22/07/2019 13:37 GMT+7

Ngành vận tải hoang mang vì khủng hoảng ở eo biển Hormuz

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sau những bất ổn liên tục xảy ra tại eo biển Hormuz, ngành công nghiệp vận tải biển toàn cầu đang loay hoay bàn tính giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua đây.

Ngành vận tải hoang mang vì khủng hoảng ở eo biển Hormuz - Ảnh 1.

Các chiến đấu cơ F/A-18F đậu trên bãi đáp của tàu USS Abraham Lincoln tại vịnh Oman, gần eo biển Hormuz tuần trước - Ảnh: REUTERS

Theo báo Financial Times, hầu hết các hãng đều đã lo sốt vó những ngày qua sau khi hải quân Iran bắt một tàu chở dầu cắm cờ Anh tại khu vực gần eo biển Hormuz, với cáo buộc tàu này vi phạm các quy định về hoạt động tại vùng biển quốc tế.

3/4 dầu qua tới châu Á

Khoảng 1/3 lượng dầu thế giới (gần 17 triệu thùng dầu) đi qua eo Hormuz mỗi ngày. Nơi đây từ lâu đã là địa điểm chiến lược của vùng Vịnh với trữ lượng giàu mỏ vô cùng phong phú.

Việc tàu Stena Impero cắm cờ Anh bị bắt trong hành trình tới Saudi Arabia là biến cố báo động cho tình thế nhiều rủi ro với các tàu hàng khi di chuyển qua vùng eo biển chiến lược.

Nó cũng cho thấy ngành công nghiệp vận tải biển thế giới đang bị cuốn vào tình thế xung đột căng thẳng giữa Iran và phương Tây.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ ước tính trong năm 2018, khoảng 3/4 lượng dầu thô và khí ngưng tụ (condensate) di chuyển qua eo biển Hormuz là lượng hàng gửi tới châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Một giám đốc điều hành của hãng vận tải biển cho rằng các tàu chở dầu đã trở thành "những con tốt thí" trong bối cảnh các tranh chấp, căng thẳng ngoại giao gia tăng trong khu vực.

Trước vụ việc bắt tàu Stena Impero, quân đội Iran đã cố tình gây cản trở lộ trình di chuyển của một tàu chở dầu khác của Anh là British Heritage. Mỹ và Anh cũng đã cáo buộc Tehran về những vụ tấn công phá hoại với 6 tàu ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong tháng 5 và tháng 6.

Theo ông Bob Sanguinetti, giám đốc điều hành Công ty UK Chamber of Shipping, mặc dù tàu Stena Impero cắm cờ Anh, nhưng chủ tàu lại là người Thụy Điển, thủy thủ đoàn trên tàu là người của nhiều quốc gia và hoạt động kinh doanh của nó cũng liên quan phạm vi quốc tế. Do đó "đây không chỉ là vấn đề của riêng nước Anh", ông nói.

Một vài hãng vận tải biển đang kêu gọi quân đội can thiệp để bảo vệ các tàu thương mại. Trong khi đó một số hãng lại lo ngại động thái can thiệp đó, nếu được triển khai, có thể sẽ dẫn đến tác dụng ngược, càng khiến cho quan hệ giữa Iran và phương Tây vốn đã tệ, nay càng tệ hơn.

Cần có Interpol cho biển?

Những quan điểm tiếp cận khác nhau về vấn đề này cho thấy nhiều chính phủ đang đối mặt với cùng một thách thức: một mặt cố gắng bảo vệ các tàu thương mại nhưng mặt khác lại không muốn bị xem như có hành vi mang tính khiêu khích.

Theo ông Sanguinetti, mặc dù việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề là ưu tiên, song cũng rất cần phải tạo được mức độ an toàn lớn hơn cho tàu bè thương mại qua lại ở vùng Vịnh.

Ông Sanguinetti kêu gọi cần có một liên minh quân sự quốc tế đảm bảo cho lộ trình hàng hải an toàn cho các tàu thuyền thương mại.

"Nếu sứ mệnh bắt buộc của nó là mang lại an ninh và ổn định, đó sẽ là chuyện tốt", ông Sanguinetti nói.

Trong khi đó, ông Basil Karatzas của hãng tư vấn tài chính vận tải biển Karatzas Marine Advisors cho rằng: việc các chủ tàu và những bên thuê tàu bỏ tiền thuê thêm lực lượng bảo vệ không thôi là chưa đủ để đảm bảo an toàn.

"Chúng ta cần có một lực lượng của Interpol cho các vùng biển", ông Karatzas nói. "Có một nhu cầu cấp thiết về việc đảm bảo an ninh ở cấp độ quốc tế, với eo biển Hormuz và với các địa điểm chiến lược cho vận tải biển trên toàn thế giới. Làm sao mà anh có thể bảo vệ các tàu hàng trước một quốc gia có chủ quyền?".

Ngày thứ sáu tuần trước (19-7), sau khi thông tin tàu Stena Impero bị Iran bắt, giá dầu thô Brent đã tăng 2,1%, lên 63,23 USD/thùng.

Dù vậy một chuyên gia giao dịch dầu mỏ tại London nhận định về tổng thể giá dầu thô vẫn tương đối ổn định lúc này, là vì các thị trường thế giới không tin là Iran và phương Tây sẽ đẩy những xung đột, mâu thuẫn hiện nay theo hướng bùng phát một cuộc chiến trên thực tế.

TTO - Khi Iran bắn hạ chiếc máy bay không người lái (drone) của Mỹ, Nhà Trắng đã suýt phát lệnh tấn công. Nay, khi ông Trump nói hải quân Mỹ 'phá hủy' drone của Iran, dư luận phấp phỏng không biết Iran sẽ phản ứng thế nào.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp