Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Chuỗi cung ứng ngành cao su Việt Nam - Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng của châu Âu" do Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) và Tổ chức Forest Trends tổ chức tại TP.HCM ngày 17-5.
Quy định chống phá rừng của EU
EU ban hành Quy định chống phá rừng (EU Deforestation Regulation, EUDR) chính thức có hiệu lực từ ngày 29-6-2023. Theo EUDR, 7 nhóm mặt hàng trong đó có cao su và các sản phẩm từ cao su sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu và/hoặc gây mất rừng và suy thoái rừng, với thời điểm mất rừng/suy thoái rừng được tính từ ngày 31-12-2020 trở về sau.
Các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU có thời gian 18 tháng (công ty lớn) hoặc 24 tháng (công ty vừa và nhỏ) để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Đáp ứng với các yêu cầu của EUDR có vai trò quan trọng trong việc duy trì tiếp cận thị trường này.
Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký VRA, cho biết, mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu dẫn đầu, nhưng EU vẫn là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su của Việt Nam. EU là thị trường khó tính nhưng tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt khi có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Theo VRA, việc EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ tác động không nhỏ đến ngành cao su Việt Nam. Về phía thuận lợi, EUDR sẽ tạo động lực cho Việt Nam trong việc phát triển ngành cao su theo hướng bền vững hơn.
Với khoảng 48% diện tích trồng cao su đại điền, Việt Nam cũng có lợi thế trong việc đáp ứng tiêu chí không chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp của EUDR. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư cho hệ thống chứng chỉ rừng bền vững quốc gia và quốc tế để xây dựng mô hình sản xuất cao su bền vững.
Ngành cao su chủ động ứng phó
Tuy nhiên, EUDR cũng đem lại không ít thách thức cho ngành cao su Việt Nam. Nguồn cung cao su thiên nhiên đầu vào của Việt Nam tương đối đa dạng, bao gồm từ đại điền, tiểu điền trong và ngoài nước, các nguồn này có thể được phối trộn trong quá trình chế biến. Việc tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đánh giá rủi ro từng lô hàng, đặc biệt với khoảng 260.000 hộ tiểu điền và mạng lưới thu mua phức tạp sẽ là thách thức lớn.
Áp lực đầu tư công nghệ để đáp ứng quy định cũng là gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với cách định nghĩa rộng về suy thoái rừng, nhiều diện tích rừng cao su sản xuất của Việt Nam có thể bị xem là gây suy thoái rừng theo EUDR. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro của EU đối với Việt Nam.
Trước những phản ứng trái chiều từ các nước sản xuất về EUDR, Ủy ban châu Âu (EC) đã phải tăng cường đối thoại và giải thích rõ ràng hơn về cách thức và lộ trình thực thi. Nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ EUDR, trong khi các nước thành viên EU thì có những ý kiến trái ngược về việc trì hoãn hay miễn trừ một phần.
Tại Việt Nam, ngay từ giai đoạn đầu EUDR được đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực làm việc với EC để tháo gỡ các vấn đề cụ thể.
Về phía Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), đã tích cực phổ biến thông tin và chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp về các giải pháp thích ứng với EUDR. VRA cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp với nhà quản lý, tổ chức trong và ngoài nước.
VRA cũng kiến nghị với Bộ ngành cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho hộ tiểu điền cao su về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc; tích hợp số liệu về cao su vào hệ thống thông tin quốc gia về rừng và khu vực sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đánh giá rủi ro bằng ứng dụng công nghệ tích hợp. Doanh nghiệp cũng cần duy trì và mở rộng chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; đồng thời, hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu EU để thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung phù hợp với quy định mới.
Ngành cao su là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cao su của Việt Nam đạt 9,4 tỉ USD, trong đó bao gồm cao su thiên nhiên (2,1 triệu tấn, 2,9 tỉ USD) và các sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay,... (4,4 tỉ USD) và gỗ cao su (2,2 tỉ USD).
Thị trường xuất khẩu chính của ngành cao su Việt Nam (chỉ tính cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su) bao gồm Trung Quốc (chiếm 32,7% tổng kim ngạch), Hoa Kỳ (20,9%), EU và một số thị trường khác. Trong đó EU đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 469 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận