21/10/2013 10:12 GMT+7

Ngập nặng: bao giờ năm sau nhẹ hơn năm trước?

Vinh Hoàng (vqhoai@...)
Vinh Hoàng (vqhoai@...)

TTO - Chuyện triều cường năm sau cao hơn năm trước, mỗi năm tình trạng ngập mỗi nặng thêm đã khiến bạn đọc bức xúc, mệt mỏi. Những ý kiến gửi về Tuổi Trẻ Online chung một kỳ vọng: mau chóng khắc phục tình trạng ngập nước này.

RAmXAg3U.jpgPhóng to
Triều cường gây ngập một đoạn đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh - Ảnh tư liệu

TTO xin trích đăng:

+ Chúng tôi ở phường 22, Q.Bình Thạnh, nơi thường xuyên bị ngập vào "mùa" triều cường hằng năm. Mừng quá khi công trình cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN) được UBND TP cho khởi công năm 2010 với thông tin khi hoàn thành (năm 2012) sẽ ngăn triều, giảm ngập cho khu vực này và phần lớn 7 quận nội thành.

Ở trong cuộc nên chúng tôi rất thường xuyên theo dõi thông tin về công trình xây cống ngăn triều này và bảo nhau "Thôi ráng ít lâu nữa sẽ không còn ngập do triều cường!".

Mừng biết bao khi giới chức có trách nhiệm đã báo cáo với chủ tịch UBND TP.HCM là cống sẽ được hoàn thành và phát huy tác dụng ngăn triều vào cuối năm 2012 khi chủ tịch đi thị sát các công trình vào khoảng tháng 9 và 10-2012. Ông chủ tịch cũng đã dặn dò phải đảm bảo an toàn khi đưa cống vào vận hành.

Rồi sau đó lại có 1 vài bài báo thông tin "Từ nay rạch Thị Nghè không còn cảnh nước ròng trơ đáy..." càng làm chúng tôi vui hơn.

Bỗng lại có thông tin từ báo chí "cống ngăn triều NL-TN điều chỉnh thiết kế và phải đến cuối năm 2013 mới hoàn thành".

Và mấy ngày này thì ôi thôi trong nhà chúng tôi thường xuyên ngập do triều cường. Hàng xóm vừa tát nước vừa hỏi nhau: "Cho dù chưa làm xong, sao mấy ngày này những người có trách nhiệm không tạm đóng cống ngăn triều như đã làm thử hôm tết cho bà con đỡ khổ".

Vì không thể làm được, vì căn bệnh chung chậm tiến độ hay vì vô cảm?

Có ai giải thích được cho chúng tôi biết và tự lo liệu không? Có tờ báo nào đó lên tiếng giùm chúng tôi không? Mong lắm thay!

+ Xin mời đọc lại báo Tuổi Trẻ những năm gần đây:

- Tuổi Trẻ 13-11-2004: TP.HCM chấn chỉnh đào đường gian dối

- Tuổi Trẻ 1-5-2006: TP.HCM nạo vét cống gian dối, đào đường trái phép tăng...

- Tuổi Trẻ 22-12-2011: chưa có một "nhạc trưởng" để điều hành công trường đào đường của thành phố

- Tuổi Trẻ 12-1-2013: ngành điện lực, cấp nước và thoát nước tại TP.HCM sẽ đào đường gấp đôi năm trước

Chương trình đào đường ở tất cả quận huyện của thành phố được khởi xướng cách đây vài năm với lời trấn an người dân rằng các điểm ngập lụt sẽ được khắc phục. Ấy vậy mà triều cường hoành hành thành phố cả tháng nay với mức độ ngày một nghiêm trọng vẫn chưa thấy vị lãnh đạo đầu ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Trận ngập lụt kinh hoàng ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) năm 2011 vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh các vị chăng?

+ Tôi là người sinh sống tại TP.HCM từ năm 1988 đến nay và cụ thể sinh sống tại nơi vùng đất thấp, nước triều lên xuống ngày 2 lần nên tôi khá rõ nguyên nhân, diễn biến của việc thủy triều dâng cao, gây ngập khu dân cư, đường phố, các con hẻm.

Theo tôi có 2 nguyên nhân chính như sau:

- Do tình hình TP.HCM phát triển, đô thị hóa nhanh. Năm 1988, khu vực phường 25, quận Bình Thạnh (cụ thể là khu vực Văn Thánh Bắc) diện tích ao hồ, ruộng rau muống gần như chiếm 2/3 diện tích toàn phường 25, còn lại 1/3 là khu dân cư. Nên vào thời điểm những năm 1988 ,1989, 1990… khi nước thủy triều dâng lên, các ao hồ, ruộng rau muống trong khu vực là nơi chứa một khối lượng nước khổng lồ. Khi nước triều dâng, chảy vào các ao hồ, ruộng rau muống vừa đầy thì cũng đúng lúc thủy triều bắt đầu xuống nên các con hẻm, đường phố, khu dân cư mặc dù thấp nhưng vẫn an toàn, không bị ngập.

Bắt đầu từ năm 1990 trở về sau, việc đô thị hóa bắt đầu, các ao hồ, ruộng rau muống bị san lấp. Mặt bằng bị san lấp dĩ nhiên cao hơn các con đường hẻm, đường giao thông lớn, nên mỗi khi nước triều dâng không còn chảy vào các ao hồ nhỏ hay ruộng rau muống như trước, chúng sẽ bò lên các con đường hẻm, đường giao thông lớn.

Khi ngập đầy các con hẻm nước tiếp tục tràn vào nhà dân có nền thấp. Các khu phố, khu dân cư tổ chức nâng đường hẻm, nhà nước nâng cấp các con đường giao thông lớn lên cao. Nước triều lại tìm đến những khu dân cư còn thấp để hoành hành.

Nói tóm lại, cái túi chứa nước thủy triều khổng lồ mỗi khi triều cường lên bây giờ không còn nữa nên nước triều tìm đến những nơi còn thấp trước đây chưa bao giờ bị ngập nay bắt đầu bị ngập và ngập nặng trầm trọng.

- Do biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng lên làm cho các khối băng ở hai vùng bán cầu tan chảy, nước biển dâng lên nhưng nguyên nhân này không đáng kể. Không riêng TP.HCM mà các thành phố, thị xã của đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu chung số phận như thành phố.

+ Chả có thủy triều gì ở đây cả, chung quy là do cái dốt của con người gây ra. Quận 6, Q.Tân Phú cống chưa xây xong thì bịt kênh chặn nước, nước ngập không biết thoát đi đâu. Ba ngày liên tục nước đều ngập, còn máy móc đào bới đặt cống 3 tháng trời không hề làm gì.

+ Theo tôi, một trong những giải pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất chính là nạo vét sạch bùn và rác ở tất cả các con kênh, sông và các đường cống của TP. Nếu vét được 1 triệu m3 bùn dưới sông thì 1 triệu m3 nước nằm trên đường sẽ có cơ hội được rút nhanh xuống cống.

Theo tôi được biết thì lượng bùn lắng đọng hiện nay tại các con sông, kênh rạch của TPHCM lên đến hàng chục triệu m3.

+ Sài Gòn mỗi năm triều cường lại lập kỷ lục mới. Ngoài vấn đề mưa lớn, xả lũ, còn một vấn đề cơ bản nhất là hiện tượng lấn chiếm bờ sông Sài Gòn để xây biệt thự, san lấp hết tất cả các vùng tiêu tán nước của các vùng trũng trước đây như Q.7, Q.2, H.Nhà Bè...

Để khắc phục thì chỉ chờ tầm nhìn của các nhà lãnh đạo mà thôi, còn dân thành phố thì hãy tập cách"sống chung với lũ".

Vinh Hoàng (vqhoai@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp