Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum - Phạm Thị Trung, tỉnh này đang tranh thủ nguồn lực và tâm huyết để dịch chuyển toàn ngành, nâng cao chất lượng dạy và học.
Đưa STEM tới cấp tiểu học
Với các tỉnh miền xuôi, STEM có khi vẫn còn khá lạ lẫm, nhưng ở Sở GD-ĐT Kon Tum thì từ này đã trở thành "key word" (từ khóa) hàng ngày trong các văn bản, ý kiến chỉ đạo đốc thúc công việc mỗi ngày từ lãnh đạo Sở đến các phòng ban.
Trưởng Phòng GD tiểu học và mầm non (Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum), cô Huỳnh Thị Thu Vân - cho biết, giáo dục STEM được Kon Tum triển khai nhiều năm trước. Nhưng từ 2023, tiếp tục triển khai ở cả khối tiểu học và ngay lập tức tạo ra bầu không khí mới ở các trường.
Theo cô Vân, STEM là một cách tiếp cận liên môn trong quá trình học mà ở đó mỗi học sinh được vận dụng kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, STEM còn chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như: kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện…
Cô Vân cũng cho biết, khi áp dụng cho khối tiểu học, STEM cũng được điều chỉnh để học sinh thấy gần gũi, hứng thú nhất. Mỗi hoạt động đều được xây dựng dựa trên sự phong phú của cuộc sống thực tiễn và phục vụ cho cuộc sống thực tiễn trong một chừng mực phù hợp với khả năng của học sinh.
Quá trình tổ chức các hoạt động, giáo viên phải lựa chọn những nội dung dạy học gần gũi với thực tiễn kinh nghiệm sống của học sinh, luyện cho học sinh thói quen quan tâm, chú ý tới các sự kiện, hiện tượng xung quanh.
Đồng thời tạo cho trẻ kỹ năng vận dụng những kiến thức thu được trên các giờ học vào các hoạt động khác nhau bằng việc tổ chức các hoạt động đa dạng,
AI - những viên gạch đầu tiên ở Kon Tum
Gần đây, nhiều người quan tâm tới giáo dục Kon Tum còn rất bất ngờ khi Sở GD-ĐT tỉnh này cho tập huấn các chương trình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tiếp cận thông tin về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học.
Dù mới chỉ dừng lại ở hoạt động nâng cao hiểu biết, tuy nhiên những viên gạch nền móng cho tương lai của ngành Giáo dục tỉnh này đã thật sự được đặt xuống.
Theo cô Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum thì cả thế giới đang sống trong thời đại của 4.0 và ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc.
"Trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cánh cửa mới và có tác động mạnh mẽ trong việc cải thiện quá trình học tập và giảng dạy, việc áp dụng AI trong quá trình dạy học tại bậc phổ thông không chỉ là một khái niệm mà còn là một sự thay đổi cần thiết từ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của tỉnh Kon Tum" - bà Trung nói.
Cũng theo cô Trung, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng với mục tiêu cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết; trong đó, bao gồm cả việc phát triển những kỹ năng mềm và khả năng sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.
Trong bối cảnh đó, AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tốt cho quá trình giảng dạy của người giáo viên và quá trình học tập của học sinh. Với tính linh hoạt và khả năng tương tác cao, AI cung cấp các phương pháp giảng dạy tùy chỉnh và cá nhân hóa cho từng học sinh. AI cũng có khả năng phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu suất học tập và cung cấp thông tin chi tiết để giúp cải thiện quá trình giảng dạy.
Tuy nhiên, việc áp dụng AI trong dạy cũng sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn, đó là sự chuẩn bị và nghiên cứu công nghệ và ứng dụng của AI của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh để vận dụng linh hoạt trong dạy và học còn yếu.
Bà Phạm Thị Trung - GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum
Xu thế số hóa là không thể đảo ngược trong mọi lĩnh vực hiện nay và tương lai. Chúng tôi mong muốn toàn ngành giáo dục tận dụng sức mạnh của AI để tạo ra một môi trường học tập phong phú, đa dạng và hứa hẹn cho tương lai của ngành giáo dục Kon Tum
AI không thay thế sự tương tác con người, mà là một công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập. Bên cạnh những mặt tích cực ủa AI, bà Trung cho rằng các thầy cô giáo cần có sự cân nhắc cẩn thận về việc sử dụng AI để đảm bảo nó phục vụ mục tiêu giáo dục một cách tích cực.
Từ tầm nhìn của lãnh đạo Sở GD-ĐT Kon Tum, vừa qua viên gạch đầu tiên cho tư duy dịch chuyển AI trong ngành giáo dục đã được đặt xuống thông qua hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học.
Hội thảo với mục đích giúp cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán nắm bắt những cơ hội để tối ưu hóa quá trình học tập và giảng dạy nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình phổ thông mới.
Qua nhiều buổi, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các trường đã được nắm bắt các chuyên đề lý thú và lạ lẫm như: AI - thời cơ và thách thức trong tổ chức dạy học đối với ngành Giáo dục địa phương; Ứng dụng AI đối với giáo dục phổ thông; Ứng dụng AI trong việc truyền cảm hứng cho học sinh trong quá trình học tiếng Anh; Ứng dụng Chatbot trong dạy học; Công nghệ AI và sự đổi mới phong cách làm việc của người giáo viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận