31/12/2014 08:10 GMT+7

Ngành hàng không trước sức ép dùng công nghệ theo dõi máy bay

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Sau vụ tai nạn của chuyến bay AirAsia QZ8501, hàng loạt chuyên gia và tổ chức hàng không quốc tế lên tiếng kêu gọi các hãng hàng không áp dụng công nghệ theo dõi máy bay “trong thời gian thực”.

Máy bay AirAsia chưa được trang bị công nghệ theo dõi thời gian thực - Ảnh: Reuters

Theo AFP, sau vụ chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines với 239 người mất tích bí ẩn, ngành hành không quốc tế cho rằng việc sử dụng vệ tinh để cập nhật trực tiếp và liên tục vị trí các máy bay thương mại là ưu tiên hàng đầu.

Các thành viên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho rằng cần phải lập tức áp dụng công nghệ theo dõi máy bay trong thời gian thực. Tuy nhiên ICAO không đặt ra thời gian biểu cụ thể cho các hãng hàng không. Nguyên nhân bởi việc áp dụng công nghệ này tốn khá nhiều tiền.

Tâm lý “bia mộ”

Dù  nhiều hãng hàng không trên thế giới đã bị lỗ trong vài năm qua nhưng với việc chuyến bay QZ8501 mất tích, giới chuyên gia quốc tế đang gây sức ép dữ dội lên các hãng hàng không. Các nhà phân tích cho rằng công nghệ theo dõi không ngăn chặn được thảm họa, nhưng có thể hỗ trợ cực kỳ hiệu quả các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.

“Theo dõi thời gian thực không cứu được mạng người nhưng việc phát hiện xác máy bay và hộp đen nhanh chóng sẽ giúp các hãng hàng không cải thiện độ an toàn, qua đó giúp cứu sống nhiều hành khách trong tương lai” - AFP dẫn lời chuyên gia Scott Hamilton, giám đốc hãng tư vấn hàng không Mỹ Leeham Co.

Theo báo Anh Independent, trên thực tế hiện một công ty Canada là Flyht đang bán hệ thống có thể cung cấp vị trí chính xác các máy bay. Khi máy bay gặp sự cố khẩn cấp, hệ thống này lập tức truyền dữ liệu từ hộp đen qua vệ tinh tới các đài kiểm soát không lưu.

Các thông tin này sẽ giúp lực lượng điều tra xác định nguyên nhân tai nạn và vị trí máy bay rơi. Thiết bị này đã được phê chuẩn để sử dụng trên máy bay Airbus A320. Nhưng Hãng AirAsia chưa lắp thiết bị này vào các máy bay của hãng.

Chuyên gia Hamilton chỉ trích ICAO đã do dự bất chấp vụ máy bay MH37 mất tích. “Các tổ chức giám sát hàng không có tâm lý bia mộ, đó là chỉ chịu thay đổi các quy tắc an toàn khi có người chết” - ông Hamilton chỉ trích.

Chi phí cao

Một số quan chức ngành hàng không quốc tế than phiền chi phí ứng dụng công nghệ theo dõi máy bay bằng vệ tinh quá tốn kém. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng thời gian qua các hãng hàng không đang đầu tư hàng chục triệu  USD để cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng qua vệ tinh trong máy bay.

Dịch vụ này giúp hành khách thoải mái hơn trong các chuyến bay nhưng không thể quan trọng bằng việc đảm bảo an toàn. Chuyên gia hàng không Mỹ Robert Mann nhận định các hãng hàng không đang lần chần vì hi vọng vào cuối thập niên 2020, công nghệ theo dõi qua vệ tinh sẽ trở nên rẻ hơn và nhanh hơn.

“Tôi cho rằng ngành hàng không quốc tế sẽ không vội áp dụng công nghệ theo dõi trong thời gian thực trừ khi bị ép buộc” - chuyên gia Mann dự báo. ICAO cho biết theo các kế hoạch từng được đưa ra, việc áp dụng công nghệ này tốn khoảng 100.000 USD với mỗi máy bay.

“Đã đến lúc ICAO phải quyết định và hành động” - chuyên gia Scott Anderson của Hãng Leeham Co khẳng định. Phản ứng lại, ông Andrew Herdman, giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, biện minh rằng ICAO vẫn đang nỗ lực áp dụng công nghệ theo dõi thời gian thực trên diện rộng.

“Các nỗ lực toàn cầu vẫn đang diễn ra. Ở thời điểm này chúng ta chỉ nên tập trung vào nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ chuyến bay QZ8501” - ông Herdman bào chữa.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp