20/06/2020 08:38 GMT+7

'Ngắt cầu dao' sàn chứng khoán, được không?

NHƯ BÌNH - BÔNG MAI thực hiện
NHƯ BÌNH - BÔNG MAI thực hiện

TTO - "Các quyết sách như “ngắt cầu dao” sẽ tạo ra niềm tin, tính bảo vệ trên thị trường, ngoài ra có thể điều chỉnh giờ mở cửa thị trường, những cách thức đủ giúp thị trường “tỉnh giấc”.

Ngắt cầu dao sàn chứng khoán, được không? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư theo dõi phiên chứng khoán diễn biến trong ngày - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán. Đáng chú ý, dự thảo có đề cập tới các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trong đó có đề xuất để Ủy ban Chứng khoán nhà nước có thể ngắt mạch giao dịch khi thị trường quá biến động.

"Ngắt mạch giao dịch" hay "ngắt cầu dao" chứng khoán trước đó từng được ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - đề xuất trong bài viết gửi đến Tuổi Trẻ giữa tháng 3-2020, khi đó thị trường chứng khoán "bốc hơi" do tác động của đại dịch COVID-19.

“Các quyết sách như “ngắt cầu dao” sẽ tạo ra niềm tin, tính bảo vệ trên thị trường, ngoài ra có thể điều chỉnh giờ mở cửa thị trường, những cách thức đủ giúp thị trường “tỉnh giấc”.

Ông Đặng Văn Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Thành nói:

- Trong điều kiện bình thường, chắc chắn phải tuân theo quy định, vận hành chung của thị trường. Tuy nhiên, có những tình thế bắt buộc phải có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý, chẳng hạn như khi việc "ngắt cầu dao" là một trong những biện pháp cần thiết như vậy. 

Như trong thời gian có dịch COVID-19, thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm mạnh rất cần can thiệp kịp thời để trấn tĩnh nhà đầu tư. Nhưng do chưa có cơ chế này, lo sợ dịch ảnh hưởng đến kinh tế, người này bán, người kia cũng vội bán, càng bán càng "chết", bất kể hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cổ phiếu giảm sâu, hệ quả là các khoản thế chấp ngân hàng hay vay ký quỹ tại công ty chứng khoán không còn đủ giá trị đảm bảo theo thỏa thuận ban đầu, buộc phải bù thêm tiền hoặc bị bán bắt buộc, khó khăn càng chồng chất cho cả thị trường.

Ngắt cầu dao sàn chứng khoán, được không? - Ảnh 3.

Ông Đặng Văn Thành - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công - Ảnh: TT

Cần thêm nhiều công cụ hỗ trợ nhà đầu tư

* Trong dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Mỹ đã từng "ngắt cầu dao". Vậy theo ông, Việt Nam nên áp dụng thế nào?

- Sau 20 năm hình thành và phát triển, tính chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng cải thiện, tiệm cận dần với thế giới. Tuy nhiên để phát triển thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe, nghiên cứu, hoàn thiện trong cuộc chơi cao cấp này, hỗ trợ cho nó để các nhà đầu tư yên tâm hơn, có chỗ dựa trong lúc khủng hoảng. 

"Ngắt cầu dao" cũng là cách xử lý tình thế để thị trường hoàn thiện, người nắm chứng khoán yên tâm hơn trong lúc khó khăn. Trong nhiều thời điểm, thị trường liên tục giảm mạnh khiến các nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để đưa ra hành động chính xác nhất và dễ mắc sai lầm nhất.

Có người đặt câu hỏi liệu "ngắt cầu dao" được áp dụng lúc này có muộn? Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn thấy vấn đề để hoàn thiện thị trường, bởi chứng khoán Việt Nam vẫn cần thêm nhiều công cụ hỗ trợ nhà đầu tư. 

Trong những ngày thị trường chao đảo tâm lý vì dịch COVID-19, khi tôi đề xuất một số biện pháp để ổn định thị trường, cần có sự gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi tháo gỡ khó khăn giữa công ty chứng khoán, các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân có sử dụng giao dịch ký quỹ. 

Và tôi rất bất ngờ là các công ty chứng khoán nước ngoài hưởng ứng. Họ nhận thức có những mối quan hệ của doanh nghiệp và doanh nghiệp, các định chế tài chính và khách hàng.

Ngắt cầu dao sàn chứng khoán, được không? - Ảnh 4.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá trong một phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Ngắt cầu dao" giúp thị trường tỉnh giấc

* Dịch COVID-19 còn đó, gần đây chứng khoán lại giảm do nỗi lo làn sóng dịch thứ 2. Vậy có cần sớm hoàn thiện cơ chế giao dịch, trong đó có "ngắt cầu dao"?

- Chúng ta cần tạo thêm sân chơi, những sản phẩm phái sinh phong phú, để nhà đầu tư cảm thấy được bảo vệ thì hoạt động thị trường chắc chắn sôi động hơn. Các quyết sách như "ngắt cầu dao" sẽ tạo ra niềm tin, tính bảo vệ trên thị trường, ngoài ra có thể điều chỉnh giờ mở cửa thị trường, những cách thức đủ giúp thị trường "tỉnh giấc".

Cái khó của phát triển thị trường vốn Việt Nam là người dân quen với tự đi đầu tư chứ ít chịu đưa tiền cho các công ty chuyên nghiệp đầu tư giùm. Họ quen lời tự hưởng và lỗ tự chịu. Trong khi có nhiều quỹ huy động vốn trong dân để đầu tư nhưng vẫn chưa phát triển được, đó là điều đáng tiếc. 

Một khi thị trường còn nhiều nhà đầu tư cá nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm, rất dễ bị dao động về tâm lý, vì thế sớm hoàn thiện, bổ sung cơ chế giao dịch cũng chính là bảo vệ người nắm giữ chứng khoán.

* Nhiều người có cổ phiếu nói họ không phải là nhà đầu tư lướt sóng, nhưng trong những ngày dịch COVID-19 họ cũng "lên máu" vì giá chứng khoán lao dốc, tài sản teo tóp, rồi nghĩ đến "ngắt cầu dao" sàn chứng khoán...

- Nhìn thị trường chứng khoán VN chỉ là những nhà đầu tư trên sàn, lướt sóng là chưa đầy đủ. Đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ người tham gia thị trường chứng khoán. Hơn 20 năm qua, thông qua chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hàng triệu người lao động đều được tạo điều kiện sở hữu cổ phần nơi doanh nghiệp mà họ đã làm việc. 

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã "bình dân hóa" chứng khoán, khi quy định mệnh giá mỗi cổ phần chỉ có 10.000 đồng. Cứ tính, mỗi công ty cổ phần đại chúng có tối thiểu 100 cổ đông. Rồi nhiều doanh nghiệp như ngân hàng cổ phần có vài chục ngàn cổ đông. 

Với hàng ngàn công ty cổ phần, tính ra số người sở hữu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể đến hàng triệu. Phần lớn trong số này họ không ngồi sàn như nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc người lướt sóng. Họ giữ cổ phiếu, vẫn đi làm bằng nghề chính của mình, nhưng hằng ngày vẫn theo dõi xem giá cổ phiếu trong ngày là bao nhiêu, tương tự như người giữ vàng nhìn giá vàng biến động. 

Trong những ngày còn dịch COVID-19, đặc biệt là 3 tuần giãn cách xã hội, giá cổ phiếu giảm đều, mọi người đều cảm thấy xót xa vì tài sản tích lũy của mình teo lại. Vì thế, hoàn thiện cơ chế giao dịch, trong đó có "ngắt cầu dao" cũng là một cách giúp cho thị trường vận hành ổn định hơn, góp phần bảo vệ tài sản của mọi người sở hữu cổ phiếu.

Mặt khác, thị trường chứng khoán ổn định cũng là nền tảng để các công ty ăn nên làm ra, tăng trưởng kinh tế cũng từ đây. Như trong những ngày chứng khoán giảm sâu vì thiếu đi những khoảng lặng khi "ngắt cầu dao", người có cổ phiếu "mất" cả trăm ngàn tỉ đồng. 

Nếu cứ giảm, tài sản tóp teo, chắc chắn mọi người phải thắt hầu bao lại. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Điều đó càng đặt ra cho các nhà quản lý phải sớm nâng cấp"sân chơi" để đưa thị trường chứng khoán thành nơi gọi vốn cho nền kinh tế, kênh đầu tư chính của đại đa số người dân.

Thế nào là "ngắt cầu dao"?

Áp dụng hệ thống "ngắt cầu dao" - tức tạm ngừng giao dịch trong một thời gian - đã được nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới áp dụng, nhằm cắt những cơn hoảng loạn bán tháo của thị trường dẫn đến giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép.

Tại Mỹ, khi chỉ số chứng khoán giảm 7%, hệ thống sẽ kích hoạt cơ chế ngắt mạch cấp độ 1, tạm dừng giao dịch 15 phút, để nhà đầu tư suy nghĩ trở lại. Hai cấp độ tiếp theo sẽ được kích hoạt, nếu chỉ số chứng khoản giảm ở mức 13% và 20%. Ở cấp độ 2, thời gian dừng giao dịch vẫn là 15 phút, và sang cấp độ 3, chứng khoán Mỹ sẽ dừng cả phiên giao dịch.

Còn tại Hàn Quốc, thị trường sẽ tạm ngưng trong 20 phút, nếu chỉ số chứng khoán giảm hơn 20% so với giá đóng cửa phiên trước đó. Việc sử dụng các công cụ này được kiểm soát chặt chẽ để tránh tùy tiện.

Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset): Phương án khả thi nhất

huynhminhtuan 3(read-only)

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Biện pháp "ngắt cầu dao" là hoàn toàn khả thi và được nhiều nước áp dụng.

Thực tế khi thị trường rơi vào khủng hoảng, đã có nhiều phương án xử lý "giải cứu" nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Năm 2008, Việt Nam từng áp dụng đưa Công ty Quản lý vốn nhà nước mua vào các cổ phiếu để hỗ trợ thị trường, phương án mua để cứu giá đã không thành công.

Ngay cả công cụ điều tiết bằng cách thu hẹp biên độ biến động giá chứng khoán trong ngày, như khi bình thường là 10% giảm còn 1-2%, cũng thất bại.

Xử lý khủng hoảng tâm lý trên thị trường chứng khoán cũng không thể cho đóng cửa thị trường vì rất nguy hiểm, tạo ra sự dồn nén, gia tăng nỗi sợ. Chẳng hạn trong thời gian dịch COVID-19, Philippines từng đóng cửa thị trường 2 ngày, sau đó mở lại thì lập tức bị giảm tới 24%. Tình huống hoảng loạn, cuối ngày chính phủ phải ra công bố trấn an. Trong các phương án, "ngắt cầu dao" vẫn là khả thi nhất.

Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam): Giúp bình ổn tâm lý nhà đầu tư

nguyentheminh 2(read-only)

Ông Nguyễn Thế Minh

Chứng khoán Việt Nam đã lớn hơn trước, thậm chí gần đây xuất hiện phiên khớp 24.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Hơn 15 năm nay, thị trường được tăng biên độ từ 5% lên 7%. Nếu không xử lý khi khủng hoảng thì nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Thời gian qua thị trường chứng khoán Mỹ có nhiều lần giảm tới 7%, hệ thống lập tức ngắt 15 phút để nhà đầu tư bình tĩnh lại. Thị trường Việt Nam vừa rồi nếu áp dụng chế độ tự ngắt sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư bớt hoảng loạn, giảm thiệt hại.

Khi thị trường giảm quá đà, việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước có quyền tạm ngừng giao dịch và điều chỉnh biên độ là cần thiết và phù hợp.

Đặc biệt, với những nhà đầu tư vay để đầu tư chứng khoán lướt sóng, nếu không có chế độ tự ngắt, có khả năng nhiều tài khoản bị "cháy", rơi vào thua lỗ, đó là điều mà thị trường không mong muốn. Mà nhiều người lướt sóng thua lỗ, phải bán chứng khoán càng gây thêm sức ép lên thị trường.

Trong số hàng ngàn nhà đầu tư mới gia nhập, phần nhiều chưa có kinh nghiệm về chứng khoán, khi gặp cú sốc hậu quả rất lớn.

Theo dữ liệu Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến hết tháng 5-2020 có hơn 2,5 triệu tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư nội chiếm gần 99%. 5 tháng qua, có hơn 130.300 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, non trẻ mới gia nhập thị trường.

Dòng tiền quay về sàn chứng khoán, điểm tăng gần 35 Dòng tiền quay về sàn chứng khoán, điểm tăng gần 35

TTO - Chốt phiên giao dịch đầu tuần 6-4, VN-Index tăng bứt phá 34,95 điểm, hàng trăm mã cổ phiếu rủ nhau tăng trần thể hiện qua sắc màu tím lịm. Dù thị trường có khả quan hơn nhưng khối ngoại vẫn bán ròng hơn 644 tỉ đồng.

NHƯ BÌNH - BÔNG MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp