10/01/2025 09:36 GMT+7

Ngành bán lẻ năm nay dự báo đạt 350 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 tổng mức ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Việt Nam tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành bán lẻ - ngôi sao hy vọng - Ảnh 1.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng là tiềm năng của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Trong ảnh: người dân mua hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2025, Bộ Công Thương đưa ra dự báo quy mô thị trường bán lẻ tăng lên 350 tỉ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách. Theo nhiều chuyên gia, để chứng tỏ sức hấp dẫn trong dài hạn, ngành bán lẻ Việt Nam cần rất nhiều giải pháp để tăng trưởng đột phá.

Mỹ phẩm ngoại tăng trưởng ở thị trường Việt

Theo Trung tâm Nghiên cứu bán lẻ, năm 2024 ngành bán lẻ Anh lao đao với sự sụp đổ của các chuỗi cửa hàng lớn như Homebase và The Body Shop.

Trong đó, The Body Shop là thương hiệu mỹ phẩm đình đám với nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu như tháng 3-2024 The Body Shop đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ (đóng cửa 50 cửa hàng) và Canada (33 cửa hàng), The Body Shop Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, mở rộng mạng lưới cửa hàng khu vực trung tâm các TP lớn.

Ghi nhận thị trường Việt Nam, hiện hãng mỹ phẩm Anh có 41 điểm bán được vận hành. 

Nhiều doanh nghiệp "thấm đòn" sau dịch và kinh tế nhiều biến động trong năm qua, nhưng riêng chuỗi thương hiệu này tại Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh bán lẻ trực tuyến, đặc biệt bán lẻ thông qua mạng xã hội.

Theo báo cáo, sau dịch COVID-19, The Body Shop Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu với tỉ lệ tăng kép hằng năm trên 20%, trong khi kết quả hợp nhất của tập đoàn sở hữu... tăng trưởng âm.

Dễ thấy nhất ở hãng mỹ phẩm này năm qua là tổng doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến lần lượt tăng hơn 30% và hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Chị Nguyễn Thị Xuân (nhân viên cửa hàng trên đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM) cho hay chị không biết cụ thể doanh thu như thế nào, chỉ biết khách liên tục ra vào mua hàng.

"Tôi bán hàng ở đây gần 7 năm, dù khó khăn nhưng khách vẫn tăng mua sản phẩm. Dịp Tết cửa hàng bán lẻ rất chạy, thương hiệu kinh doanh ổn nên nhân viên luôn bám trụ công việc", chị Xuân nói.

Tương tự, ngày 9-1, Tuổi Trẻ trao đổi với đại diện Tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal tại Việt Nam về tình hình bán lẻ của thương hiệu mỹ phẩm quốc tế có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm với hàng chục nhãn hàng lớn toàn cầu. Theo đại diện tại Việt Nam, doanh thu bán lẻ tại thị trường hơn 100 triệu dân năm 2024 có mức tăng trưởng hai con số, tăng 17%.

"So với trước dịch COVID-19, mức tăng này không bằng. Nhưng lấy mốc từ sau dịch COVID-19, mức tăng năm 2024 là tăng mạnh, tăng hơn năm trước.

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam khá tốt, đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển. Vì thế, trong tháng 1-2025 này, chúng tôi sẽ tung ra thị trường thêm một thương hiệu mỹ phẩm từ Hàn Quốc vào thị trường Việt.

Từ việc xây dựng đa kênh bán hàng trên nhiều nền tảng, cộng với đa dạng dòng sản phẩm thương hiệu quốc tế, chúng tôi sẵn sàng tâm thế bước mạnh vào thị trường Việt Nam vì có sức mua rất tốt", vị này thông tin.

Tăng thêm sản phẩm vào thị trường Việt để đa dạng hàng hóa, đón cơ hội từ thị trường bán lẻ nhưng L'Oreal tại Việt Nam không thuê hay mở rộng mặt bằng.

Chi phí này thay cho chi phí quảng bá, xây dựng kênh bán hàng online, tăng khuyến mãi có lợi cho người tiêu dùng, tăng sức mua... để hy vọng mức tăng trưởng 17% lên hơn 20 - 25% trong năm 2025.

Ngành bán lẻ - ngôi sao hy vọng - Ảnh 2.

Bạn trẻ lựa chọn sản phẩm chăm sóc da tại cửa hàng The Body Shop (chi nhánh quận 1, TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP

Sức mua thị trường trong nước tăng

Ngoài mỹ phẩm có mức tăng trưởng từ bán lẻ, thực phẩm, đồ uống hay các sản phẩm đã qua chế biến cũng mang lại sự tươi sáng cho ngành hàng, "lội ngược dòng" so với thị trường nước ngoài.

Là tập đoàn xuất khẩu dẫn đầu thị trường Việt Nam về sản phẩm nha đam với sản lượng 15.000 - 17.000 tấn/năm, xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới... như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á...

Năm 2024 là năm "đặc biệt" với GC Food vì doanh thu thuần gần 720 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 100 tỉ đồng, sáng nhất trong nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ - chủ tịch GC Food, kết quả này không đến từ sức bật của hoạt động xuất khẩu ở thị trường ngoại mà đến từ thị trường trong nước, đặc biệt hình thức bán lẻ.

"Sức mua bán lẻ ở thị trường trong nước với mặt hàng nha đam, thạch dừa chế biến của tập đoàn tăng 60% năm 2024.

Nhiều khách hàng lớn chuyên sản xuất sữa chua, nước giải khát và chuỗi nhà hàng, quán cà phê tăng lựa chọn sản phẩm của chúng tôi. Sức mua bán lẻ tăng trên cả bán hàng trực tiếp lẫn trên các nền tảng nên sắp tới chiến lược kinh doanh của GC Food là sẽ tập trung mũi nhọn vào đây", ông Thứ lý giải.

Thời gian qua, hệ thống kinh doanh thực phẩm hay ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) có sự chuyển mình tích cực của nhiều kênh bán lẻ. Trong triển lãm nguyên liệu ngành F&B mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ 10 - 12%.

Ngành bán lẻ - ngôi sao hy vọng - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Số liệu: THẢO THƯƠNG - Đồ họa: TUẤN ANH

Thay đổi chiến lược để thích ứng

Quy mô nhiều chuỗi cửa hàng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng, sự "lên ngôi" của thương mại điện tử sau dịch COVID-19 là những tiềm năng của ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Song sức ép từ các doanh nghiệp FDI cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp nội địa ngành bán lẻ cần nhiều nỗ lực.

Nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thứ dự đoán rằng năm 2025 kinh tế tăng trưởng sẽ còn chậm, thị trường thế giới giảm cầu; doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp bán lẻ, cần thay đổi chiến lược để thích ứng với xu thế thời cuộc, với thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.

"Bán lẻ truyền thống; bán trên các sàn thương mại điện tử với nhiều xu hướng như đa kênh, tăng cá nhân hóa trải nghiệm để tăng tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng; xu hướng mua hàng từ xem đánh giá của KOLs; xu hướng tiêu dùng bền vững... là tổng quan bức tranh ngành bán lẻ ở Việt Nam.

Để bức tranh này luôn có sức hấp dẫn, ngành bán lẻ cần rất nhiều giải pháp bám sát xu hướng và từng doanh nghiệp cũng có giải pháp riêng", ông Thứ gợi ý.

Trong khi đó, ông Lê Trung Nam, giám đốc EPS Investing Việt Nam, cho biết thị trường Anh, Đức... dân số bị già hóa; GDP ở các nước phát triển trong năm qua tăng trưởng rất thấp so với Việt Nam (giữ được đà tăng trưởng tăng 5,5%, thuộc tốp cao thế giới, đứng thứ 34) nên thị trường bán lẻ eo hẹp.

Ông Nam phân tích: "Việt Nam có dân số trẻ, gen Z chiếm đa số chi tiêu. Dù khó khăn hay xu hướng tiết kiệm, thế hệ này vẫn chi tiêu bình thường, kéo theo ngành bán lẻ tăng trưởng.

Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19, cung và cầu gặp nhau tạo chất xúc tác cho ngành bán lẻ vì xu hướng thị trường bị thay đổi.

Lý do có thể nhắc thêm là tác động chính sách kích thích bán lẻ của Trung Quốc muốn thúc đẩy mạnh ngành bán lẻ, tác động ngành bán lẻ Việt Nam vì hàng Trung Quốc đáp ứng nhu cầu thị trường Việt".

Bên cạnh đó, giải pháp mà ông Nam đưa ra để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển thì điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, thông thoáng cởi mở, vì tâm lý chỗ nào thuận lợi sẽ có sức hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Doanh nghiệp vừa làm vừa hiện thực hóa đam mê kinh doanh, rồi còn gián tiếp tạo công ăn việc làm, thu nhập, đóng góp ngân sách. Về yếu tố thị trường, thị trường chuyển biến như thế nào thì doanh nghiệp phải thay đổi.

Ở đây là có sản phẩm phù hợp với người trẻ, nếu bỏ rơi thị trường sẽ lạc hậu. Thời đại của data và trí tuệ nhân tạo, để phát triển mạnh ở thị trường bán lẻ, doanh nghiệp nên có phân tích thị trường qua những như con số rõ ràng hơn để dễ trúng mục tiêu hơn cảm tính như trước đây", ông Nam nói.

Ngành bán lẻ - ngôi sao hy vọng - Ảnh 4.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần hai giải pháp

Theo TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM), ba trụ cột nền kinh tế trong nước gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa.

Xuất khẩu năm 2024 là "ngôi sao sáng" vì đóng góp rất lớn trong tăng trưởng chung, còn tiêu dùng bán lẻ nội tăng trưởng khiêm tốn hơn nhưng có thể nói là "ngôi sao hy vọng".

Ông Huân đánh giá tiềm năng của thị trường ngành bán lẻ Việt Nam rất lớn. Nêu cơ sở cho đánh giá này, ông Huân lý giải Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á.

Dự kiến tầng lớp này tăng lên đến 26% vào năm 2026. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu tiêu dùng chăm sóc sức khỏe, làm đẹp bản thân, mua sắm những mặt hàng xa xỉ cũng tăng lên.

Khi thu nhập bình quân/người tăng, quy mô và thị trường bán lẻ sẽ có dòng chảy mạnh nghiêng về các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là điều hiển nhiên.

Giải pháp để ngành hàng bán lẻ Việt Nam tăng đột biến, theo ông Huân, cần hai giải pháp là thêm chính sách "trải thảm đỏ" với doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường nội địa bắt buộc quy định phải liên doanh, chia sẻ thị phần lợi nhuận với doanh nghiệp trong nước để cùng tăng trưởng.

"Chúng ta chưa có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước như miễn thuế thuê đất.

Chúng ta hiện chỉ tập trung kêu gọi đầu tư trải thảm đỏ với doanh nghiệp nước ngoài như miễn tiền thuê đất có khi đến 50 năm, giảm thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp trong nước cũng cần được hỗ trợ để không bị lép vế", chuyên gia này phân tích.

Đặt ra giải pháp quy định liên doanh giữa doanh nghiệp nước ngoài "nhảy" vào thị trường nội địa, ông Huân dẫn câu chuyện của Trung Quốc.

Chính sách Trung Quốc quy định doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước này phải liên doanh chứ không 100% vốn nước ngoài, tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu là 40%. Như vậy sẽ cùng tạo sân chơi cho doanh nghiệp trong nước, tạo công ăn việc làm.

"Ngoài ra, họ cũng có quy định chuyển giao công nghệ nội địa để tự chủ. Hay Indonesia đã cấm Apple bán hàng vì đưa quy định tỉ lệ nội địa 40%.

Như Mercedes-Benz muốn bán xe ở Trung Quốc cần liên doanh với doanh nghiệp trong nước, có tỉ lệ nội địa hóa thì không thể sản xuất được mà cần doanh nghiệp trong nước. Cái này ta gọi là đứng trên vai người khổng lồ", ông Huân phân tích thêm.

Thiếu vắng nhà bán lẻ thương mại điện tử quy mô lớn

Gần đây các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam gây sức ép thị phần cho doanh nghiệp nội địa.

Các doanh nghiệp FDI có chuỗi liên kết toàn cầu, có năng lực cạnh tranh, có quy mô còn doanh nghiệp nội đang ngày càng lép vế trên sân nhà khi "gánh" nhiều chi phí thương mại, sức cạnh tranh yếu.

"Theo tôi, thị trường bán lẻ nội địa hiện còn thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến thương mại điện tử.

Chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỉ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10 - 20%. Các nhà bán lẻ trong nước cần nắm rõ thị trường, mô hình bán lẻ và phân khúc khách hàng của mình, phải là nhà bán lẻ chuyên nghiệp nhất.

Xây dựng đa kênh và đổi mới các kênh, chú trọng việc thử hàng/hoàn/đổi/trả, thanh toán thuận tiện và nhanh" - ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping (tại Hà Nội), đánh giá.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót tiền

Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế đến tháng 11-2024, ngành bán buôn bán lẻ có tổng vốn đăng ký đạt gần 1,37 tỉ USD, đứng thứ ba về thu hút FDI trong số các ngành.

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,4%).

Mức tăng trưởng này chứng tỏ thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những công ty lớn như Tập đoàn BRG, Aeon (Nhật Bản)...

Còn theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, thị trường F&B Việt Nam dự đoán sẽ đạt mốc 655.000 tỉ đồng trong 5 năm tới, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng phát triển vượt trội của ngành F&B toàn cầu.

Từ đây, nhiều doanh nghiệp toàn cầu "rục rịch" tìm cơ hội gia nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ngành bán lẻ - ngôi sao hy vọng - Ảnh 5.Mỗi ngày người Việt góp 2 tỉ đồng lợi nhuận cho Aeon, các ông lớn bán lẻ khác thu ra sao?

Sức tiêu dùng nội địa đang hồi phục giúp các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm thu về hàng nghìn tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp