14/09/2015 09:14 GMT+7

Ngang nhiên thu tiền “bảo kê” người bán hàng rong

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Một nhóm thanh niên ngang nhiên tổ chức thu tiền “bảo kê” của những người bán hàng rong trong Khu công nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang) dưới danh nghĩa “thu tiền vệ sinh”.

Một đối tượng trong nhóm của Vũ "bảo vệ” thu tiền của người bán hàng rong - Ảnh: M.M.

Tình trạng này xảy ra hơn tháng qua khiến những người buôn thúng bán bưng rất khổ sở. Mỗi ngày những đối tượng “bảo kê” đều đặn gom tiền hai lần, buổi sáng và buổi chiều. Ai không chịu thì chúng hăm dọa đánh nên mọi người đành cắn răng đưa tiền.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

16g chiều 8-9, từ một quán cà phê cóc bên góc đường D2 thuộc Khu công nghiệp Tân Hương, nhóm thanh niên khoảng 10 đối tượng đội nón két, đeo khẩu trang phóng xe máy tỏa ra các con đường có người bán hàng rong trong khu công nghiệp.

Vũ "bảo vệ” - một trong những đối tượng được nhóm bảo kê phân công trực tiếp thu tiền - được chở trên chiếc xe Wave đỏ đến góc đường D3 - N4.

Theo một số người bán hàng rong trong Khu công nghiệp Tân Hương, sở dĩ mọi người gọi Vũ "bảo vệ” là do trước đây Vũ làm bảo vệ trong khu công nghiệp. Sau khi nghỉ làm bảo vệ một thời gian, Vũ chuyển qua đi thu tiền “bảo kê”.

Đi theo Vũ còn có bốn đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa, theo sát nhất là hai thanh niên đi xe máy Exciter.

“Xích vô coi, để tràn ra lộ vậy?” - tiếng Vũ hét lên, nhiều người bán hàng rong trên đường D3 xem như mệnh lệnh để chuẩn bị tiền chung cho Vũ.

“Cho 10.000 đi” - Vũ vừa nói vừa giật 10.000 đồng từ tay một người đàn ông bán cá, rồi xé một tờ giấy được xem như “biên lai” (trên đó ghi mệnh giá tiền 10.000 đồng cùng chữ “thu tiền vệ sinh”) trao cho người bán cá.

Người phụ nữ bán khổ qua cạnh đó năn nỉ Vũ: “Năm ngàn đi anh”. “Năm ngàn sao được, đồ này mười ngàn” - Vũ lớn giọng.

“Gì kỳ vậy, có mấy trái khổ qua à” - người phụ nữ đau khổ nói nhưng vẫn bấm bụng đưa cho Vũ tờ 10.000 đồng. Cứ thế, những người bán quần áo, rau củ, trái cây đều phải đưa tiền cho Vũ.

Đoạn đường D3 dài khoảng 500m đặc kín xe bán hàng rong, ước tính có hàng trăm người bán và tất cả đều phải đưa tiền cho Vũ. Chỉ trong khoảng 30 phút, Vũ hoàn tất việc thu tiền hơn 200 người bán hàng trên đường D3.

Sau đó Vũ được một chiếc xe máy chở đến đoạn đường khác để tiếp tục công việc thu tiền.

Chiều 9-9 dù trời mưa tầm tã nhưng Vũ cùng một thanh niên tên Tý vẫn mang áo mưa đi thu tiền. Vừa thu xong 10.000 đồng của một người bán rau, Vũ liền hối người bán thịt heo quay bên cạnh đưa tiền: “Heo quay cho 10.000 đi”.

“Khoan anh ơi, đợi em cái anh ơi” - người phụ nữ bán heo quay vừa bán hàng cho khách vừa nói. Vũ liền gắt gỏng: “Lẹ đi, còn nhiều người khác nữa”.

Phía trước mặt Vũ còn hàng trăm người bán hàng rong mà Vũ chưa kịp thu tiền nên Vũ phải móc điện thoại gọi Tý đến phụ. Thu tiền xong, nhóm của Vũ tụ tập tại một quán cà phê ngay trong khu công nghiệp để chia tiền.

Sáng 10-9, Vũ và Tý tiếp tục rảo khắp các khu bán hàng rong trong Khu công nghiệp Tân Hương như đường D2, D3, N4... Từ những người bán vài bộ tranh thêu, quần áo đến những sạp bán thịt heo di động đều phải đóng 10.000 - 30.000 đồng “tiền vệ sinh” cho Vũ và Tý.

Hầu như không ngày nào nhóm Vũ không đi thu tiền của người bán hàng.

Không chung không được

Một người bán thịt ở đường D3 cho biết: “Trước đây chúng thu 20.000 - 30.000 đồng, giờ giảm còn 10.000 - 20.000 đồng. Tụi tôi rất khổ sở với chúng. Không bán được gì cũng phải chung chi. Còn không chung thì chúng dọa đánh”.

Ông K. bán giày dép cho biết từ nhiều năm nay ông bán trong khu công nghiệp này và chỉ bị thu tiền vệ sinh 4.000 đồng/ngày.

“Nhưng khoảng một tháng nay, ở đâu mọc ra thêm một nhóm thanh niên tới nói là thu tiền vệ sinh và thu thêm của tôi 10.000 đồng. Khi tôi thắc mắc tiền vệ sinh có người thu rồi thì chúng lại nói đây là tiền chỗ. Để được yên thân, tôi đành đóng khoản tiền rất vô lý này” - ông K. nói như muốn khóc.

Bà P., một người làm vệ sinh các khu bán hàng rong trong Khu công nghiệp Tân Hương, cho biết trước đây bà cũng bán hàng rong như mọi người. Sau khi kết thúc việc bán hàng, bà thường nán lại thu gom rác trên cả đoạn đường dài.

Những người bán hàng khác thấy thế nên người góp 3.000 đồng, người góp 2.000 đồng cho bà, xem như trả công dọn vệ sinh. Thấy việc dọn vệ sinh mất thời gian, bà nghỉ bán hẳn để làm vệ sinh.

Theo bà P., thời gian gần đây xuất hiện một nhóm thanh niên đi thu tiền và nói là “thu tiền vệ sinh”, khiến bà rất khó xử với những người bán hàng rong khác vì bà không liên quan tới nhóm người này.

“Nhóm thanh niên này không tham gia dọn vệ sinh như tôi nhưng họ lại ngang nhiên thu tiền của bà con, thậm chí ép bà con phải đóng số tiền lớn” - bà P. nói.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trả lời PV Tuổi Trẻ, một cán bộ phòng doanh nghiệp thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang khẳng định việc bán hàng rong trong khu công nghiệp là sai, tự phát. Tuy nhiên, tới thời điểm này hoàn toàn không có ai được phép thu tiền người bán hàng rong.

Vị cán bộ này khẳng định: “Chuyện thu tiền của người bán hàng rong là sai, không ai cho thu tiền gì ở đây cả”.

Theo tìm hiểu, ở mỗi tuyến đường trong khu công nghiệp có một người được những người bán hàng rong cắt cử ra dọn dẹp vệ sinh sau mỗi phiên chợ. Sau đó tùy vào lòng hảo tâm, mỗi người bán hàng góp cho người dọn vệ sinh 2.000 - 4.000 đồng/người/buổi.

Ngày 10-9, trả lời Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Văn Dân, phó trưởng Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), cho biết tổ công tác của công an Khu công nghiệp Tân Hương đã nhận được thư phản ảnh, tố cáo của bà con về việc có một số đối tượng thu phí bán hàng rong trong khu công nghiệp.

“Đích thân trưởng công an huyện có phân công tôi làm rõ. Khi có kết quả sẽ báo cáo ngay với cấp trên để có hướng xử lý” - thượng tá Nguyễn Văn Dân nói.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp