Một người dân lội nước trên đường Đất Mới, Q.Bình Tân - Ảnh tư liệu |
Nhưng có phải chỉ chính quyền có trách nhiệm trong việc thôi hay sao? Còn bản thân người dân sinh sống ở TP.HCM thì sao? Là người dân nên chúng ta được quyền “miễn trừ”?
Ông bà ta có câu nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” với đại ý trước khi phê phán người khác, chúng ta nên chịu khó tự kiểm mình trước đã.
Là người dân TP.HCM, chúng ta đã thật sự làm hết trách nhiệm của mình với “ngôi nhà” mình đang sinh sống hay chưa?
Đường ngập do chúng ta xả rác bừa bãi
Trong nhà mình chúng ta thường vứt rác, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi hay chúng ta luôn bỏ rác, vệ sinh, khạc nhổ “đúng nơi quy định”?
Ai cũng hiểu nếu mình bạ đâu xả rác đó, không chỉ ảnh hưởng đến sự sạch sẽ, vệ sinh của nhà mình mà còn ảnh hưởng sức khỏe. Chưa kể phải nói đến việc làm tắc nghẽn đường thoát nước với những mớ rác vứt bừa kiểu đó.
Nếu thấy có ai trong nhà lỡ vứt đồ đạc bừa bãi thì chúng ta có nhắc nhở, khuyên bảo hay không? Chúng ta đều biết để giữ ngôi nhà sạch đẹp thì không phải bản thân mình có thể chu toàn mà cần tất cả mọi người trong gia đình đồng lòng, chung tay.
Thế mà khi ra đường bản thân chúng ta lại vô tư vứt rác, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi.
Và khi bắt gặp ai đó làm bậy như thế, chúng ta ít khi nào lên tiếng nhắc nhở với suy nghĩ “ôi dào, việc của thiên hạ, hơi đâu mà tốn… hơi” hoặc “nhắc họ chưa chắc họ nghe mà rủi bị… ăn chửi, ăn quýnh” nên thôi “lơ đi cho nó… lành”.
Vả lại dù sao rác rến ngoài đường cũng có công nhân quét đường giải quyết rồi, lo chi cho mệt.
Vậy là “ngôi nhà chung” của chúng ta dần trở nên bẩn hơn, xấu hơn. Vì chúng ta, người dân thành phố, thành viên của “ngôi nhà chung” này đều… thiếu trách nhiệm với nó.
Đến khi xảy ra ngập úng chúng ta lại đổ hết mọi thứ lên đầu chính quyền (dĩ nhiên không phải cái nào cũng làm tốt), chỉ là “người” được “chủ nhân ngôi nhà” thuê chăm sóc, quản lý “ngôi nhà” của mình, còn chúng ta, những chủ nhân thật sự: ăn ở, sinh hoạt, đi lại trong ngôi nhà này đều… vô can.
Kẹt xe, chúng ta có chấp hành luật lệ giao thông?
Tương tự, chuyện kẹt xe thì sao? Đúng là việc quy hoạch, phân luồng đường sá là trách nhiệm chính của chính quyền chứ có phải là việc của chúng ta đâu.
Đúng nhưng chưa đủ? Bản thân chúng ta, những người sử dụng đường phố, đã tuân thủ triệt để những gì luật lệ đã quy định chưa?
Ví như: dừng, đậu đúng vạch; đi đúng theo chỉ dẫn của bảng chỉ đường cũng như đường sơn phân làn hay chưa?
Có phải kiểu này đâu mà trời nắng đẹp vẫn kẹt kiểu này mà.
Ở những giao lộ có đèn hiệu giao thông vào mỗi giờ cao điểm sáng, trưa, chiều chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh xe cộ đậu lấn vạch dừng đèn đỏ, đè lên cả vạch “ngựa vằn” cho người đi bộ băng ngang qua, hoặc dừng tràn lấn cả làn đường...
Hoặc các loại xe chạy xen lẫn vào cả làn xe không được quy định (xe máy, xe đạp, xe hơi chạy lấn vào làn đường của nhau… bất chấp đã có bảng phân làn chỉ dẫn rõ ràng).
Vậy là chúng ta tự làm hẹp đường chạy của chính mình và cả của “người nhà” (vì chúng ta đều sống “chung một nhà” mà).
Đồ họa minh họa một trong các nguyên nhân gây ùn ứ, kẹt xe ở thành phố lớn - Đồ họa: V.Anh - T.Thiên |
Như hình minh họa bên trên: chiếc xe hơi khi rẽ phải (theo hướng mũi tên) không thể đi tiếp vì bị "chặn" bởi dòng xe dừng đèn đỏ đang dừng tràn cả vạch đi bộ, lấn luôn vạch phân chia hai dòng xe ngược chiều nhau làm hẹp luồng lưu thông. Hình ảnh không hiếm gặp nơi giao lộ trong giờ cao điểm ở các thành phố lớn.
Thế là kẹt càng thêm kẹt hay như một bài báo là . Chỉ với tâm lý “mình không vì mình… trời tru đất diệt”, mạnh ai nấy chạy nên vào giờ cao điểm chỉ cần có một va quẹt nhỏ gây ùn ứ sẽ dễ dẫn đến tắc nghẽn lưu thông, và tiếp tục tái hiện hình ảnh mỗi người một phách, tìm mọi cách (quay ngang, tạt trái, leo lề…) làm sao thoát càng nhanh càng tốt.
Hành vi không đúng này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày riết rồi trở thành thói quen ứng xử trong giao thông của mỗi chúng ta hồi nào không hay.
Hoặc giả vẫn còn nhiều người chạy xe trong đêm khuya vắng ít khi dừng đậu đúng tín hiệu đèn giao thông, nhưng ngược lại nếu đã dừng đậu cũng ít người đậu lấn vạch dừng hoặc đè vạch đi bộ so với thời điểm ban ngày.
Khi xảy ra những sự cố giao thông bất thường (ngập đường, kẹt xe dài hàng cây số), ngoài những yếu tố chủ quan khác, chính thói quen hành xử này đã khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chính mình.
Nên nếu có ai đó “bỗng dưng” tuân thủ triệt để luật giao thông sẽ trở nên “lạc lõng”, sẽ nghe “khùng hả cha; khùng hả bà, sao không đi như mọi người đi?”. Ở giao lộ nào có xe cộ đi, dừng đậu đúng vạch, đúng làn thì hình ảnh đó trở nên lạ mắt trong khi đúng lý phải là như vậy.
Để “ngôi nhà” chúng ta trở nên văn minh, lịch sự thì ngoài trách nhiệm của chính quyền (mà phạm vi ý kiến này không bàn đến), tự bản thân mỗi người dân thành phố chúng ta, là “chủ nhân” của “ngôi nhà” này, hãy coi lại vai trò, trách nhiệm của chính mình?
Lúc đó “nhà của mình” sẽ trở nên đáng sống hơn mà không cần phải ngó sang nhà hàng xóm ao ước “giá như nhà mình cũng được như họ”?
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Thiên Nga. Bạn có đồng tình với những suy nghĩ này? Theo bạn, cần làm những gì để ngôi nhà chung của chúng ta đáng sống? Hãy chia sẻ cùng TTO những hình ảnh, câu chuyện kém văn minh mà bạn vẫn phải nhìn thấy trên đường phố cũng như ý kiến của bạn qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. Bạn cũng có thể đọc lại những bài viết về ý thức công dân ở các đường link dưới đây. >> |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận