
Các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành "nhẹ nhõm", đánh giá tình hình tươi sáng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các nước - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đánh giá tình hình tươi sáng hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các nước.
Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sức chi tiêu không thay đổi
Ngày 10-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Vietravel - cho biết Mỹ áp thuế đối ứng các nước, phần nào đó tác động gián tiếp đến ngành du lịch Việt Nam, ảnh hưởng đến sức mua và tâm lý tiêu dùng của du khách.
"Doanh nghiệp du lịch có thể kỳ vọng sức chi tiêu du lịch sẽ không thay đổi đáng kể đối với khách nội địa lẫn khách quốc tế khi đến Việt Nam", bà Hoàng nói và cho biết doanh nghiệp có thể tranh thủ thời gian này để điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tái cơ cấu giá bán.
Đơn hàng và việc sản xuất kinh doanh vẫn duy trì tốt thì lợi nhuận có thể dùng để bù đắp tác động từ mức thuế này.
Ngoài ra, theo bà Hoàng, sức chi tiêu du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, tâm lý tiêu dùng và môi trường kinh doanh chung.
Nền kinh tế vẫn ổn định và các doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thì mức thuế sẽ không gây ảnh hưởng lớn.
"Cơ chế hỗ trợ từ các ngành liên quan như vận tải, giải trí, khách sạn cùng với sự linh hoạt trong điều chỉnh chiến lược tiếp thị có thể giúp ngành du lịch giữ được sức hút và ổn định về mức chi tiêu", bà Hoàng kỳ vọng.
Tương tự, ông Từ Quý Thành, giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, nhìn nhận việc hoãn áp thuế đối ứng cũng giúp cho khách giải tỏa tâm lý căng thẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các tour tuyến không còn bị hủy...
Đa dạng nguồn khách, đổi mới sản phẩm dịch vụ
Bà Hoàng nhìn nhận áp thuế "tạm hoãn" không đồng nghĩa với việc "bãi bỏ hoàn toàn" nên đây cũng là thời gian doanh nghiệp, đơn vị lữ hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như chuẩn bị thích ứng với những tình huống.
Chẳng hạn, điều chỉnh chiến lược kịp thời trong việc đa dạng hóa nguồn khách và đổi mới các sản phẩm dịch vụ, ngành du lịch Việt Nam có khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực và chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển.
Tương tự, ông Trương Duy Thành, tổng giám đốc Công ty du lịch Unisky, cũng cho rằng hàng hóa giảm áp lực thuế, không ảnh hưởng thu nhập, kế hoạch dành cho du lịch đến Việt Nam được kỳ vọng nên doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm để kéo và bảo đảm cấu trúc khách hàng.
6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1-2025
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tổng lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024, và tăng 134% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lượng khách quốc tế trong một quý cao nhất từ trước đến nay, có tổng thu 242.000 tỉ đồng.
Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất. Tiếp theo là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Úc, Malaysia, Ấn Độ và Nga.
Khách quốc tế từ các thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng hai con số. Các thị trường chính như Anh tăng 23,5%, Pháp tăng 28,3%, Đức tăng 23,3%, đặc biệt thị trường Nga tăng mạnh 110,5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận