Ngày 25-10 tại TP.HCM, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ VII (2023 - 2028), bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ mới và đề ra phương hướng hoạt động cho hiệp hội trong thời gian tới.
Báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỉ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình 12-20%. Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng trưởng từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022.
Hiện ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu toàn ngành đã đạt trên 25 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các doanh nghiệp nhựa trong nước có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore…
Theo ông Hồ Đức Lam - chủ tịch hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông, cung cầu các nguyên liệu nhựa trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn cân bằng và giá nguyên liệu hóa thạch được dự báo sẽ ổn định hơn. Ngành nhựa Việt Nam kỳ vọng sẽ giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới, nhờ sự cải thiện năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước.
Một số nhà máy trong nước như Nhà máy hóa dầu Long Sơn, Nhà máy hóa dầu Dung Quất... có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu trong nước, nhưng nếu năng suất tăng, tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu nhựa của Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức dưới 70% so với hiện nay.
Theo các doanh nghiệp, một trong những thách thức lớn nhất của ngành nhựa hiện nay là tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng. Trong đó, rào cản là nhận thức của người tiêu dùng về các dòng sản phẩm này còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm tái chế.
Ông Võ Tân Thành, phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết ngành nhựa là ngành thiết yếu và là một trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển vì tốc độ phát triển cao trong những năm gần đây.
"Với các chính sách mới liên quan đến kinh tế tuần hoàn hay phát triển bền vững, ngành nhựa trong thời gian tới sẽ đối diện nhiều thách thức cũng như cơ hội mới. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị đưa ngành nhựa Việt Nam đến các sản phẩm thân thiện môi trường", ông Thành lưu ý.
Ông Hồ Đức Lam - chủ tịch hiệp hội nhiệm kỳ VI - tiếp tục được đề cử chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ mới
Tại hội nghị, ông Hồ Đức Lam cho biết ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Sự chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường nghiên cứu, phát triển công nghệ mới giúp ngành nhựa thế giới và Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thị trường, giảm thiếu tác động xấu đến môi trường.
Kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại, trong đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) giúp thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường châu Âu được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận