Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận kiến nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kịp thời điều tiết và hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi có hiện tượng ngập trở lại tại đây.
Phải nâng đường gom dân sinh
Đồng thời, chủ đầu tư dự án cần phối hợp với các sở ngành chuyên môn của địa phương tổ chức khảo sát dọc theo sông Phan để xác định các vị trí dòng chảy bị thu hẹp (nếu có), đề xuất phương án xử lý khơi thông, đảm bảo khả năng thông thoát nước khi có mưa lũ xảy ra. Kết quả khảo sát, phương án xử lý gửi Sở Giao thông vận tải trước ngày 15-8.
Địa phương đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát địa hình, thủy văn để có giải pháp thiết kế phù hợp trong thời gian sớm nhất, không để xảy ra tình trạng ngập nước trong thời gian tới.
Trong đó, chủ đầu tư phải nâng cao đường gom dân sinh bên phải tuyến để việc đi lại của người dân không bị gián đoạn.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến khi có mưa lũ xảy ra.
Điểm ngập thấp nhất trong đoạn võng
Qua kiểm tra hồ sơ thiết kế được duyệt, tại Km25+419 bố trí cống thoát nước ngang đường là cống hộp có kích thước 2,5 x 2,5m. Cao trình mặt đường 44,47m, là cao trình thấp nhất trong đoạn tuyến Km24+911 - Km25+960 (hơn 1 km).
Đoạn này có 4 rãnh dọc đổ về tại vị trí cống ngang đường, nước từ bên trái tuyến cao tốc thoát về bên phải tuyến và đổ ra sông Phan (cách vị trí cống 150- 200m).
Đồng thời, tại Km25+419 có 2 đường điện 500kV giao chéo với đường cao tốc. Đơn vị truyền tải điện Bình Thuận cho biết theo quy định, chiều cao tĩnh không yêu cầu của đường điện cao thế 500kV là 10,25m khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại.
Qua khảo sát thực tế tại Km25+419 thì chiều cao tĩnh không từ mặt đường đến dây điện 500kV lớn hơn 25m, tại thời điểm dòng tải 900A, nhiệt độ môi trường 30 độ C.
Với khoảng cách thực tế này lớn hơn nhiều chiều cao tĩnh không yêu cầu. Do đó, cao trình tuyến tại vị trí này không bị khống chế bởi đường điện cao thế 500kV.
Từ ngày 27 đến 29-7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm ngày 28-7. Vì vậy đã xảy ra tình trạng các sông và tại Km25+419 đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không thoát hết nước của lưu vực đổ về.
Nước ngập trong phạm vi 100m, điểm sâu nhất khoảng 0,7m làm ảnh hưởng giao thông hai chiều trên đường cao tốc.
Phải chờ ý kiến từ chuyên gia
Thông tin với Tuổi Trẻ Online chiều 3-8, ông Đặng Hùng Thái, giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết chủ đầu tư phải chờ ý kiến đánh giá độc lập từ đoàn chuyên gia mới có kết luận cụ thể, cũng như đưa ra phương án khắc phục vụ ngập tại lý trình Km25.
Theo ông Thái, các đơn vị tư vấn đang tiếp tục khảo sát lại toàn bộ khu vực xảy ra ngập. Đoàn chuyên gia thủy văn, kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải mời cũng đã khảo sát xong đoạn bị ngập.
"Hiện phải chờ đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia, kết hợp nhiều thông số khác mới biết được nguyên nhân chính thức dẫn đến ngập và đưa ra phương án giải quyết căn cơ", ông cho biết.
Cũng theo ông Thái, trước mắt chủ đầu tư đang yêu cầu các tư vấn nhanh chóng khảo sát lại, từ đó phối hợp với địa phương khơi thông tạm dòng chảy ngoài dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận