Không ngậm được miệng sau khi ngáp lớn
Sau một lần ngáp to, bà S. (ngụ Kim Xuyên, tỉnh Tuyên Quang) đột ngột cảm thấy đau nhói ở vùng quai hàm và không thể ngậm miệng lại được bình thường.
Qua thăm khám tại một phòng khám trên địa bàn, bác sĩ xác định bà S. bị trật khớp thái dương - hàm hai bên. Đây là một tình trạng thường hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra khi vận động quá mạnh hoặc đột ngột ở vùng hàm.
Bác sĩ đã nhanh chóng nắn trật khớp thái dương - hàm cho bệnh nhân. Sau vài phút, tình trạng của bà S. được cải thiện, hàm trở lại vị trí bình thường và có thể cử động mà không còn đau đớn. Bà S. được bác sĩ căn dặn tránh há miệng quá to, ăn thức ăn mềm khoảng 2 tuần để tránh tái phát sớm.
Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le như bà S., sau khi ngáp lớn, chàng trai 27 tuổi không khép miệng lại được, hai hàm không khớp khi cắn răng lại, hàm nhô ra phía trước, rất đau khi cử động.
Tại Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ), sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị trật khớp thái dương - hàm hai bên.
Ngay lập tức, bệnh nhân đã được điều trị cấp cứu nắn chỉnh đưa lồi cầu về vị trí chức năng bình thường và băng cố định cằm, đầu, theo dõi trong vòng 1 giờ.
Dù hy hữu nhưng trật khớp thái dương - hàm hai bên cũng gặp ở trẻ em. Một bé gái 13 tuổi phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong đêm vì không ngậm được miệng, không uống nước được sau ngáp lớn.
Bệnh nhi được nắn chỉnh đưa hàm dưới về vị trí bình thường và băng cố định cằm đầu, theo dõi trong một giờ. Sau điều trị, bé có thể ngậm miệng và cười bình thường.
Cần nắn chỉnh kịp thời
Bác sĩ Calvin Q.Trịnh - giám đốc đơn vị phục hồi chức năng và hình thể HMR - cho biết khớp thái dương - hàm có vai trò như một bản lề trượt kết nối xương hàm với hộp sọ. Đây là một trong những khớp phức tạp với vận động đưa hàm dưới ra trước, lui sau và sang hai bên.
Bất kể vấn đề nào làm cho hệ thống cơ, đĩa đệm, dây chằng và cấu trúc xương hoạt động sai lệch đều được gọi là rối loạn khớp thái dương - hàm. Bệnh lý là nguyên nhân gây đau vùng miệng - hàm.
Trật khớp hàm còn được gọi sái quai hàm xuất hiện khi phần xương quai hàm bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Tình trạng này có thể thường xuyên xuất hiện đối với những người đã từng mắc phải trước đó, hay ở những người rối loạn khớp ở thái dương - hàm (giãn cơ và dây chằng).
Bác sĩ khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, trật khớp thái dương - hàm là sự mất tương quan giải phẫu bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới và lồi khớp xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến cứng khớp, giãn dây chằng không hồi phục.
Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hại cho khớp thái dương - hàm: tổn thương khớp thái dương - hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương - hàm. Khi đó các đầu khớp bắt đầu thoái hóa gây dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, có thể dẫn đến thủng đĩa khớp.
Trường hợp chỉ trật khớp quai hàm đơn thuần, không kèm tổn thường khác (nghĩa là trật mỏm khớp ra khỏi ổ khớp), bác sĩ Calvin Q.Trịnh cho hay thời gian chỉnh nắn chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Nếu trật khớp quai hàm nặng hai bên, kèm tổn thương khác viêm, sưng cần phải mất nhiều thời gian xử lý hơn.
Sau khi nắn chỉnh, người bệnh cần hạn chế vận động mạnh, cười hay ngáp lớn, bên cạnh dùng thuốc giảm đau, giảm sưng, có thể băng để hỗ trợ thêm và tập phục hồi chức năng.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu không ngậm miệng được sau khi ngáp, há miệng lớn hay khóc, cười... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận