Một trường hợp nhảy cầu tự tử ở cầu Bình Lợi, TP.HCM - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận hai ca uống thuốc diệt cỏ tự tử. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phó giám đốc phụ trách Trung tâm chống độc, cho biết đây chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân tự tử vào trung tâm thời gian qua.
Nhiều người chết vì paraquat
Bệnh nhân P.T.H.N., 38 tuổi ở Hải Dương, uống thuốc diệt cỏ Butachlor và một chai diệt cỏ cháy paraquat để tự tử. 13 tiếng sau gia đình bệnh nhân phát hiện sự việc, đưa bệnh nhân đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển tiếp lên Trung tâm chống độc, mặc dù được điều trị tích cực và lọc máu, nhưng do bệnh nhân đã uống một lượng lớn thuốc diệt cỏ nên chỉ hai ngày nhập viện, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân về để gia đình lo hậu sự.
Trường hợp khác là một phụ nữ 42 tuổi ở Hưng Yên, sau khi to tiếng với cha mình, chị này cũng lấy một chai diệt cỏ cháy để uống. Mặc dù được phát hiện sớm và điều trị ngay nhưng tiên lượng sức khỏe của bệnh nhân cũng hết sức khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết nhiều đêm Trung tâm chống độc tiếp nhận tới 5 bệnh nhân tự tử và rất nhiều người trong số đó là những người trẻ. Đặc biệt nguy hiểm là những trường hợp tự tử bằng paraquat, theo bác sĩ Nguyên, chỉ cần uống một lượng paraquat khoảng 50ml thì nguy cơ tử vong gần như chắc chắn, kể cả những bệnh nhân được cho ra viện, tưởng như đã được điều trị ổn thì có thể 3-5 tháng sau cũng có nguy cơ tử vong do chứng xơ phổi, hậu quả của việc uống paraquat.
Điều bác sĩ đau lòng nhất là những bệnh nhân uống paraquat thường tỉnh táo đến lúc mất, lúc này họ thấy đau khổ và sợ hãi trước cái chết nhưng bác sĩ không thể làm gì để cứu bệnh nhân.
Làm sao nhận biết, đâu là nơi hỗ trợ?
Dù số người tự tử rất nhiều nhưng hiện chưa hề có dịch vụ chuyên trợ giúp đối với người có ý muốn tự tử, ngoài gia đình họ hay bệnh viện tâm thần.
PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần Việt Nam - cho hay trên thế giới ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu người chết vì tự tử với nguyên căn phổ biến nhất là do trầm cảm (chiếm 2/3 số người tự tử) và số ít là rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý nặng, nghiện rượu, chất kích thích, tâm thần phân liệt... Tại Việt Nam, số người tự tử do trầm cảm lên đến khoảng 40.000 người.
Theo BS Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, đa số những người tự tử hay tự tử bất thành đều "bật đèn đỏ" nhằm đưa ra những dấu hiệu cảnh báo người thân về ý định tự tử như hay phàn nàn về cuộc sống, thay đổi tâm trạng, ăn kém, ngủ kém, lạm dụng rượu và các chất gây nghiện, tìm đến độc dược hoặc phương tiện để tự sát, nói nhiều, viết nhiều về cái chết, hoàn thành những kế hoạch còn dang dở, nói lời chia tay với gia đình và bạn bè...
Theo các bác sĩ, việc ngăn chặn tự tử sẽ hiệu quả khi giảm bớt được các yếu tố nguy cơ và tăng cường các yếu tố bảo vệ. Cụ thể, chúng ta nên quan tâm, trò chuyện người có ý định tự tử qua những dấu hiệu trên và nên im lặng, lắng nghe những điều họ tâm sự. Nếu cuộc trò chuyện thất bại, có thể nhờ các chuyên gia tâm lý lâm sàng, bác sĩ tâm thần hoặc liên hệ đến Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý để được can thiệp hoặc hỗ trợ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Kinh hoàng paraquat
Mỗi năm ước tính có hàng ngàn người tự tử bằng paraquat và gần như tất cả số bệnh nhân này tử vong.
Các bác sĩ đã nhiều lần kêu gọi cấm sử dụng paraquat ở Việt Nam, nhưng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gia hạn thêm 2 năm kể từ khi loại chất này ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng ở Việt Nam (tháng 2-2017), có nghĩa là paraquat sẽ tiếp tục được dùng tự do cho đến tháng 2-2019, và thời gian sắp tới vẫn có nguy cơ nhiều người chết vì paraquat.
Thế giới và những nỗ lực ngăn ngừa tự tử
Từ năm 2003, bất kể rất nhiều sáng kiến, nỗ lực đã triển khai trong 15 năm qua, số trường hợp tự tử vẫn ở mức cao đáng sợ. Báo Guardian dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn thế giới có gần 800.000 ca tự tử, có nghĩa cứ 40 giây lại có một người chết vì tự sát.
Tại Mỹ, theo đài ABC, gần 45.000 người chết vì tự tử ở Mỹ năm 2016, tương đương với cứ 12,3 phút lại 1 người chết vì tự sát. Khác với người lớn, trầm cảm không phải là nguyên nhân gây tự tử nhiều nhất ở trẻ em.
Theo thống kê mới nhất vừa công bố của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật (Mỹ), tỉ lệ tự tử ở nữ giới tăng 50% trong giai đoạn 2000-2016, trong khi ở nam giới là 21%.
Có lẽ vì thế mà ở Mỹ, người ta không chỉ dùng một ngày 10-9 để nâng cao nhận thức về việc cần phòng chống tự tử, mà còn tổ chức cả một tuần với tên gọi Tuần lễ phòng chống tự tử quốc gia (National Suicide Prevention Week) trong tháng 9 để lan tỏa thông điệp cần nâng cao chất lượng sống về tinh thần nhằm giảm bớt số trường hợp phải đi tới lựa chọn cùng quẫn.
Nhân tố nguy cơ lớn nhất dẫn tới tự tử, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, là một lần tự tử hụt trước đó. Theo bác sĩ Dan Reidenberg, giám đốc điều hành Tổ chức Suicide Awareness Voices of Education (SAVE), những thay đổi lớn trong hành vi, khác hẳn với tính cách thông thường của một người, là những tín hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy một người, đặc biệt là một người đang bị trầm cảm, có thể sẽ tự tử.
Cũng theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất người thân có thể làm được trong tình huống này là sự sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ mà không đánh giá, phán xét.
D.KIM THOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận