
Các hình hộp mù tại một cửa hàng Pop Mart ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: bloomberg.com
Trung Quốc từng nổi tiếng là "công xưởng của thế giới" với hình ảnh gắn liền cùng các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp. Nhưng giờ đây, điều đó đang dần trở thành quá khứ. Với những khoản đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng nhu cầu tiêu dùng cao cấp ngày càng tăng, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang từng bước tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định mình trong phân khúc sản phẩm chất lượng và sáng tạo.
Một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp đồ chơi thiết kế, vốn được xem là lĩnh vực đơn giản nhưng nay lại trở thành biểu tượng cho sự "lột xác" của hàng hóa Trung Quốc khi có sự kết hợp giữa công nghệ, văn hóa và thiết kế hiện đại.
Tại thủ đô Paris (Pháp), Bảo tàng Louvre - vốn là biểu tượng nghệ thuật của thế giới - bất ngờ trở thành điểm tụ hội của những người yêu thích đồ chơi sưu tầm. Họ xếp hàng để mua các món đồ chơi phiên bản giới hạn của POP MART, một thương hiệu Trung Quốc nổi tiếng. Các nhân vật như Labubu được "hóa thân" theo phong cách các kiệt tác phương Tây, từ Mona Lisa, chân dung Van Gogh đến "Người thổi sáo" của Manet.
POP MART đã mở một cửa hàng rộng 60m² gần Bảo tàng Louvre từ mùa Hè năm ngoái và nhanh chóng thu hút người hâm mộ khắp châu Âu. Victoire - một cô gái trẻ người Pháp - chia sẻ: "Tôi mê mẩn các túi mù. Chúng dễ thương, nhiều màu sắc và khiến tôi cảm thấy như đang sống lại tuổi thơ".
Trung Quốc, từ nơi nổi tiếng với các sản phẩm đại trà, giờ đây đang tái định vị hình ảnh một quốc gia sản xuất với những sản phẩm sáng tạo, có bản sắc. Và POP MART là một ví dụ tiêu biểu. Hãng này sở hữu tài sản trí tuệ độc quyền (IP), thiết kế riêng biệt và một mạng lưới kinh doanh rộng khắp toàn cầu.
Không chỉ POP MART, thành phố Đông Quan (miền Nam Trung Quốc) - nơi được mệnh danh là "thủ phủ đồ chơi" - cũng đang góp phần vào sự bứt phá này. Công ty WoFactory, nổi bật với sản phẩm ăn theo phim hoạt hình ăn khách "Na Tra 2", đã nhận lượng đơn hàng vượt 100 triệu Nhân dân tệ và dự kiến doanh thu sẽ còn tăng mạnh trong năm nay. Hiện Đông Quan có hơn 4.000 nhà sản xuất và 1.500 doanh nghiệp hỗ trợ, đóng góp 85% sản lượng đồ chơi Trung Quốc và 25% thị phần toàn cầu với các sản phẩm liên quan hoạt hình.
Theo các chuyên gia, ngành đồ chơi thiết kế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt quy mô trên 110 tỉ Nhân dân tệ vào năm 2026, gần gấp đôi so với mức 60 tỉ Nhân dân tệ của năm 2023, chiếm khoảng 20% thị phần toàn cầu.
Chuyên gia Sun Wenkai thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết sự phát triển nhanh chóng này nhờ vào chuỗi cung ứng hiệu quả, thị trường nội địa lớn, kinh nghiệm sản xuất lâu đời và thế hệ nhà thiết kế hiểu rõ yếu tố văn hóa đa dạng.
Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng đang tạo ra những bước tiến vượt bậc. Tại Thượng Hải, công ty khởi nghiệp FoloToy đã kết hợp chip AI nội địa và chatbot DeepSeek để biến những món đồ chơi thú bông thành gia sư tiếng Anh cho trẻ nhỏ. Giám đốc điều hành (CEO) Wang Le cho biết từ năm 2023 đến 2024, công ty đã bán hơn 20.000 sản phẩm qua các nền tảng như Tmall và Amazon.
Tại Nghĩa Ô - trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc về hàng hóa nhỏ - các cửa hàng đồ chơi cũng ghi nhận nhu cầu tăng vọt với sản phẩm tích hợp AI. Nhà thiết kế Sun Lijuan chia sẻ: "Chúng tôi thiết kế búp bê thông minh nói tiếng Arập để phục vụ thị trường Trung Đông. Gần 70% đơn hàng gần đây đến từ khu vực này".
Nghĩa Ô sở hữu chuỗi cung ứng siêu tốc, có thể biến một ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh chỉ trong 1 ngày, giúp doanh nghiệp cạnh tranh vượt trội.
Theo Giáo sư An Zidong làm việc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nước này đang bước vào giai đoạn mới của ngành sản xuất, không còn dựa vào số lượng mà tập trung vào chất lượng, thương hiệu và công nghệ thông minh. Ông nêu rõ: "Với sự thay đổi về lao động, xu hướng tiêu dùng và tiến bộ công nghệ, ngành sản xuất Trung Quốc đang chuyển mình sâu rộng - hướng đến chất lượng cao, đặt thương hiệu làm trung tâm và phát triển thông minh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận