Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngày 21-11 - Ảnh: TUYÊN THÀNH
Ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, ĐBQH, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp bàn về đề án thành lập TP Thủ Đức vào ngày 10-12. Nếu đồng ý thì sẽ có nghị quyết thành lập TP Thủ Đức.
Quyền làm chủ của người dân sẽ được đảm bảo
"Phiên thẩm định bước đầu tôi có dự, cơ bản là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình” - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Nếu được thông qua, TP.HCM sẽ khởi động chính thức. Chủ trương sẽ làm từng bước để đến ngày 23-5 bầu cử xong thì ngày 1-7-2021 sẽ có HĐND TP Thủ Đức.
Về mô hình chính quyền đô thị, không có HĐND cấp quận và cấp xã, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP cam kết quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế, sẽ ngang bằng hoặc tốt hơn trước.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền đô thị không có HĐND phường và quận sẽ rút ngắn thời gian của nhiều thủ tục. Những vấn đề ngân sách đã được HĐND TP thông qua có thể triển khai được ngay.
Người dân lo lắng rằng ai lắng nghe ý kiến của dân khi không còn HĐND quận và phường? Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết có nhiều kênh để lắng nghe và giải quyết ý kiến của người dân thấu đáo trong mô hình chính quyền đô thị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc cử tri
Trước hết, Quốc hội đã cho phép HĐND TP tăng số ủy viên chuyên trách. Các đại biểu HĐND TP sẽ được phân công phụ trách đến các phường để nắm bắt dư luận, ý kiến tâm tư của dân. Giám sát của HĐND TP sẽ được kết hợp giám sát với Ủy ban MTTQ VN các cấp.
Thứ hai, TP sẽ có quy định về việc chủ tịch phường phải đối thoại định kỳ với người dân.
Thứ ba, người dân có quyền phản ảnh trực tiếp qua các hệ thống ứng dụng tiếp nhận tin nhắn của dân - hiện nay đa số các quận đều có.
Đặc biệt, Thành ủy TP.HCM đã có quyết định 1374, ý kiến của người dân qua các kênh sau sẽ được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo cáo và giám sát việc giải quyết: qua tiếp xúc cử tri, qua báo chí, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo và qua giám sát của cộng đồng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết qua 33 tháng thực hiện quyết định trên, đã nhận được 8.778 thông tin của dân. Bình quân mỗi tháng toàn TP phải xử lý kỷ luật 10 đảng viên, 11 cán bộ công chức từ ý kiến phản ảnh của người dân.
Số người nghiện ma túy trong nước đang gia tăng
Trao đổi về lo lắng của các cử tri liên quan đến vấn đề ma túy len lỏi vào trường học, thiếu tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tình hình ma túy hiện rất phức tạp không chỉ ở quận 9 mà trên toàn TP, trên cả nước và các quốc gia khác trên thế giới.
Trước đây chỉ có ma túy tự nhiên từ tam giác vàng, nay phổ biến ma túy tổng hợp. Trước đây, ma túy phải chuyển từ nước ngoài vào thì nay ở Việt Nam có nhiều người có hành vi tổ chức sản xuất ma túy. Trước đây, người nghiện chỉ mua về để dùng thì nay họ mua về bán lấy tiền chênh lệch để mua ma túy về dùng tiếp.
"Với ma túy tổng hợp, việc chế biến nhanh chóng, không khó khăn, không mất thời gian như xưa. Số lượng người nghiện hiện nay trong nước gia tăng rất nhiều. Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về hiện tượng nước xoài, điều này cho thấy ma túy tổng hợp đã len lỏi đến học đường", thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết.
Theo giám đốc Công an TP, việc ngăn chặn không chỉ có trách nhiệm của ngành công an mà đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính quyền, toàn bộ người dân phải cùng vào cuộc.
Trong 3 tháng qua, công an TP đã thu giữ gần 700kg ma túy tổng hợp, đó là một số lượng lớn. Điều đó thể hiện sự quyết liệt của chính quyền trong đấu tranh ngăn chặn, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng hiện nay chỉ riêng ngành công an hay các cơ quan quản lý thì không đủ sức.
Mỗi nhà, mỗi người dân, mỗi gia đình phải tự giác ngộ, tự nhận thức để có biện pháp phòng ngừa ngay từ trong gia đình mới hiệu quả cao. Nếu chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng công an thì rất khó khăn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tuyên truyền về tác hại của ma túy với thời lượng và liều lượng như tuyên truyền về tai nạn giao thông. Mở tivi lên là thấy thông tin thì mới đủ sức cảnh giác, răn đe người dân phòng ngừa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận