Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục với các sở ngành chuyên môn tỉnh Bình Thuận hôm 31-7, các đơn vị liên quan cho rằng nguyên nhân gây ra ngập cục bộ như trên là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, cộng với lũ sông Phan dâng cao.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng làm cao tốc để bị ngập là sai từ đầu, vấn đề là cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục vì các dữ liệu cho thấy tình trạng ngập nước có thể tái diễn.
Sao cao độ bằng với mực nước sông?
Trước khi lý giải nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục, ông Huỳnh Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận - đặt hàng loạt câu hỏi đến chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế: Cao độ tại vị trí ngập là điểm thấp nhất theo sơ đồ hình võng, có phải do khống chế bởi cầu vượt ngang hay đường dây điện cao thế tại đây không?
Ông Thanh nói thêm sau khi xảy ra ngập, địa phương nhận thấy cao độ mặt đường cao tốc bằng với mực nước lũ dâng của sông Phan là bất cập. Thực tế vụ ngập vừa qua cho thấy nước từ sông Phan đã dâng ngược trở lại qua khỏi miệng cống.
Theo ông Thanh, trước mắt địa phương đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, khảo sát lại dòng chảy khu vực xảy ra ngập úng còn vướng gì không. Đồng thời, phối hợp với địa phương kiểm tra lại có vị trí nào thắt cục bộ không, để có giải pháp lâu dài.
Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 (đơn vị tư vấn thiết kế đoạn xảy ra ngập) cho hay dựa trên điều tra dữ liệu thủy văn thì mực nước lũ sông Phan (cách điểm ngập khoảng 150m) dâng cao nhất vào năm 1992 là khoảng 41,2m.
Từ đó đơn vị tư vấn dựa vào số liệu này kết hợp thiết kế cao độ mặt đường. Còn kích thước 2,5 x 2,5m cống thoát nước phù hợp với các đặc trưng dòng chảy lũ tiêu chuẩn TCVN 9845 - 2013 và sổ tay tính toán thủy văn thủy lực cầu đường.
Ông Đặng Hùng Thái, giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho rằng nguyên nhân ngập ban đầu là do xung đột các dòng chảy từ 3 hướng, trong đó có cả hồ thủy lợi Sông Phan xả với lưu lượng 90m3/giây.
Hiện chủ đầu tư vẫn yêu cầu các đơn vị tư vấn khảo sát, kiểm tra kỹ rồi sẽ thông báo cụ thể nguyên nhân và giải pháp căn cơ.
Để cao tốc ngập là khó chấp nhận
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường TP.HCM - nói ông rất bất ngờ với thông tin phía nhà thầu tư vấn thiết kế cho rằng cống hộp định hình 2,5 x 2,5m đủ tiêu thoát nước trong toàn khu vực. Quan điểm của nhà thầu tư vấn thiết kế như vậy là không cầu thị để hoàn thiện hơn nữa trong phát triển cao tốc.
"Thực tế cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chỉ mới thông xe hơn 3 tháng đã ngập, làm gián đoạn chuyện đi lại của người dân. Trong khi nhà thầu thi công nói làm đúng bản vẽ thì chỉ có sai ở khâu khảo sát thiết kế cơ sở.
Sở ngành tỉnh Bình Thuận cũng đã lý giải các dữ liệu đưa vào ở khâu tính toán không đúng với thực tế địa phương đang quản lý. Hơn nữa, theo tôi, đoạn ngập nước có yếu tố sông ngòi nhưng thiết kế cơ sở đặt cống hộp định hình (cống đúc sẵn 2,5 x 2,5m) là không phù hợp quy mô của dự án có tính chất quan trọng quốc gia", ông Thuận nói.
Để xác định đúng hay sai khâu khảo sát thiết kế, TS Thuận đề nghị nên kiểm tra lại dữ liệu và bước khảo sát địa hình vị trí, tọa độ. Đặc biệt là bình đồ cao độ tự nhiên, cao độ hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế cơ sở và các biên bản thống nhất về đấu nối theo quy định của pháp luật... Từ đó sẽ có cơ sở xem xét lỗi xuất phát từ đâu để có biện pháp khắc phục trong các dự án cao tốc tiếp theo.
Theo TS Thuận, đây là dự án quan trọng của quốc gia sử dụng nguồn vốn ngân sách. Để thực hiện ngoài tính chuyên môn cao cần có quy chuẩn trong thiết kế. Việc để ngập cao tốc là khó chấp nhận. Thông thường, cao độ tuyến trong thiết kế phải có tính tương đồng, không đánh võng từng lộ trình như chúng ta thấy ở đoạn ngập nước.
Việc ngập cục bộ như chuyện vừa qua còn có thể gây rủi ro tai nạn trong tương lai. Do đó, cần kiểm tra lại bình độ cao độ hoàn thiện toàn tuyến, đoạn nào võng bất thường cần có biện pháp khắc phục sớm, tránh trường hợp gián đoạn cao tốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết hồ chứa nước Sông Phan không phải là để trữ hay điều tiết lũ. Dung tích chứa nước tại hồ này chỉ tích khoảng 1,6 triệu m3, rất nhỏ so với các hồ thủy lợi thông thường khác.
"Bản chất của hồ chứa nước Sông Phan là nước mưa về bao nhiêu thì xả bấy nhiêu, không có vụ tích nước rồi xả lũ điều tiết qua tràn", vị đại diện này cho biết. Vì vậy nói một phần nguyên nhân do hồ xả lũ khiến nước dâng lên ngập cao tốc là không đúng.
Vị này cho biết thêm khoảng 20-30 năm gần đây, địa phương ghi nhận mực nước lũ sông Phan dâng cao nhất là năm 1999, trong khi đơn vị tư vấn thiết kế lại tính thủy văn vào năm 1992. "Riêng đợt mưa kéo dài vừa qua chưa phải là mưa lớn nhất hay bão diễn ra tại địa phương trong những năm gần đây", vị lãnh đạo thông tin thêm.
Bộ Giao thông vận tải mời chuyên gia vào khảo sát
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, để làm rõ nguyên nhân gây ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức mời các chuyên gia về công trình giao thông vận tải, khí tượng thủy văn… vào khảo sát hiện trường.
Từ kết quả khảo sát thực tế địa hình, thủy văn, thông số thiết kế đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, các chuyên gia sẽ đánh giá để đưa ra nguyên nhân chính xác nhằm có giải pháp khắc phục triệt để.
TS Phạm Viết Thuận trước đó đã đưa ra ba giải pháp. Đó là nâng nền, làm cầu cạn hoặc sử dụng cầu bản bê tông cốt thép. Tuy nhiên, hai giải pháp giải quyết phức tạp, nhất là làm gián đoạn chuyện đi lại trên cao tốc.
Do vậy giải pháp tiết kiệm nhất là đặt thêm hai cống hộp bổ sung để tăng lưu lượng thoát nước lên 540m3/giây thay vì chỉ đặt một cống như hiện nay (180m3/giây).
Cùng với đó là nắn dòng hai bên hệ thống taluy dẫn nước sang vị trí khác để đảm bảo tiêu thoát. Nhưng phía nhà thầu thiết kế cho rằng làm một cống như hiện nay là đủ thoát nước, do vậy cần phải đi tìm sự thật để điều chỉnh luôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận