20/11/2014 13:44 GMT+7

Ngày 20-11 của thầy ngoại

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Rất nhiều quốc gia không có ngày tôn vinh các thầy cô giáo. Cho nên Ngày nhà giáo VN đem đến nhiều bất ngờ cho hầu hết các giáo viên người nước ngoài đang giảng dạy ở đây.

Cô Cherry Sriratanaviriyakul (Thái Lan) và các học trò Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Và cũng như các thầy cô giáo Việt, tình cảm học trò Việt và những món quà nhỏ của các em luôn để lại một dấu ấn khó quên trong lòng những giáo viên nước ngoài.

Những món quà bất ngờ

Thầy giáo người Anh Chris Roll vẫn còn nhớ như in các bất ngờ nho nhỏ từ học sinh VN dành cho mình nhân Ngày nhà giáo VN cách đây năm năm khi ông vừa mới dạy ở ILA được khoảng sáu tuần.

“Vào ngày 20-11 năm đó, học sinh và phụ huynh tràn vào lớp tặng quà cho tôi khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm thấy hạnh phúc và có chút bối rối trước tình cảm của các em dành cho mình”, ông bồi hồi nhớ lại.

Cuối ngày 20-11 năm đó, balô của ông đầy ắp những món quà và thiệp chúc mừng của học sinh.

Theo thầy Chris, ở Anh không có ngày nhà giáo nhưng nếu sinh viên yêu mến giáo viên của mình, họ có thể tặng quà, sôcôla và thiệp vào dịp Giáng sinh. Cuối năm học, phụ huynh thường gửi lời cảm ơn đến những thầy cô giáo đã dạy dỗ con em họ.

Trong khi đó thầy Carey Thomas Campbell vẫn luôn nhớ món quà đặc biệt của một phụ huynh tặng ông nhân dịp Ngày nhà giáo VN cách đây vài năm. Đó là một bức tranh thêu do mẹ một học trò của ông tự tay làm khiến ông vô cùng xúc động.

“Mua một món quà thì rất dễ nhưng khi ai đó tự tay làm thì món quà ấy rất đặc biệt. Bức tranh thêu rất đẹp và tôi đang trưng bày trong nhà mình”, thầy Carey khoe.

Thầy Carey cho biết ông rất thích Ngày nhà giáo VN sau khi biết rằng đây là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, nhằm khẳng định giá trị và tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục.

Còn thầy Timothy Connell (người Úc), giáo viên giáo dục thể chất ở Trường Quốc tế Mỹ, kể thầy thường nhận các tấm thiệp thủ công do học trò tặng nhân dịp 20-11, khiến thầy vô cùng xúc động cũng như tự hào về nghề nghiệp mình đã chọn.

Thầy Timothy khoe với người viết một món quà dễ thương do các học trò tự tay làm tặng, mặt trước là những hình vẽ ngộ nghĩnh và mặt sau gồm chữ ký và những dòng chữ cảm ơn của học trò.

Cô giáo người Thái Lan Cherry, giảng viên ở Trường ĐH quốc tế RMIT, cho biết mỗi năm hội sinh viên trường thường tổ chức ngày 20-11 để tri ân thầy cô giáo. Những giáo viên như cô được tặng hoa, quà và những dòng cảm ơn từ sinh viên.

Theo cô Cherry, ở Thái Lan cũng có một ngày dành cho nhà giáo nhưng chủ yếu mang màu sắc tôn giáo, không như ở VN ngày 20-11 được tổ chức như ngày hội.

Anna Lyza Felipe (người Philippines), đồng nghiệp của Cherry, chia sẻ cô luôn bất ngờ mỗi khi sinh viên ở trường bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm đối với thầy cô giáo nhân dịp 20-11.

“Cảm giác đó thật ấm áp đến khó tả. Ở đất nước tôi không có Ngày nhà giáo”, Anna nói.

Thầy Chris Roll và một cậu học trò Việt Ảnh nhân vật cung cấp

Tình thầy trò khăng khít

Thầy Timothy Connell khẳng định thầy dễ thân quen với học trò VN hơn là các học sinh ở quê nhà. Theo thầy Timothy, học sinh ở Úc nghịch phá hầu như mỗi ngày và mỗi lần như vậy thầy phải nói chuyện với các em, cả khuyên nhủ lẫn răn đe. Nhưng thầy Timothy nói ở VN, sau bảy năm dạy giảng dạy, số học sinh cá biệt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Các học sinh VN rất vui và thân thiện khi tiếp chuyện với tôi và luôn tôn trọng thầy cô - thầy Timothy nhận xét - Các em rất ham thích học, tìm hiểu và đó là lý do tại sao tôi dạy học ở VN trong thời gian dài. Nếu quay trở lại Úc, tôi không nghĩ mình muốn trở thành nhà giáo nữa bởi công việc dạy học ở Úc rất mệt mỏi”.

Với các thầy cô giáo, dù là người Việt hay người nước ngoài thì kết quả học tập tốt, sự trưởng thành của học sinh bao giờ cũng là món quà ý nghĩa nhất.

Cô Lindsay Erdman (người Canada), giáo viên mỹ thuật và thiết kế đồ họa tại Trường Quốc tế Mỹ, cho biết ngày 20-11 cô luôn nhận được những dòng chữ cảm ơn và tri ân từ học trò người Việt, đặc biệt là những trò cũ.

Theo cô Lindsay, nhiều học sinh vẫn còn liên lạc với cô sau khi tốt nghiệp. Các học trò gửi lời cảm ơn cô vì đã truyền đạt những kiến thức và kỹ năng giúp họ cảm thấy tự tin hơn ở trường đại học.

“Những dòng chữ ấm áp này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc với nghề dạy, công việc mà tôi rất yêu thích. Tôi cũng rất vui khi mình có thể đem đến sự khác biệt cho cuộc đời của ai đó”, cô Lindsay bộc bạch.

Thầy Tim Scott Thompson, hiệu phó Trường Quốc tế Mỹ, nhận xét các học sinh VN rất ngoan và vâng lời hơn những học trò ông từng dạy ở Mỹ. “Khi tôi còn là giáo viên tiểu học ở Mỹ, tôi thường không được tôn trọng. Thỉnh thoảng học sinh nói ra những điều kinh khủng với tôi, chẳng hạn như nói dối những hành vi không thể chấp nhận khác”, thầy Tim cho biết.

Trong khoảng 10 năm dạy học ở VN, thầy Tim có rất nhiều học trò người Việt, và ông cũng thường giữ liên lạc với nhiều người trong số đó. Thầy Tim kể ông ấn tượng nhất với một cô học trò khi đang làm giáo viên tiểu học ở Trường Quốc tế Mỹ.

Năm 2009, một cô bé được cha mẹ dẫn đến Trường Quốc tế Mỹ để đăng ký học lớp 2 dù không biết một chữ tiếng Anh. Lúc đó thầy Tim lo lắng không biết cô bé có thể theo kịp bạn bè trong lớp không. Vì đây là cô học trò đặc biệt nên thầy Tim dành nhiều thời gian chỉ dạy và động viên cô bé.

Đến cuối năm học đó, cô bé bắt đầu lấy lại căn bản môn tiếng Anh và ngày càng tiến bộ trong học tập. Thầy Tim khoe cô bé đã giành giải thưởng nhất khối lớp 5 vào năm 2012. Hiện cô bé đang học lớp 7 tại Trường Quốc tế Mỹ và có thể nói tiếng Anh như người bản xứ.

“Điều tôi cảm thấy thỏa mãn nhất trong nghề giáo là chứng kiến các học sinh mình dạy thành công, không những tiếng Anh mà còn cả các bộ môn khác”, thầy Tim đúc kết.

Giáo viên nước ngoài tăng mỗi năm

 

Theo số liệu do Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cung cấp, trong bốn năm từ 2011-2014 có tổng cộng 4.146 giáo viên đến từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp giấy phép lao động làm việc tại TP.HCM. Trong số đó, giáo viên quốc tịch Anh chiếm số lượng lớn nhất với 1.197 người, kế đến là Mỹ và Úc lần lượt là 1.163 và 353 người.

Số liệu giáo viên nước ngoài đến TP.HCM giảng dạy tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011 chỉ có 671 giáo viên nước ngoài được cấp giấy phép lao động, thì con số năm 2012, 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 lần lượt là 810, 1.160 và 1.505 giáo viên.

Thông tin tuyển dụng giáo viên người nước ngoài của nhiều trường học và trung tâm Anh ngữ uy tín tại VN quy định các ứng viên phải là người bản ngữ của nước dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, có bằng đại học, chứng nhận TESOL (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho những người không phải bản ngữ), CELTA (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người lớn) hoặc tương đương. Lý lịch trong sạch và thâm niên kinh nghiệm giảng dạy cũng là những yêu cầu hàng đầu.

Trong khi đó, các trường quốc tế hoặc ĐH quốc tế ưu tiên các giảng viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Họ được sàng lọc và tuyển chọn qua nhiều vòng phỏng vấn theo quy định của từng trường.

____________

Kỳ tới: Chúng tôi không dạy vì thành tích

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp