24/10/2024 14:02 GMT+7

Ngăn xe né trạm BOT Quảng Nam: Chính quyền nói 'quá khó', doanh nghiệp và dân nói 'quá khổ'

Sau khi xin rào dải phân cách không thành, chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung (Quảng Nam) đề xuất lắp vật dụng hạn chế chiều cao tại các đường né trạm. Đề xuất này đang được lấy ý kiến.

Ngăn xe né trạm BOT Quảng Nam: Chính quyền nói 'quá khó', doanh nghiệp và dân nói 'quá khổ' - Ảnh 1.

Một barie dựng lên ở khu dân cư gần trạm thu phí Điện Bàn - Ảnh: B.D.

Ngày 24-10, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết vừa đề nghị Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 - chủ BOT Điện Thắng Trung phối hợp với địa phương tính toán phương án giới hạn chiều cao các đường dân sinh để hạn chế xe né trạm.

Chưa rõ phương án giải quyết cho BOT Quảng Nam

UBND thị xã Điện Bàn cho biết thời gian qua các bên nỗ lực tìm các giải pháp để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp. Công an Điện Bàn tăng cường kiểm tra xử lý xe cố tình đi vào đường cấm, cho lắp đặt các biển báo theo quy định...

Dù vậy tới nay xe đi vòng né trạm vẫn diễn ra mà chưa có phương án tối ưu.

Mới đây, sau khi Công ty 545 đề xuất lắp barie hạn chế chiều cao tại các đường rẽ thị xã Điện Bàn đã họp lấy ý kiến các bên.

Thị xã đề nghị chủ BOT Điện Thắng Trung phối hợp với phường Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc (hai đầu trạm thu phí) cùng các ngành liên quan kiểm tra, khảo sát hiện trạng đường dân sinh.

Từ đó đề xuất phương án, giải pháp phù hợp giới hạn chiều cao, hạn chế xe có tải trọng lớn chạy vào các tuyến đường hai bên trạm BOT.

Ngăn xe né trạm BOT Quảng Nam: Chính quyền nói 'quá khó', doanh nghiệp và dân nói 'quá khổ' - Ảnh 2.

Trạm BOT Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Tại buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) mới đây, Công ty 545 cũng nêu các thiệt hại mà đơn vị này phải gánh chịu từ lúc hình thành các khu dân cư quanh trạm BOT.

Đơn vị này nói ban đầu thì đề xuất đóng dải phân cách giữa quốc lộ 1A nhằm buộc xe phải qua trạm. Tuy nhiên, đề xuất này bị người dân phản ứng. Liên tiếp sau đó, chủ BOT gửi các kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Quảng Nam.

Theo chủ BOT Điện Thắng trung, hiện lãi ngân hàng vượt xa khoản thu phí hằng tháng. Nguyên do chính từ đường vòng mọc lên quá nhiều quanh trạm.

Chủ BOT Điện Thắng Trung đề xuất nhà nước mua lại trạm hoặc dời tới vị trí phù hợp, hoặc tính phương án lắp rào chắn hạn chế chiều cao các đường dân sinh.

Dân gần BOT nói "quá khốn khổ"

Tại buổi họp lấy ý kiến các đơn vị ở Điện Bàn hôm 16-10 về phương án hạn chế chiều cao ngăn xe lớn né trạm, nhiều đơn vị băn khoăn cho rằng việc hạn chế chiều cao là khó khả thi.

Nếu triển khai thì dân sẽ phản ứng. Việc hạn chế chiều cao cũng tạo ra các bất tiện như xe bồn chở bê tông, xe cứu hỏa, xe cứu hộ… khó ra vào lúc cần.

Trong khi đó, cộng đồng người dân ở hai bên trạm thu phí hiện cũng khó khăn để lựa chọn phương án hài hòa. Đa phần bà con mong muốn sớm chấm dứt việc xe tải lớn chạy rầm rập qua khu dân cư cả ngày lẫn đêm như hiện tại.

"Có ở đây mới biết dân khổ ra sao. Ngày nào xe cũng chạy rầm rầm rung cả tường nhà. Khói bụi tung mù mịt, ăn ngủ không yên. Trẻ con thì không dám cho ra đường chơi.

Chúng tôi đồng ý cho xe nhỏ qua lại, nhưng xe tải lớn và xe khách thì phải cấm để môi trường an toàn" - bà Nguyễn Thị Phúc, khu dân cư DHTC nói.

Tương tự, bà Trương Thị Hà (khối phố Thanh Quýt 3, phường Điện Thắng Trung), cho rằng cần có cách hạn chế xe tải trọng lớn đi vào các khu dân cư.

"Xe né trạm rất nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Chúng tôi không đồng tình rào chắn hết để buộc xe phải đi hết qua trạm, nhưng cần hạn chế làm sao để xe lớn không đi vào khu dân cư. Tất cả vì an toàn của bà con" - bà Hà nói.

Ngăn xe né trạm BOT Quảng Nam: Chính quyền nói 'quá khó', doanh nghiệp và dân nói 'quá khổ' - Ảnh 3.

Đường dân sinh nối quốc lộ 1 bên trạm BOT Điện Thắng Trung - Ảnh: B.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo phường Điện Thắng Trung nói hằng ngày chứng kiến cảnh xe đi vòng né thu phí, thấy thiệt hại rõ cho chủ đầu tư nhưng chưa thể làm gì khác.

"Hôm họp lấy ý kiến về phương án hạn chế chiều cao thì chúng tôi cũng thấy khó thực hiện. Vì đường dân sinh nội bộ liên kết với trục quốc lộ 1 rất nhiều, mỗi đường lại đi ra những nhánh khác. Nếu lắp thiết bị hạn chế chiều cao thì không lẽ dựng hết các trục đường?

Mặt khác, nếu làm như vậy thì lúc xe bồn, xe trộn bê tông, xe cứu hỏa, xe bốc hàng hóa lớn đi vào khu dân cư thì bị cản trở.

Việc này chúng tôi không quyết được mà phải tham khảo ý kiến bà con nhân dân để họ quyết định. Nếu có làm thì cũng phải tính vị trí nào đó cho thuận chứ không dựng barie nhiều được" - đại diện phường Điện Thắng Trung, nói.

Ngăn xe né trạm BOT Quảng Nam: Chính quyền nói 'quá khó', doanh nghiệp và dân nói 'quá khổ' - Ảnh 4.Chủ tịch thị xã Điện Bàn: 'Làm đường cho dân đi chứ không phải để khóa, thu phí cho BOT'

"Đường làm ra là để cho dân đi chứ không phải làm ra để khóa rồi phục vụ thu phí BOT cho doanh nghiệp. Nếu thấy lỗ quá thì phải tính phương án khác, có thể là dời đi nơi khác hợp lý hơn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp