23/11/2017 17:44 GMT+7

Ngành cơ khí than vì chịu bất công với khối FDI

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Máy móc nhập khẩu miễn thuế, còn thiết bị lắp ráp trong nước lại chịu 10-15%. Các doanh nghiệp cho rằng họ không sợ cạnh tranh, chỉ ngại bất công.

Ngành cơ khí than vì chịu bất công với khối FDI - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị chế tạo trong nước đang gặp bất lợi về chính sách thuế. Trong ảnh: sản xuất thiết bị tivi tại một doanh nghiệp trong nước - Ảnh: NHƯ BÌNH

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp trong ngành này không ngại cạnh tranh với nhau về năng lực sản xuất, mà chỉ lo về cơ hội tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn lớn.

Nhận định của ông Tống được nêu ra tại buổi họp báo về Hội chợ Vietnamexpo HCMC 2017 và Triển lãm quốc tế sản phẩm ngũ kim và dụng cụ cầm tay được tổ chức ngày 23-11.

Cụ thể, ông Tống cho rằng chính sách khuyến khích, tạo lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị trong nước thì Nhà nước cần đánh thuế hàng nhập khẩu. 

"Nhưng thực tế lại ngược 180 độ. Máy móc nhập khẩu hưởng thuế 0%, còn linh kiện, thiết bị lắp rắp trong nước lại chịu thuế 10-15%, làm cản trở doanh nghiệp sản xuất vì chi phí đầu vào cao" - ông Tống nói. 

Mức thuế cao này khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam thấp, dẫn tới khả năng cạnh tranh yếu.

Theo ông Tống, điều đó giải thích vì sao ngành này không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, mà chủ yếu các nhà thương mại. 

Thời gian gần đây, ông Tống cho biết ở TP.HCM đã có một số chính sách hỗ trợ bù lãi suất cho ngành nên tình hình có cải thiện.

Tuy nhiên, khả năng tạo ra hiệu quả đầu tư là bài toán khó của ngành cơ khí, chỉ có một số doanh nghiệp vượt qua được.

Dù vậy, chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM vẫn tỏ ý lạc quan khi cho rằng nhu cầu của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam rất lớn và hoàn toàn có cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bởi lẽ nguồn lực, khả năng của các doanh nghiệp là có. 

Đến nay, không ít doanh nghiệp Việt đang trở thành nhà cung cấp các sản phẩm linh phụ kiện chính xác cao cấp cho máy bay dân dụng, tàu điện ngầm, metro, thậm chí là thiết bị vũ khí xuất khẩu đi nhiều nước. Vấn đề là cơ hội tiếp cận thị trường nội địa lại không cao. 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu lép vế trước các ưu đãi khủng cho khối FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng cho biết họ khá vất vả tìm cơ hội chen chân vào chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn trên thế giới.

"Tính cạnh tranh doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề không quá đáng lo ngại, mà cơ hội tham gia chuỗi mới lo. Ngay cả những doanh nghiệp được cho là tham gia chuỗi của những ông lớn thì thực ra họ cũng chỉ mới là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 của chuỗi" - ông Tống nói.

Triển lãm Vietnam Expo và Triển lãm quốc tế ngũ kim - dụng cụ cầm tay 2017 được tổ chức từ ngày 6 đến 9-12 tại Trung tâm triển lãm SECC, Q.7, TP.HCM, dự kiến thu hút doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.

Đây được xem là sân chơi thương mại toàn diện, bao gồm các hình thức quảng bá truyền thống đến cách thức tiếp thị tích hợp đa kênh, nơi mà các sản phẩm nhất được tiếp thị trực tiếp tới giới chuyên gia, nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp