Đến trường với nhiều trăn trở
"Tôi luôn trăn trở câu chuyện bạo lực trong trường học ngày một tăng. Điều này rất đáng buồn", thạc sĩ Nguyễn Hoài Linh - giáo viên ngữ văn Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) - chia sẻ.
Theo thầy Hoài Linh, để hạn chế việc này, mỗi thầy cô giáo cần xây dựng môi trường học tập an toàn, văn minh và nghĩa tình. "Giúp học sinh xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn bè và thầy cô, cho các bạn tham gia hoạt động thiện nguyện để giáo dục lòng yêu thương", thầy Linh nêu giải pháp.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Ba - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) - cho rằng chỉ có thể giải quyết nỗi nhức nhối trên khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
"Giáo viên cùng phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe và hiểu rõ các vấn đề mà học sinh đang đối mặt, tạo sự gần gũi và tin tưởng vì những điều này sẽ giúp nhận biết sớm các dấu hiệu của bạo lực, từ đó giải quyết mâu thuẫn ở giai đoạn đầu.
Trường học cũng cần xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng sống, tâm lý để học sinh có khả năng nhận diện, quản lý cảm xúc và xử lý mâu thuẫn một cách lành mạnh", thầy Ba nhận định.
Trong khi đó, tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc - chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TP.HCM - nói nỗi trăn trở lại nằm ở câu chuyện khác.
Theo thầy Lộc, kinh tế Việt Nam những năm qua nằm trong tốp các quốc gia tăng trưởng hàng đầu, Nhà nước cũng có nhiều chính sách cấp tiến và người học hiện có nhiều lựa chọn hơn các mô hình giáo dục chất lượng tốt để theo đuổi.
Tuy nhiên, mô hình giáo dục tư, quốc tế, liên kết… ngày càng phổ biến, nên không ít gia đình, người học hiện xem mình là khách hàng của trường. Điều này vô tình làm cho một số giá trị tốt đẹp trong tôn sư trọng đạo dần bị mai một.
"Tôi mong mọi người cùng suy nghĩ về điều này bởi nếu coi người thầy là thợ dạy, bức tranh giáo dục sẽ bị ảnh hưởng", tiến sĩ Lộc bày tỏ.
Thầy cô cũng không ngừng học
Chia sẻ về những lát cắt giáo dục được quan tâm nhiều thời gian qua như tỉ lệ lao động trẻ thất nghiệp cao, kỹ năng mềm ở gen Z còn hạn chế, thầy Trịnh Đình Thảo - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - nói nhà trường và thầy cô cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra.
Theo đó, nên đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, tăng tính ứng dụng trong truyền đạt kiến thức, giúp học sinh nâng cao khả năng tự học.
"Hoạt động day học và hoạt động giáo dục cần được nhà trường, giáo viên triển khai trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số", thầy Thảo nói.
Thầy Hoài Linh cho biết tập thể sư phạm nhà trường luôn mong muốn hướng đến mô hình trường học hạnh phúc. Điều gen Z cần lưu ý là hiện trí tuệ nhân tạo, công nghệ đã lấn sâu vào cuộc sống con người, có thể làm chúng ta mai một nhiều kỹ năng mềm.
Các bạn trẻ cần nhận thức rõ điều này để gìn giữ, củng cố các kỹ năng, linh động thay đổi, thích nghi và chủ động trong học tập lẫn cuộc sống.
Thầy Nguyễn Văn Ba tin tưởng ngành giáo dục trong nước phát triển, chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ tràn đầy năng động, dám nghĩ dám làm và có ý thức trách nhiệm cao trong học tập lẫn cuộc sống.
Dẫu vậy, thầy Ba mong mọi người sẽ quan tâm hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần của giáo viên. Điều này góp phần tạo động lực để người lái đò toàn tâm toàn ý làm việc và không ngừng cập nhật, hoàn thiện bản thân.
"Hiện có những doanh nghiệp chưa tin tưởng chất lượng đào tạo cử nhân ra trường dù số sinh viên giỏi quá nhiều.
Tôi tin nhiều trường thấy được thực trạng này nên đã có những hoạt động tăng kiến thức thực tế, chấm điểm cũng chặt chẽ hơn. Một số trường cho sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp, có mô hình người thầy - doanh nhân", tiến sĩ Lộc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận