Việc thu hẹp diện tích đang đặt ra bài toán thiếu nguyên liệu mía cho các doanh nghiệp chế biến đường trong khu vực.
Diện tích trồng mía giảm nhanh
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Niên vụ 2014-2015, toàn tỉnh trồng hơn 20.900 ha mía đáp ứng nguyên liệu cho 3 công ty sản xuất đường, với tổng công suất gần 15.000 tấn mía cây/ngày.
Thế nhưng vào niên vụ 2015-2016, tính đến hết tháng 4, nông dân mới trồng được gần 9.700 ha, giảm khoảng 1/2 diện tích so với niên vụ trước.
Người trồng mía ở Tây Ninh cho biết vụ mía năm trước sâu đục thân tàn phá nhiều khiến nông dân phải bỏ không ít chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, mà năng suất vẫn giảm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, có gần 1/4 diện tích mía bị sâu hại, năng suất giảm, trong khi giá mía nguyên liệu lại thấp nên người nông dân bị thua lỗ nặng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích mía của tỉnh giảm mạnh là do sâu bệnh hoành hành, giá mía thu mua đầu vào của các nhà máy đường trong tỉnh giảm từ 100.000 đến 150.000 đồng/tấn so với niên vụ trước.
Phổ biến giá thu mua của các nhà máy khoảng trên dưới 750.000 đồng/tấn mía cây. Bên cạnh đó, các chính sách như bao tiêu chữ đường, phân lịch thu hoạch, chính sách thu mua mía cháy… chưa được các nhà máy đường quan tâm.
Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng từ 10-20% so với vụ trước, dẫn đến người dân trồng mía bị thua lỗ nặng nên đã chủ động chuyển sang trồng sắn, ngô và một số loại cây trồng khác với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang triển khai việc quy hoạch phân vùng sản xuất theo hướng tập trung vào thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Với cây mía, tỉnh cũng có chủ trương giảm diện tích để chuyển sang cây trồng khác như cây ngô lai, trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản.
Huyện Cù Lao Dung có diện tích mía lớn nhất tỉnh (khoảng 7.400ha, năng suất đạt 130 tấn/ha), nhưng vài năm trở lại đây người dân đã chủ động chuyển đổi khoảng 4.200ha sang trồng hoa màu, ngô lai và nuôi thủy sản nước lợ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh có diện tích mía không lớn, khoảng 7.000ha, nhưng niên vụ này người dân cũng đã chuyển hơn 500ha sang trồng màu và nuôi trồng thủy sản, bởi năng suất mía thấp, giá bán bấp bênh.
Báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến tháng 4-2015 cho thấy, hầu hết các tỉnh có diện tích trồng mía nhiều như Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng... đều giảm từ 500-3.000ha.
Tỉnh có diện tích mía giảm nhiều nhất là Long An hơn 3.000ha/12.200ha của niên vụ 2014-2015; Sóc Trăng cũng giảm từ 11.000ha xuống còn hơn 9.000ha; Hậu Giang từ 12.300ha xuống còn gần 11.000ha...
Con số thông kê của ngành nông nghiệp các địa phương có thể thấy tốc độ giảm diện tích trồng mía là rất lớn, trong khi các doanh nghiệp chế biến đường lại không có vùng nguyên liệu ổn định, nên nguy cơ thiếu mía cho sản xuất của các nhà máy niên vụ 2015-2016 là điều khó tránh khỏi.
Chủ động ổn định vùng nguyên liệu
Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất của nhà máy, đã có những giải pháp cụ thể, như: sang Campuchia thuê đất trồng mía; ký kết bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân; quy hoạch và triển khai xây dựng cánh đồng lớn; triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, giảm giá thành cây mía…
Để ngành sản xuất mía đường phát triển, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh nói riêng cần sớm có quy hoạch theo hướng nâng cao giá trị cây mía, đáp ứng đủ lượng đường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Những nhà máy nhỏ dưới 1.000 tấn mía cây/ngày và vùng nguyên liệu nhỏ lẻ cần sớm cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào các nhà máy lớn hơn, vùng trồng mía kém hiệu quả nên chuyển sang cây trồng khác.
Trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành mía đường Việt Nam phải tự vươn lên bằng cách nâng cao giá trị doanh nghiệp, để làm ra những sản phẩm tốt nhất cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tinh, gọn, hiệu quả là rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ ngành mía đường phát triển bền vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất đường Thái Lan, Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận