Ngập nước trên đường Tân Hóa - Ảnh tư liệu |
Bài viết của bạn đọc Thiên Nga đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 17-9 đã nhận được những ý kiến đồng cảm lẫn phản biện.
Chính mình tự hại mình
Một bạn đọc là công nhân thoát nước chia sẻ: "Tôi làm công nhân thoát nước, trầm mình xuống vét rác dưới các kênh rạch ở một quận nọ, chỉ một tháng sau rác lại đầy, rác do ai quăng xuống. Chẳng lẽ do cư dân ở quận khác cách đó 5-7km mang tới quăng, chỉ có chính những người ở tại chỗ bỏ xuống thôi. Khi bị hôi thối, phát sinh bệnh tật, ngập nước... họ lại đổ lỗi cho chính quyền không quan tâm môi trường sống của họ; họ chối không biết rác rưởi do ai bỏ xuống. Chính mình tự hại mình".
Bạn đọc này viết: "Có khi nào rác trong nhà bạn bỏ vào bao hay thùng rồi đợi đến giờ phương tiện thu gom đến và mang ra bỏ vào không? Hay là để nhà tôi sạch sẽ, không hôi thối; tôi đem cái hôi thối đó bỏ ra ngoài đường để mọi người chịu thay tôi. Rồi xe cộ qua lại cán phải, rác bị cuốn đi khắp phố phường; gặp mưa chui hết vào cống, đó là nguyên nhân gây ngập rồi lại trách chính quyền. Không tin bạn đi dọc các tuyến đường trong thành phố mà xem: người ta xem miệng các hầm ga thu nước là thùng rác nên mọi thứ rác rưởi người ta đều nhét vào đó".
Bạn đọc Hồ Trung ủng hộ: "Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả bài viết . Nếu ý thức của chúng ta cao thì chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại. Nhưng chúng ta phải giải quyết thật căn cơ chứ không nên giải quyết theo kiểu chắp vá. Hơn nữa, mọi người dân chúng ta cùng ý thức chung tay thì chất lượng cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ được cải thiện".
* Trách nhiệm của chính quyền
Bạn đọc Loan Đinh đồng ý việc xả rác bừa bãi, văn hóa giao thông yếu kém hay nói rộng hơn là văn hóa ứng xử cộng đồng là điều chúng ta đang thiếu trầm trọng.
Nhưng bạn đọc Loan Đình cũng cho rằng: "Thứ nhất, việc ngập đường nguyên nhân chính vẫn là do hệ thống thoát nước kém. Không thể nói xả rác ra đường là có thể lụt gần như cả thành phố. Đồng ý là hành vi ấy không văn minh nhưng không phải nhà dân nào cũng đổ rác xuống hệ thống thoát nước để khiến nó tắc. Thứ hai, việc tuân thủ Luật giao thông trong khi vạch phân cách mờ dần, đèn xanh cho người đi bộ cũng là đèn xanh cho xe lưu thông trên đường... rất khó khăn. Ý thức tham gia giao thông chưa tốt một phần cũng vì giáo dục và pháp luật. Mà tất cả những điều đó là trách nhiệm của chính quyền".
Chưa có quy hoạch nghiêm túc về hệ thống thoát nước đô thị phù hợp với đô thị hóa quá nhanh là lỗi của chính quyền. Xả rác xuống cống rãnh là thói quen của không ít người dân. |
Cùng quan điểm này, bạn đọc N.T.Sơn đặt những câu hỏi đáng suy nghĩ: "Nhà nước có tất cả các công cụ trong tay mà tại sao không xử lý được những "bệnh tật" của người dân. Việc khạc nhổ, xả rác ngoài đường... tại sao các nước xử lý được mà nước mình không xử lý được? Thời gian qua Nhà nước đầu tư nhiều tiền của cho việc thoát nước, chống ngập nước... nhưng tại sao vẫn ngập?".
Bạn đọc Thanh Nguyên phân tích: "Ngập lụt do mưa và kẹt xe một phần rất nhỏ là vì người dân thiếu ý thức nhưng chủ yếu hay nói 9/10 là do nguyên nhân khác. Đó là nước mưa không còn chỗ để ngấm xuống đất do mật độ xây nhà dày đặc, mật độ dân cư ở TP quá cao. Hầu hết ao hồ, kênh rạch nhỏ đều bị lấp, có làm cống thoát nước to nhưng không có nơi để chứa nước thì trong một thời gian ngắn nước cũng không thể chạy ra đến biển được nên ngập lụt là điều hiển nhiên".
Bạn đọc Thiên Nga, tác giả của bài viết, gây nhiều tranh luận này phấn khởi bày tỏ niềm vui khi bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản biện đa chiều khác nhau từ độc giả của Tuổi Trẻ.
Bạn đọc Thiên Nga viết: "Những ý kiến chứng tỏ "mọi người trong nhà" đều vẫn còn nhiệt tâm với hiện trạng chưa tốt của "ngôi nhà chung" của mình. Qua bài viết, tựu trung tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý: Thành phố mình đang sống chính là ngôi nhà lớn của mình. Nếu từng “thành viên trong ngôi nhà lớn” này đều chăm chút cho nó từng li từng tí y như mình chăm sóc cho ngôi nhà nhỏ của mình thì nếu "ngôi nhà lớn" có xảy ra sự cố ngoài ý muốn của "chủ nhân ngôi nhà" (như đường ngập vì mưa quá lớn, kẹt xe vào giờ cao điểm) thì mọi người vẫn có thể nhanh chóng tự giải quyết với tâm thế nhường nhịn "người trong nhà".
Ví như có ùn ứ, kẹt xe thì người ở phía trước đi trước, người ở sau nối đuôi đi sau trong phạm vi phần đường quy định, không cần phải chen lấn, tranh giành nhau.
Hoặc rác bỏ đúng nơi, không thấy có thùng rác ở nơi này thì chịu khó đi xa bỏ rác nơi chỗ khác, còn không có thì… về “ngôi nhà nhỏ” của mình bỏ cũng được (vì phần lớn rác khi đi đường cũng nhỏ về kích thước và ít về số lượng nhưng lại dễ “năng nhặt chặt bị”, thành ra dễ làm tắc nghẽn nơi thoát nước).
Hình ảnh ở các nước láng giềng như Malaysia, Singapore, Thái Lan… cho thấy đâu phải họ không có cảnh ngập đường khi mưa lớn, đâu phải không có cảnh ùn ứ xe ở giao lộ giờ cao điểm đâu. Nhưng dân họ giải quyết chuyện này rất nhanh với sự tuân thủ triệt để luật lệ, trật tự, nhường nhịn nhau. Người ta làm được thì chắc chắn dân mình cũng làm được.
Chỉ cần thật sự chăm sóc thành phố “ngôi nhà chung” y như “ngôi nhà riêng” của mình. Chỉ cần mọi thành viên “ngôi nhà chung” cùng xắn áo, đồng lòng tự giúp mình trước khi nhận được sự hỗ trợ khác thì tôi tin “nhà mình” sẽ ngày càng “ngon” - bạn đọc Thiên Nga kêu gọi.
Bạn cũng có thể đọc lại những bài viết về ý thức công dân ở các đường link dưới đây. >> Mời bạn tiếp tục chia sẻ ý kiến cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận