Trong 9 tháng đầu năm 2020, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá khoảng 1.700 trang đánh bạc trực tuyến và 1.400 ngân hàng ngầm, liên quan tới hơn 1.000 tỉ NDT (153 triệu USD) giao dịch phi pháp - Ảnh: REUTERS
Một lao động di cư từ thành phố Bảo Định, Trung Quốc đã "vay" ba thẻ tín dụng dưới tên những người bạn của mình để trang trải khoản nợ 2.500 NDT (khoảng 380 USD).
Người này không bao giờ nghĩ rằng bản thân sau đó sẽ bị bắt vì buôn bán thẻ tín dụng trái phép, được các tổ chức tội phạm dùng để rửa tiền cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Chiến dịch toàn quốc
Theo tạp chí Nikkei Asia, việc bắt bớ trên nằm trong một chiến dịch toàn quốc của Bắc Kinh nhằm lật tẩy những hoạt động giao dịch và buôn bán thẻ ngân hàng bất hợp pháp, đối phó với các vụ lừa đảo viễn thông và đánh bạc trực tuyến.
Chiến dịch này cũng nhắm đến việc chặt đứt liên kết giữa các SIM điện thoại có kết nối thẻ ngân hàng và những người dùng không đăng ký chính chủ, cũng như các tài khoản thanh toán trực tuyến như WeChat Pay hay Alipay.
Theo một quan chức tại Bộ An ninh Trung Quốc, hình thức phạm pháp này đang tạo nên cả một "ngành công nghiệp" chiêu mộ 5-6 triệu lao động từ các mảng công nghệ thông tin (IT), dàn xếp thanh toán và vận hành.
Hệ thống thanh toán và rửa tiền phức tạp có liên quan tới cả các tay bạc ở những khu vực hẻo lánh của Trung Quốc, giống như người lao động di cư ở Bảo Định nói trên. Những người này thường vay hoặc mượn thông tin tài chính từ các tổ chức tội phạm nước ngoài.
Các tổ chức đó sẽ giúp các tay bạc giấu tiền khỏi chính quyền, thường là thông qua tiền ảo.
Lợi dụng công nghệ
Bộ An ninh Trung Quốc ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020, cảnh sát đã triệt phá khoảng 1.700 trang đánh bạc trực tuyến và 1.400 ngân hàng ngầm, liên quan tới hơn 1.000 tỉ NDT (153 tỉ USD) giao dịch phi pháp.
Một năm trước đó, cảnh sát Trung Quốc đã phá 7.200 tường hợp đánh bạc trực tuyến với tổng số tiền lên đến 18 tỉ USD.
Trong chuỗi đánh bạc xuyên biên giới này, thanh toán di động đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Là một trong những quốc gia đi đầu, Trung Quốc đã rất mạnh tay trong việc quảng bá thanh toán di động thông qua quét mã QR.
Ở Trung Quốc, ngay cả một người bán hàng rong cũng sở hữu mã QR để thực hiện thanh toán di động. Sự tiện lợi của phương thức thanh toán này nhanh chóng thu hút các tổ chức tội phạm.
Theo cảnh sát Trung Quốc, để đặt cọc con bạc sẽ nhận được một địa chỉ thanh toán kết nối với một nền tảng trung gian giống như một ứng dụng đặt xe trực tuyến.
Một thành viên đã đăng ký của nền tảng trên sẽ "nhận đơn hàng" và đăng tải số tiền này, sử dụng tài khoản thanh toán hoặc vay nợ của một người khác. Số tiền sau đó được chuyển đến các trang đánh bạc ở nước ngoài.
Những nền tảng trung gian nhận được khoản hoa hồng 2,5-4% trong số tiền thanh toán và các thành viên nhận được 1-2%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận