người trong cả năm sau đó.
Hắn tự ngộ ra cái từ "lương tâm". Lương tâm như người bạn của mình. Mình không quan tâm, chăm sóc nó thì một ngày kia lương tâm cũng bỏ mình đi.
Nhiều năm nay, hắn đi mua bông sớm không cần chờ nhắc. Hắn hy vọng người bán bông không phải đập bỏ từng giỏ bông họ một nắng hai sương chăm sóc vào chiều 30 nữa. Hắn hy vọng người bán bông được về nhà sớm trước ngày cuối năm.
Hắn hy vọng họ cũng có niềm vui đêm giao thừa mà đón Tết như hắn và tất cả mọi người. Thời khắc chuyển sang năm mới ấy thiêng liêng với hắn, với những nông dân trồng bông và với mọi người dân nước Việt dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ai cũng có quyền được sống hạnh phúc, mạnh khỏe và thịnh vượng.
Hắn hy vọng vậy!
MONG ƯỚC LẠI ĐƯỢC THÒM THÈM GẶM XƯƠNG GÀ
Tác giả: Chí An
Những ngày Tết đang cận kề. Nhiều người bạn xa quê của tôi nói sẽ không về. Phần vì thời gian chật hẹp, phần vì Tết, theo họ phải chi tiêu nhiều khoản, mà điều kiện kinh tế lại khó khăn.
Tôi cũng xa quê, nhưng may mắn, không quá xa như những người bạn của tôi.
Thế nên, chẳng năm nào tôi không được đoàn tụ với gia đình 3 ngày đầu xuân. Nhưng nghĩ, nếu ở xa, túng thiếu, tôi vẫn sẽ đoàn viên với gia đình những ngày đầu năm mới. Bởi thời gian trôi đi, sẽ gói gọn như một kho tàng tuyệt mật. Chẳng thể mở ra để thưởng thức thêm một lần.
Nhà tôi có 8 chị em, bố mẹ là 10, thêm bà nội tuổi 90. Khoảng 15 năm trước, khi các chị tôi vẫn chưa đi lấy chồng. Tết rộn ràng đến khó tả. Rộn ràng vì giây phút chờ đợi năm cũ nhích dần, những chị em ở Sài Gòn, Hà Nội, Hà Giang sẽ lần lượt trở về.
Rộn ràng, vì được thưởng thức những món ngon như thịt gà, thịt lợn, giò, nem, chả,... và thỏa thuê bánh kẹo - những thứ hiếm hoi có trong bữa cơm mỗi ngày của một gia đình đông con...
Đôi khi, người ta cứ mải chạy theo những lo toan của cuộc sống mà quên mất những điều giản dị sẽ kiến tạo nên hạnh phúc.
Cho đến khi, ta đánh mất những điều đang có và chẳng bao giờ có thể tìm lại. Giao thừa năm nay, tôi lại ước được sống trong không khí giao thừa của 15 năm về trước.
Lúc đó, chị em tôi dù chén xong món thịt gà vẫn thòm thèm, nhưng em gái tôi khỏe mạnh...
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi ' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected].Thông tin bạn đọc, số tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận