24/02/2025 10:25 GMT+7

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè

Vỉa hè bị chiếm dụng, cho thuê làm chỗ buôn bán, đậu xe... khiến người đi bộ không có chỗ để đi. Bao giờ hết tình trạng này?

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 1.

Nhà nước đầu tư kinh phí làm vỉa hè sạch đẹp nhưng liệu có được dành cho người đi bộ hay bị lấn chiếm làm của... riêng. Trong ảnh: công nhân thi công vỉa hè đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 23-2 - Ảnh: VĂN TRUNG

Hàng ngàn tuyến đường ở TP.HCM không có vỉa hè. Thực trạng vỉa hè nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm làm 'của riêng' và ngang nhiên, tùy tiện cho thuê để buôn bán kinh doanh tự phát. Từ đó, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường là điều tất yếu. Và việc chỉnh trang bộ mặt đô thị vẫn còn rất khó khăn.

Sôi động "sàn giao dịch" vỉa hè

Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa "cho thuê vỉa hè" kèm theo khu vực muốn thuê lập tức có hàng ngàn vỉa hè đang "sẵn sàng" chờ khách, dù những điểm này không nằm trong danh mục các tuyến đủ điều kiện thu phí vỉa hè. Những vỉa hè này đa dạng về diện tích, giá cả, nằm ở khắp các quận, huyện.

Sôi động 'sàn giao dịch' cho thuê vỉa hè ở TP.HCM - Video: LÊ PHAN - CHÂU TUẤN - TRÚC QUYÊN

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với suy nghĩ "vỉa hè trước nhà tôi là của tôi", nhiều người dân công khai cho người khác thuê lại kinh doanh buôn bán. Không chỉ chủ nhà mà ngay cả những người thuê mặt bằng kinh doanh cũng tận thu nguồn lợi từ vỉa hè bằng việc "share" (ở đây mang nghĩa cho thuê), "sang" lại cho những người khác theo khung giờ.

Đơn cử trên Facebook, theo khảo sát đã có tới hàng trăm hội nhóm được lập ra với tiêu chí kết nối những người có nhu cầu cho thuê và những người muốn thuê vỉa hè. Tại đây hằng ngày có hàng chục vỉa hè được cho "lên sàn", những giao dịch "kẻ bán, người mua" diễn ra sôi nổi.

Chẳng hạn trong nhóm "Chia sẻ và cho thuê mặt bằng vỉa hè", chủ một bài đăng có tên N.L.A. cho biết cần cho thuê mặt bằng vỉa hè cả ngày hoặc nửa ngày trên đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh.

Để hấp dẫn người thuê, người này giới thiệu địa điểm cho thuê gần với khu vực đường Vạn Kiếp chỉ cách phố ẩm thực Phan Xích Long mấy trăm mét và báo giá 3,5 triệu đồng/tháng, yêu cầu đặt cọc một tháng.

Gặp trực tiếp chủ bài đăng, theo quan sát mặt bằng được rao cho thuê là phần vỉa hè rộng chừng 1,5m phía trước một cơ sở kinh doanh. Người này cho biết mình thuê căn nhà trên để buôn bán, vị trí cho thuê được "cắt" ra từ phần vỉa hè không sử dụng đến.

"Nếu bao cả điện nước thì giá 5 triệu đồng/tháng, cuối buổi có thể gửi lại xe ở đây", người này nói và cảnh báo thêm buổi sáng lực lượng chức năng thường kiểm tra, còn buổi tối thì ít. "Nếu có kiểm tra mình đẩy xe sát vô là không sao, ở đây cũng có nhiều người bán trên vỉa hè như vậy", người này hướng dẫn.

Tiếp tục liên hệ chủ một điểm khác trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, chúng tôi được giới thiệu là "Có thể kinh doanh cafe take away (cà phê mang đi - PV) và bán bánh mì vào buổi sáng". Nơi này còn được giới thiệu thêm về "ưu thế" là nằm trên tuyến đường chính về quận 1, xung quanh có các trường đại học FPT, Hutech, THPT Thanh Đa với giá cho thuê 2,2 triệu đồng có thương lượng.

Ghi nhận thực tế đây là phần vỉa hè phía trước căn nhà. Chủ mặt bằng tên L. cho biết mình là "chính chủ", ngoài tiền mặt bằng sẽ thu thêm 200.000 đồng tiền điện nước, còn ít quá thì bao luôn. "Khu vực này không có đô thị kiểm tra", người này tự tin.

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 3.

Mua bán lấn chiếm vỉa hè trên đường CMT8, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Căng thẳng "cuộc chiến"giành lại vỉa hè

Nhiều năm qua, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM rất cam go. Các quận huyện đều có những đợt ra quân, xử lý lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè nhưng chỉ mang tính thời vụ rồi đâu lại vào đó, ít thời gian sau tình trạng lấn chiếm lại như "nấm mọc sau mưa".

Vỉa hè, lòng đường bao giờ mới hết bị xâu xé? Đó là câu hỏi chung của nhiều người dân TP.HCM trước thực trạng đường sá, vỉa hè bị lấn chiếm khắp nơi.

Thực tế tại nhiều tuyến đường lớn nhỏ, vỉa hè và lòng đường ở TP đang trở thành "miếng bánh" bị xâu xé bởi nhiều lợi ích chồng chéo. Từ tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, bãi giữ xe trái phép đến các công trình thi công kéo dài... tất cả đều khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, giao thông rối loạn và quyền lợi của người dân, đặc biệt là người đi bộ, bị xâm phạm nghiêm trọng.

Hình ảnh rõ nét cho tình trạng này xuất hiện ở các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Trãi (quận 5), Nguyễn Du, Cống Quỳnh (quận 1), Phạm Văn Đồng, Hiệp Bình (TP Thủ Đức), Nguyễn Gia Trí, Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh)... tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh diễn ra công khai.

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 3.

Khách ngồi ăn chiếm hết vỉa hè trên đường Hoàng Sa, quận 3, TP.HCM chiều 23-2 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nghịch lý: vỉa hè là của... hàng quán

Hàng loạt quán ăn, quầy nước, xe đẩy chiếm trọn lối đi, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường - nơi vốn đã chật chội với lượng xe cộ dày đặc. Cảnh tượng này trở nên quá quen thuộc đến mức không ít người còn tưởng rằng "vỉa hè là của... hàng quán" và chuyện đi bộ dưới lòng đường trở thành điều hiển nhiên.

Không chỉ bị chiếm dụng để kinh doanh, nhiều vỉa hè còn trở thành nơi để xe máy, bãi giữ xe tự phát hoặc bị đào xới liên tục bởi các công trình thi công.

Tại các quận ven như Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng diễn ra phức tạp. Một số con đường nhỏ nhưng lại có lượng lớn xe cộ đi lại như Phan Huy Ích, Quang Trung, Lũy Bán Bích bị các quán ăn, cửa hàng kinh doanh tận dụng tối đa vỉa hè làm nơi buôn bán, dựng xe.

Cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, báo Tuổi Trẻ đã có những bài viết phản ánh về tình trạng vỉa hè và lòng đường bị chiếm dụng nghiêm trọng ở khu vực quận Bình Thạnh (trong đó có đường Tầm Vu, Nguyễn Gia Trí). Một số tuyến đường rất nhếch nhác với cả trăm xe hàng rong "bao vây tứ phía".

Sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc, ra quân xử lý với mong muốn lập lại trật tự. Điều đáng nói, khi lực lượng chức năng có mặt dọc một số điểm nóng thì khung cảnh vắng lặng so với ngày thường. Trong thời gian đi tuần, chỉ một vài trường hợp bị phát hiện, xử phạt.

Và vài ngày sau, khi tạm qua cao điểm xử lý thì đâu lại vào đấy, việc tuần tra được nhiều người cho rằng "như gió qua truông".

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 4.

Lấn chiếm cả lòng đường lẫn vỉa hè trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN

2.271/4.869 tuyến đường ở TP.HCM không có vỉa hè

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 4.869 tuyến đường rộng từ 5m trở lên nhưng 2.271 tuyến hoàn toàn không có vỉa hè hoặc vỉa hè đã bị lấn chiếm. Ghi nhận ngẫu nhiên của Tuổi Trẻ trên những tuyến lớn như Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Cách Mạng Tháng 8 (quận 3 và quận 10), Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí, Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh)..., hầu như không còn vỉa hè dành cho người đi bộ.

Người kinh doanh chiếm dụng từng mét vuông vỉa hè để buôn bán, bày bàn ghế, vật dụng tràn lan, có nơi còn mở luôn bãi giữ xe máy, người ghi phiếu, kẻ thu tiền, từng đợt xe ra vào tấp nập.

Anh Quang Vinh, một sinh viên đại học tại TP.HCM, chia sẻ ngày nào cũng đi bộ từ nhà trọ ra trạm xe buýt mà phải luồn lách qua các đoạn vỉa hè chật cứng xe máy và bàn ghế quán ăn. "Nhiều khi phải xuống lòng đường, giữa dòng xe chạy mà trong lòng luôn nơm nớp lo sợ va quẹt, tai nạn giao thông", anh Vinh lo âu.

Còn ông Trần Đức Huy (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay rất nhiều lần phản ảnh với các chủ quán vỉa hè trên đường Ung Văn Khiêm về việc "cố thủ" trên vỉa hè khiến những người đi bộ như ông không còn lối di chuyển. "Nhiều người nói vỉa hè trước nhà là của họ, họ muốn làm gì thì làm, mình không biết nói gì hơn...", ông Huy lắc đầu ngao ngán.

Tự ý cho thuê vỉa hè là sai

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết theo Luật Giao thông đường bộ, việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe hoặc các mục đích khác mà không có giấy phép là vi phạm.

Đồng thời nếu chủ thuê đất muốn dùng hoặc cho thuê vỉa hè, họ cần làm thủ tục xin phép chính quyền (UBND phường hoặc quận), chỉ khi được phê duyệt việc sử dụng vỉa hè mới hợp pháp.

Hiện nay, UBND TP.HCM đã triển khai quản lý, sử dụng một phần vỉa hè có thu phí như ở một số nơi để giữ gìn trật tự đô thị, đảm bảo vỉa hè có khoảng trống dành cho người đi bộ nhưng mô hình này chưa được phổ biến rộng rãi. Như ở Bình Thạnh và Gò Vấp chưa triển khai, xuất hiện nhiều người dân tự ý dùng vỉa hè để buôn bán, là hành vi lấn chiếm không được phép.

Sở này cũng cho biết mục tiêu của việc quản lý, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè và lòng đường là góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng TP văn minh, hiện đại và nâng cao trách nhiệm của người dân, đảm bảo an toàn trật tự giao thông.

Theo các văn bản pháp lý, các văn bản quan trọng liên quan, lòng đường, hè phố có chức năng chính là phục vụ giao thông (lòng đường phục vụ xe đi lại, vỉa hè để người đi bộ, gắn hệ thống báo hiệu giao thông và các công trình thiết yếu khác).

Ngoài chức năng nêu trên, lòng đường, vỉa hè chỉ được dùng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông (như kinh doanh, mua, bán hàng hóa, để xe, trông giữ xe theo quy định tại quyết định số 32 của UBND TP.HCM khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và thu, nộp phí sử dụng theo quy định (mức phí theo nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND).

Tư vấn "bao chiếm" vỉa hè từ A - Z

"Trùm" cho thuê có hơn 1.000 vỉa hè?

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 5.

Hào - người tự xưng là đang quản lý nhiều vỉa hè, thuộc chuỗi mắt kính ở TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trong các hội nhóm cho thuê mặt bằng vỉa hè, một tài khoản Facebook có tên Hoàng Song Hào chuyên đăng bài quảng cáo về một hệ thống kinh doanh mặt bằng vỉa hè có vị trí đắc địa, nằm góc hai mặt tiền ở các ngã tư lớn của TP.HCM.

Gặp khách, Hào khoe công ty mình (tức một hệ thống cửa hàng mắt kính trên địa bàn TP.HCM) đang quản lý và cho thuê hơn 1.000 vỉa hè. "Thương hiệu" này đã tồn tại 21 năm và kinh doanh mắt kính kết hợp cho thuê vỉa hè cũng là "nghề truyền thống của gia đình", hiện có hệ thống rộng khắp TP.HCM.

"Nếu người thuê nào không hợp phong thủy, buôn bán ế ẩm thì chỉ cần lên tiếng, tôi sẽ nhanh chóng đổi cho một vỉa hè khác", Hào quả quyết.

Khi khách lo ngại sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt, Hào vội vã trấn an: "Không sao, thật ra bây giờ kinh tế như thế này, đô thị xuống thì mình làm có trật tự là được...".

Khi chị Thu Hồng (một khách hàng) cho biết nhu cầu thuê mặt bằng vỉa hè dọc trục đường sôi động bậc nhất TP.HCM như Phạm Văn Đồng, Hào giới thiệu ngay cho khách một cửa hàng mắt kính có tên H.A. trên đường Tân Sơn (quận Gò Vấp). Đây cũng là văn phòng làm việc của Hào.

Chỉ vào xe bánh mì đang đặt tại vỉa hè ngay trước cửa hàng mắt kính H.A., Hào giới thiệu: "Chị này thuê vỉa hè của văn phòng bên tôi, chị ấy đang làm công ty ra ngoài bán bánh mì luôn. Bên tôi có các khung giờ sáng, chiều và nguyên ngày. Mức giá 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, nếu thuê nguyên ngày giá 5 triệu đồng". Giá thuê trên, theo Hào, đã bao gồm điện nước.

Ngoài ra người thuê được hỗ trợ cho gửi lại xe nước, bàn ghế. Đặc biệt khác với các đầu mối khác, riêng Hào không cần phải đóng tiền cọc vì "công ty rất thấu hiểu áp lực vốn của những người mua bán nhỏ". Đổi lại, ngay sau khi nhận mặt bằng người thuê phải trả ngay cho Hào tiền hoa hồng là 1.750.000 đồng (tức 50% tiền thuê mặt bằng một tháng).

"Thấy không, bình thường mà!"

Với số vốn vỏn vẹn 10 triệu đồng, vợ chồng chị Hồng mất hơn 5 triệu đồng (tiền thuê tháng đầu và tiền hoa hồng cho Hào) để "chốt" mặt bằng vỉa hè ngay trước cửa hàng mắt kính S.G., nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) với khung giờ từ 14h cho đến khuya.

Trước đó vợ chồng này cũng nhanh chóng thỏa thuận xong với một thương hiệu nhỏ về trà chanh tươi để nhượng quyền trọn gói bao gồm xe đẩy, sản phẩm trà, chanh tươi cùng một số vật dụng khác phục vụ việc mua bán.

"Chỉ cần đặt cọc xe trà 3 triệu đồng, trà bên tôi để 7.000 đồng/túi, chanh theo thời giá. Giá bán ra là 12.000 đồng/túi", Minh Tân, người phát triển hệ thống nhượng quyền trà chanh tươi, hướng dẫn khách bước vào con đường "khởi nghiệp trà chanh vỉa hè" giới thiệu.

Tân tỏ ra có kinh nghiệm, động viên vợ chồng chị Hồng phải kiên nhẫn, 1 - 2 tháng đầu có khi chưa có khách biết đến. Tuy nhiên sau khi đã quen điểm bán, có khách mối thì doanh số mỗi xe trà nhượng quyền bán ra từ 150 - 200 túi/ngày, doanh thu có thể đạt đến hơn 70 triệu đồng/tháng.

Ngày đầu khởi nghiệp, thông qua "bàn giao" của Hào, chủ cửa hàng mắt kính S.G. niềm nở hỗ trợ vợ chồng chị Hồng đấu điện, nước cho điểm bán. Dẫu sắm sẵn ba bộ bàn ghế nhưng vợ chồng chị Hồng chỉ dám chất một góc vỉa hè. Thấy vậy người khách đầu tiên ngó nghiêng rồi hỏi: "Em mới ra bán hả? Cứ bày bàn ghế ra, người ta thấy có chỗ ngồi người ta ưng ghé vào". "Sợ người đi bộ không có đường đi, sợ bị phạt", chị Hồng đáp.

Người phụ nữ tỏ vẻ ngạc nhiên: "Thấy mấy quán nước xung quanh đây không, đi xích lại đây tí mấy quán nhậu nữa, tối nào cũng bày bàn ghế kín hết vỉa hè, bình thường mà".

"Khởi nghiệp" trên vỉa hè?

Nếu không chọn trà chanh tươi nhượng quyền để kinh doanh, những người muốn khởi nghiệp trên vỉa hè vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác như bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, bánh mì chả cá, cà phê rang xay, sữa hạt hoặc các loại thức ăn nhanh... Điểm chung của các thương hiệu nhượng quyền này là sau khi khách hàng đồng ý hợp tác, việc kinh doanh sẽ được hệ thống hỗ trợ "triển khai" ngay trên vỉa hè.

Mặc dù không "bao" mặt bằng nhưng những thương hiệu này sẵn sàng hướng dẫn khách cách tìm, chọn và chốt mặt bằng vỉa hè ưng ý. Độ phủ của thương hiệu càng rộng, vỉa hè càng nhanh chóng được "lấp đầy" bởi những xe đồ ăn, thức uống và bàn ghế. Người kinh doanh vỉa hè có thể tự khởi nghiệp với sản phẩm mang "thương hiệu" riêng của mình. Những khoảng trống trên vỉa hè cũng từ đó mà dần bị lấp đầy, kín mít.

Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè - Ảnh 6.Vỉa hè trả lại cho người đi bộ: Chuyện từng hiếm gặp nay bình thường, đi chậm lại thấy bình tâm

"Chợt nhận ra, siết luật giao thông, hóa ra lại rất hay", một độc giả chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp