Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ VN - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sự dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ - Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào VN nhưng cũng bộc lộ nhiều thách thức. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư vào ngành này đã tăng gấp gần 1,2 lần so với tổng FDI vào ngành gỗ của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI vào ngành gỗ của cả năm 2018.
Nhưng như vậy DN Việt được hưởng lợi gì? Trong ngắn hạn, đã có DN thu lợi bằng cách cho thuê hay bán luôn cả nhà xưởng cho khối FDI. Trong khi đó, nếu nhìn ra cơ hội lâu dài thì đây chính là thời điểm để thay đổi chiến lược, phải làm sao có tầm nhìn mới nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.
Vậy DN ngành gỗ VN cần gì? Rào cản lớn nhất hiện nay là năng lực vươn ra thị trường quốc tế của DN VN còn yếu, nhiều doanh nhân có tâm trạng mệt mỏi, ngại khó. Chỉ các DN năng động, lực sản xuất vững, tạo giá trị gia tăng cao mới có thể chăm sóc đơn hàng mới này.
Thế nên khoan nói chuyện hưởng lợi nhờ thương chiến mà phải chú tâm vào chuyện của nội lực trong nhà: mình có đủ năng lực thực hiện các đơn hàng đó? DN cần gì hay cần thêm cái gì để tăng tính cạnh tranh của mình?
Ông Nguyễn Quốc Khanh
Trong định hướng phát triển ngành gỗ đến năm 2025, Chính phủ "giao" cho ngành gỗ con số 20 tỉ USD doanh số xuất khẩu. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, nhưng để kiến tạo nên con số gấp đôi hiện tại, còn nhiều bài toán không chỉ đến từ lực lượng lao động, vốn mà còn cả tư duy sâu, tầm nhìn thoát khỏi "chiếc áo" gia công. Đó là định hướng phát triển cùng lúc kinh doanh nhiều hơn một giá trị từ sản xuất, thiết kế, thương mại đến thương hiệu.
DN cần nghĩ đến việc kinh doanh sản phẩm có thiết kế, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu riêng. Sự chủ động nâng cao giá trị này sẽ thúc đẩy sự tồn tại sống còn đặc biệt trong thương chiến Mỹ - Trung: tránh được cả nguy cơ bị mua bán, sáp nhập trước làn sóng dịch chuyển của DN Trung Quốc.
Trong các hội thảo, chúng tôi nhận thấy ngành gỗ đang rất cần thêm nhân lực cho các mảng đang yếu là thiết kế, thương mại. Hiệp hội, DN đang bắt đầu liên kết với các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề, đại học, cao đẳng... với hi vọng có thể đưa ra đơn đặt hàng cụ thể. Nhưng nỗ lực ấy vẫn chưa đủ. DN có thể chủ động chọn cho mình công nghệ, quy mô, dây chuyền sản xuất nhưng vấn đề nhân sự phải là bài toán toàn ngành, của định hướng trong đào tạo của các trường, của Chính phủ.
Ở khía cạnh nhà nước, các vấn đề chính sách vĩ mô cho ngành phát triển là rất quan trọng. Đặc thù của ngành gỗ là cần diện tích lớn để sản xuất trưng bày nên cần một chính sách giao đất hợp lý hay đầu tư xây dựng một trung tâm đồ gỗ tăng tính nhận diện của ngành.
Nhà nước cần tạo môi trường, không gian để DN có tầm nhìn với nghề, với ngành gỗ, hiểu được đây là một ngành công - nông nghiệp, đóng góp quan trọng cho kinh tế VN không chỉ bằng các hội thảo, các cuộc giao lưu thương mại quốc tế mà còn đưa vào chiến lược phát triển kinh tế, cung cấp số liệu, tăng kiến thức cho DN... Sự nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của ngành gỗ trong nền kinh tế bằng những hành động cụ thể sẽ thôi thúc DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất một cách bài bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận